Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

Chủ nhiệm CLB Quan họ Đặng Xá Nguyễn Thị Kim Quýnh: “CHÚNG TÔI KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG VIẾT DỰ ÁN XIN TÀI TRỢ”

Chị Nguyễn Thị Kim Quýnh (bên phải) và chị Nguyễn Thị Y là
hai liền chị trụ cột của làng Đặng Xá

Quan họ Đặng Xá là một trong số ít những làng có phong trào lưu giữ phục hồi quan họ cổ được đánh giá cao tại tỉnh Bắc Ninh. Đây cũng là nhóm nghệ nhân hiếm hoi từng được Quỹ Ford tài trợ cho dự án truyền dạy quan họ cổ cho lớp trẻ trong làng. Đến 9/2009, Quĩ Ford tạm biệt Hà Nội về Mỹ. Dù vẫn cam kết vẫn tiếp tục tài trợ cho các hoạt động khoa học, xã hội và nhân đạo tại Việt Nam nhưng cánh cửa để các nghệ nhân tiếp cận nguồn hỗ trợ dường như đã đóng lại.

CỔ NHẠC VẮNG HỌC TRÒ “CHÂN TRUYỀN”

Nghệ nhân hát văn Đào Thị Sại nay đã gần trăm tuổi
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền từng đưa ra công thức n - 1,.., n -9, n -10…” để nói đến sự suy giảm của vốn cổ nhạc truyền lại sau mỗi lớp học trò hiện nay. Nếu ta chỉ đặt ra một chỉ tiêu ngắn mà không thực sự có học trò chân truyền, những người là mắt xích kế tục thế hệ trước thì tinh hoa cổ nhạc sẽ dần bị suy giảm, biến mất hoặc…biến thái.

Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2010

GS.TS Trần Văn Khê: Hồi ức xưa và một ước mơ nhân Đại lễ 1000 năm

Giáo sư Trần Văn Khê được biết đến như một người có công lớn trong việc truyền bá âm nhạc cổ truyền Việt Nam tới các bạn bè thế giới. Những công lao của ông được ghi dấu cùng những chuyến đi khắp năm châu bốn bể và ngay cả trên mảnh đất quê nhà. Trong quãng đời bôn ba đó, Hà Nội trong trái tim ông tựa như một người bạn khó quên. Hà Nội – Thời sinh viên trai trẻ, Hà Nội – nơi tìm kiếm tinh hoa cổ nhạc, Hà Nội – chút tiếc nuối cho di sản và Hà Nội – vài nhắn nhủ tới dịp đại lễ nghìn năm. Muôn mặt tình yêu với Hà Nội của Giáo sư Trần Văn Khê sẽ phần nào được gợi mở trong cuộc trò chuyện cùng ông.

Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

Đạo diễn Đỗ Bèn: Hành trình cùng “Thăng Long - ngàn năm thương nhớ”

Với đạo diễn Đỗ Bèn, cảm xúc cứ đầy lên sau mỗi chuyến ghi hình ở Hà Nội, để rồi khi trở về phương Nam, thành quả của anh và nhóm làm phim TFS là những phóng sự tiếp nối đầy chất thơ cho loạt ký sự 140 tập “Thăng Long - ngàn năm thương nhớ” hiện đang phát sóng trên HTV7 vào 22g40, trên HTV9 lúc 23g30 và phát lại đến tập 45 trên sóng VTV1 vào 23h25.

Được làm với phong cách “vừa đi, vừa khám phá”, loạt ký sự đang dần hé mở những góc nhìn mới mẻ của người phương Nam về Hà Nội. Một Hà Nội xưa cũ, thâm trầm và lặng lẽ? Hay là “đại công trường” của một thủ đô đang thời kỳ mở rộng? Vẻ đẹp tiềm ẩn của đất Hà Thành sẽ được những người đứng sau máy quay khám phá.

Để có được những thước phim chất lượng, đạo diễn Đỗ Bèn và đoàn làm phim của mình đã làm việc miệt mài hơn 1 năm nay qua những chuyến bay Hà Nội - Sài Gòn không ngừng nghỉ. Ngay cả trong đêm 30 Tết, đáng ra phải được đoàn tụ cùng gia đình, thì nhóm phải vác máy quay rong ruổi khắp phố phường Hà Nội để ghi lại những khoảnh khắc giao thừa. Kết quả là những thước phim đầy cảm xúc về Hà Nội ấy đãđoạt giải B báo chí Quốc gia về Nghìn năm Thăng Long ngày 4-10 vừa qua.

Lắng nghe những tâm sự của Đạo diễn Đỗ Bèn về hành trình cùng “Thăng Long - ngàn năm thương nhớ”, có thể ít nhiều hiểu được tấm lòng của người con Nam Bộ hướng về thủ đô Hà Nội.

- Có mặt ở Hà Nội đúng dịp đại lễ, đoàn làm phim của anh có ghi được nhiều cảnh thú vị không?

- Cũng không nhiều lắm, vì đợt đại lễ này rất đông nên khó chọn cảnh quay. Chúng tôi chỉ cố gắng chộp được những khoảnh khắc thú vị của không khí này thôi.

- Nhưng những ngày đại lễ rất đặc biệt?!

- Thực ra loạt ký sự “Thăng Long - ngàn năm thương nhớ” không chỉ có đại lễ. Đó là một bộ phim trải dài nói về lịch sử, văn hóa, địa lý của Hà Nội nói chung. Đại lễ chỉ là một điểm nhấn của bộ phim.

- Từ miền Nam ra đây làm phim về Hà Nội nhóm của anh có gặp nhiều khó khăn không?

- Điều khó khăn nhất đối với chúng tôi là khâu tổ chức. Ra Hà Nội với thời gian quay rất nhanh, kinh phí có hạn, ngoài ra phải liên hệ đủ thứ. Thứ nữa là mình biết không nhiều về Hà Nội nên cả đoàn phải làm việc cật lực. Bên cạnh đó, Hà Nội giai đoạn này đang là một “đại công trường” nên ghi hình rất khó.

- Một thành phố có bề dày lịch sử như Hà Nội có khiến anh mất nhiều công sức tìm hiểu?

- Trước khi đi chúng tôi đã tìm hiểu thông tin trên mạng và sách báo về Hà Nội. Nhưng thông tin trên mạng phải dè chừng, mình có những cái mình đọc thấy có nhưng khi đến nơi thì không phải. Sách về lịch sử Hà Nội không ít nhưng chưa có hội đồng thẩm định tính đúng sai, lại có ý kiến nhiều chiều. Ví dụ, có sách nói núi Sưa là núi Nùng, nhưng có sách lại nói núi Nùng ở ngay điện Kính Thiên. Với suy nghĩ, trách nhiệm với bộ phim là của chính mình, vì khó xác định như thế nên chúng tôi không nhờ đến cố vấn mà thay vào đó là đưa ý kiến của những nhà nghiên cứu có uy tín vào phóng sự. Họ sẽ tự chịu trách nhiệm về nhận định của mình.

- Với phong cách vừa đi vừa khám phá, chắc hẳn loạt ký sự sẽ có nhiều cảnh quay ngẫu hứng?

- Để chuẩn bị cho bộ phim, đoàn phải tìm hiểu rất nhiều thông tin về Hà Nội trước đó, nhưng muốn hay, phải do những cảm xúc ngẫu nhiên. Tết năm ngoái, chúng tôi đến Bát Tràng để quay cảnh chuẩn bị cho giao thừa. Dù có liên hệ trước và định quay rất bình thường, nhưng ngay lúc đó, tự nhiên mình thấy cái Tết của Hà Nội rất giống với cái Tết ở miền Nam. Cảm xúc đến ngay tức thì nên thành ra lời bình hoàn toàn mang cảm xúc của người thực hiện chương trình đang đứng tại chỗ viết về suy nghĩ của mình về Hà Nội như một lời tự sự.

- Nhiều người nói rằng Hà Nội bây giờ không còn cổ kính nữa. Anh nghĩ sao?

- Cái đó là tùy từng suy nghĩ của mỗi người thôi. Nếu một người làm phim đi phớt qua họ sẽ thấy Hà Nội không còn cổ kính nữa. Nhưng những người làm phim như chúng tôi sẽ có góc nhìn riêng của mình. Nếu đi qua một con đường, người bình thường sẽ thấy nó đen ngòm, nhưng nếu mình nhìn dưới góc độ văn hóa sẽ thấy bao thế hệ người đã đi qua con đường đó. Nói về mặt trái của phố phường rất dễ, nói về một Hà Nội yêu thương mới khó. Lấy hiện thực hôm nay để nói rằng quá khứ của nó đã từng đẹp như thế. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm ra cái đẹp của Hà Nội.

- Phản hồi của người dân TP Hồ Chí Minh với loạt ký sự này thế nào?

- Đa số người theo dõi đều rất thích vì bộ phim được làm theo một cách rất khác. Ban đầu nhiều người cho rằng nó sẽ thất bại vì mang tính tuyên truyền, thứ nữa là Hà Nội đã được nói đến nhiều rồi còn gì đâu mà quay. Nhưng khi phát sóng, nhiều đồng nghiệp bất ngờ và theo dõi bộ phim rất kỹ. Thậm chí có những người nhiệt tình, thấy gì chưa hay là góp ý liền.

- “Một cách rất khác” ở đây nghĩa là gì, thưa anh?

- Là mình nhìn Hà Nội dưới chiều sâu của nó. Chiều sâu của cuộc sống người hôm nay và người ngày xưa để thấy được vẻ đẹp ẩn chứa bên trong. Gặp một con ngõ nhỏ, lúc đầu chúng tôi kêu lên “trời ơi, Hà Nội sao có những con ngõ kỳ thế” nhưng đi vào lịch sử thấy ngày xưa con ngõ này từng là hầm, địa đạo... Những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những người dân phố cổ từng đục tường liên thông các ngôi nhà giữa các con phố để cho quân ta di chuyển đánh giặc. Rồi thời Hà Nội 12 ngày đêm khói lửa, rất nhiều gia đình đã tự đào hầm trong nhà hay ngoài ngõ làm nơi trú ẩn tránh bom. Hiểu được lịch sử, mới thấy nó đẹp thế nào. Hay như về Cự Đà, có những ngõ “Lễ Nghĩa”, “Trí Tín” để tìm lại dấu vết của nền móng giáo dục xưa. Hoặc ở đường Thụy Khê có cổng làng ghi lại là “Mỹ tộc hạ phong” do vua phong cho làng có thuần phong mỹ tục thì mình mới hiểu là tại sao người Tràng An lại được coi là thanh lịch.

- Anh và đoàn làm phim đã thực hiện một “cuộc điền dã lớn về Thăng Long - Hà Nội” để hoàn thành 140 tập ký sự. Cảm xúc của anh trong suốt hành trình là gì?

- Nhiều lắm! Nhưng có lẽ cảm xúc mạnh nhất của cá nhân tôi chính là những gì mà tôi đã gửi gắm trong lời bình tập 1 “Hà Nội trong tôi” và tập 35 “Hà Nội nỗi nhớ” của loạt ký sự.

- Cám ơn anh về những cảm xúc rất chân thành về Hà Nội.

Đạo diễn Đỗ Bèn là gương mặt gạo cội và có nhiều kinh nghiệm làm phim ký sự tại Hãng phim truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS). Anh đã từng đoạt nhiều giải thưởng lớn về phóng sự, ký sự như: “Vui buồn với Di tích Cát Tiên” - Huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2002, “Người thêm sắc cho hoa” Huy chương Bạc liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 26 Cô giáo làng Vân” - Huy chương Bạc liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 26 - 2007 và gần đây nhất là phóng sự “Người giải mã cồng chiêng” đoạt giải cánh diều bạc 2009. Loạt ký sự “Thăng Long - Ngàn năm thương nhớ” cũng đã đoạt giải B báo chí quốc gia về đề tài 1000 năm Thăng Long diễn ra tại Hà Nội ngày 4-10-2010.

ĐIỆP TRẦN (thực hiện)

Đăng trên Nhân dân điện tử ngày 8.10.2010

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

CHÚT HÀ NỘI CỦA GIÁO SƯ TRẦN QUANG HẢI

Là một người con của miền sông nước Nam Bộ lại sống xa quê hương, nhưng đối với GS.Trần Quang Hải, người con trai trưởng của GS.Trần Văn Khê đã nối tiếp cha đeo đuổi sự nghiệp bảo tồn và truyền bá âm nhạc cổ truyền của Việt Nam ra thế giới, Hà Nội vẫn có điều gì đó để ông phải nhớ.

Ông nói rằng từ bé mình chỉ biết Hà Nội qua sách vở và chỉ 8 năm trước, ông mới lần đầu tiên ông đặt chân lên mảnh đất này. Nhưng, dù chỉ đến với thủ đô qua những chuyến công tác ngắn ngày, ông vẫn kịp có nhiều trải niệm với nơi đây.

Người ta từng thấy “ông già” Trần Quang Hải vừa say sưa chìm đắm với nhạc ca trù ở cửa đình sau đó đã lại xắn tay đệm đàn muỗng cho nhóm hiphop Bigtoe thể hiện những động tác múa cuồng nhiệt ngay giữa đường phố Hà Nội. Xem ra, cái tuổi 66 của ông vẫn chưa phải là già.

Dăm điều đó thôi đã thấy tò mò về một chút Hà Nội của Trần Quang Hải – một nhà nghiên cứu âm nhạc, một người bạn và một người con xa xứ.

- Thưa ông, tại sao ông lại “gặp” Hà Nội muộn vậy?

Tôi rời Việt Nam từ năm 1961 khi còn rất trẻ. Du học, làm việc rồi nghiên cứu dân tộc nhạc học....cuộc sống cứ thế cuốn đi cho đến năm 2002 tôi mới được mời về Việt Nam để thực hiện một chương trình âm nhạc. Thật hữu duyên khi đó là chương trình nói về cảm giác của một nhạc sĩ Việt Nam về âm nhạc cổ và tân của nước Việt sau 40 năm xa cách. Cũng trong dịp ấy, lần đầu tiên tôi được đến Hà Nội.

- Cảm giác của lần đầu ấy như thế nào?

Bạn biết không, trước đó Hà Nội với tôi là một thế giới mới lạ mà tôi chỉ biết qua sách vở, phim ảnh chứ chưa từng đặt chân tới. Lúc ấy, tôi đã 58 tuổi rồi mà vẫn không kìm được sự hồi hộp, rạo rực vừa có chút nôn nao muốn nhìn thấy thủ đô của xứ Việt. Một cảm xúc kỳ lạ, muốn trào nước mắt.

- Từ buổi ấy đến nay ông đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với đời sống cổ nhạc đất Hà thành. Ông đánh giá thế nào về việc lưu giữ vốn cổ âm nhạc của người Hà Nội?

Ở Hà Nội tập trung khá nhiều thể loại cổ nhạc miền Bắc nhưng mỗi loại đều có một số phận. Khi hát Xẩm tại chợ Đồng Xuân thu hút khá nhiều dân chúng tới xem thì những buổi biểu diễn Quan Họ, Ca Trù tuy được tổ chức thường xuyên nhưng chưa được như mong muốn. Nếu Chầu Văn được hồi phục chỗ đứng trong lòng người dân Hà Nội thì múa rối nước rất được du khách ngoại quốc ưa chuộng.

Tôi nghĩ giá nghệ nhân có nơi trình diễn thường xuyên, đồng thời cổ động dân Hà Nội tham gia hỗ trợ các sinh hoạt này thì mọi chuyện sẽ tốt hơn. Ngoài ra, viện âm nhạc và nhạc viên nên có những buổi giới thiệu nhạc cổ truyền cho giới trẻ học đường từ tiểu học đến trung học.

- Nói đến giới trẻ, hình như ông đã từng đệm đàn muỗng cho một nhóm nhảy hiphop ngay trên đường phố Hà Nội?

Đó là vào tháng Giêng năm 2010. Lúc ấy tôi dùng muỗng để thử nghiệm cho các bạn trẻ thấy là có thể dùng những nhạc cụ cổ truyền trong loại nhảy hip hop. Kết quả là đầy triển vọng trong tương lai. Vì thế, trong hội thảo quốc tế ICTM về dân tộc nhạc học tại Hà Nội tháng 7 vừa qua, một lần nữa các em lại nhảy trên nền của đàn môi. Cũng trong dịp này, một tham luận về đề tài đối chiếu Hát Xẩm và Hip hop và ứng dụng của nó là nhảy hiphop trên nền Xẩm cũng được đón nhận nhiệt tình.

- Có một bài viết nói rằng, tuy ca trù có ở nhiều nơi (theo thống kê là 14 tỉnh thành), nhưng có thể coi ca trù là “dân ca của Hà Nội”, ông thấy đánh giá này thế nào?

Tôi không cho Ca Trù là “dân ca của Hà Nội” vì đa số dân Hà Nội không hiểu gì về Ca Trù. Thể loại âm nhạc này chỉ được “tái sinh” sau khi bà Quách Thị Hồ được tôn vinh ở hải ngoại và được phong tặng chức Nghệ sĩ nhân dân. Ca Trù được “sống lại” từ vài mươi năm nay thôi.

- Hoàng Thành Thăng Long vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, liệu hỏi một Giáo sư âm nhạc học về việc nên bảo tồn như thế có nào có được không, thưa ông?

Theo tôi, cũng như văn hóa phi vật thể, việc lưu giữ các di tích lịch sử ở Hà Nội rất khẩn cấp. Theo định nghĩa của di sản văn hóa thế giới, thì một nơi được chọn sẽ không được thay đổi bất cứ gì và phải tôn trọng và bảo trì cẩn thận. Đó là việc làm của những chuyên gia khảo cổ và của chính quyền.

- Xin gác lại câu chuyện về chuyên môn, thế còn những người bạn Hà Nội của ông thì sao?

Họ đã cho tôi những kỷ niệm đẹp bằng sự nồng hậu và thân tình. Qua những cuộc gặp gỡ với các nhóm nghệ nhân, mà thực là những người bạn, tôi hiểu thêm về giá trị của cổ nhạc và đời sống muôn mầu của nó ở đất Hà thành. Nguyễn Thị Minh Châu, Bùi Trọng Hiền, Lê Văn Toàn và những nghiên cứu viên ở Viện Âm nhạc với sự nghiêm túc và nhiệt tình hiếm có của mình đã giúp tôi mở rộng tầm mắt về sinh hoạt âm nhạc ở Việt Nam. Đó còn là tình thân khi chính họ và những người bạn nhỏ thân thiết khác đã đưa tôi đi khám phá Hà Nội và những món ăn “đặc sản” nổi tiếng ở đây. Điều này thực sự rất thú vị!

- Được biết, vừa rồi ông đã tặng cho Viện âm nhạc Việt Nam một bộ sách và đĩa hát rất quí. Nhưng hình như trước đó mấy năm, ông còn gợi ý cho một nhóm nghiên cứu sang pháp đưa về Việt Nam một số tài liệu quí của viện bảo tàng con người Pháp nhưng vì một lý do nào đó không thành công?

Việc này tùy thuộc vào điều kiện tài trợ mà lúc đó chưa thể thực hiện được. Tôi chỉ mang về một số nhỏ tài liệu cho thấy bộ môn dân tộc nhạc học ở xứ người như thế nào. Đó là dự án trong tương lai là làm sao mang về Việt Nam tất cả sách vở, đĩa hát, nhạc cụ mà tôi muốn trao lại cho Việt Nam. Điều kiện duy nhất để thực hiện là phải có tiền để trả kinh phí cho việc chuyển những tài liệu này từ Pháp về Việt Nam.

- Nếu Paris hoa lệ, thủ đô của nước Pháp là nơi ông định cư, thì Hà Nội, thủ đô của quê hương yêu dấu có ý nghĩa thế nào với ông?

Dù là người sinh ra tại một miền khác và lớn lên ở xứ Pháp, Hà Nội đã mang lại cho tôi hình ảnh của nền văn minh, văn hóa và nghệ thuật của dân tộc Việt Nam. Đó thực sự là niềm tự hào có một thành phố quê hương nghìn năm văn vật, đầy những di tích lịch sử mà lúc nhỏ tôi chỉ biết qua sách vở.

- Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

Điệp Trần (thực hiện)

Đăng trên báo Thời Nay ngày 27.9.2010

Chú thích ảnh:

Ảnh 1: Với Giáo sư Trần Quang Hải, khám phá Hà Nội thực sự thú vị

Ảnh 2: Phút ngẫu hứng của GS.Trần Quang Hải với những người bạn Hà Nội.

Ảnh 3: GS.Trần Quang Hải biểu diễn chơi đàn môi tại Hội thảo quốc tế ICTM về âm nhạc dân tộc

Thông tin thêm

GS.Trần Quang Hải là con trai trưởng của GS.Trần Văn Khê, người có công to lớn trong việc truyền bá âm nhạc cổ truyền Việt Nam ra thế giới. Ông đã trình diễn hơn 3000 buổi giới thiệu nhạc Việt tại 65 quốc gia, giảng dạy tại hơn 100 trường đại học trên thế giới và tham dự hơn 130 đại hội liên hoan quốc tế nhạc truyền thống.

Tuy nối gót cha theo đuổi sự nghiệp bảo tồn cổ nhạc Việt Nam, song GS.Trần Quang Hải thiên về ứng dụng, biểu diễn và thuyết trình giới thiệu âm nhạc dân tộc học. Quan điểm nghiên cứu của ông là kết hợp chất nhạc cổ truyền của nhiều dân tộc, pha trộn tùy hứng với jazz, nhạc đương đại với nhiều loại nhạc khí và kỹ thuật giọng hát để tạo thành một loại nhạc mới lạ mang tính ứng dụng. Ngoài ra, ông còn được biết đến như một chuyên gia về đồng song thanh và đàn muỗng. Kết quả, hơn 400 bản nhạc cho đàn tranh, đàn môi, muỗng, đồng sonh thanh, nhạc tùy hứng và đương đại của ông đã ra đời.

Hiện, GS.Trần Quang Hải đang làm đại diện của Việt Nam (ủy viên) tại Hội đồng âm nhạc truyền thống quốc tế (ICTM).

Tóm lược từ tranquanghai.info

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu: VẺ ĐẸP CỦA HÀ NỘI ĐỀU TÌM THẤY TRONG ÂM NHẠC

Đã viết những cuốn sách nghiên cứu phê bình âm nhạc như Phần Nhạc mới trong bộ Hợp tuyển tài liệu nghiên cứu – lý luận – phê bình âm nhạc thế kỷ XX (2003), Giao hưởng một đời người (2007), Nhà phê bình âm nhạc, anh là ai? (2008) và gần đây nhất là cuốn Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội (2009), Nguyễn Thị Minh Châu được đánh giá là cây bút điêu luyện, sắc sảo hiếm thấy trong giới phê bình âm nhạc.

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, hàng chục năm xa Hà Nội, giờ trở lại làm dân tạm trú ở Hà Nội, số phận luôn “buộc” vào chị những mối duyên nợ với Hà Thành. Có thể thấy phần nào mối duyên nợ ấy trong cuộc trò chuyện với chị.

- Tại sao chị viết cuốn sách Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội?

Nhiều người tin rằng Hà Nội là thành phố có nhiều ca khúc nhất thế giới, thậm chí còn muốn thu gom cho đủ con số 1000 nhân dịp chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tôn vinh Hà Nội bằng cách chỉ chạy theo những con số thì rõ là nhiễm căn bệnh thành tích rồi. Số lượng chưa nói được gì, điều quan trọng là chất lượng nghệ thuật của cái số lượng ấy lại chưa được khám phá. Nói về bài hát, các nhà bình luận thường dựa trên nội dung đề tài và “tán” theo lời ca, nửa còn lại làm nên giá trị một ca khúc là ngôn ngữ âm nhạc lại luôn bị lờ đi. Ngoài ra còn một mảng hết sức quan trọng là nhạc giao hưởng, thính phòng và hợp xướng rất ít được nhắc tới. Chính khí nhạc mới là yếu tố quyết định cho âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam hội nhập với diễn đàn quốc tế. Cuốn sách này là bước đầu khám phá giá trị tượng đài Hà Nội bằng âm thanh không chỉ qua nghệ thuật biểu hiện của lời ca, mà quan trọng hơn, đó là âm nhạc.

- Cảm nhận suốt chiều dài hơn 70 năm của các nhạc phẩm về Hà Nội, liệu chị có thể phác vài nét về đề tài nội dung của bức tranh âm nhạc này?

Những nét đặc trưng của Hà Nội đều có thể tìm thấy trong âm nhạc. Trước hết đây là thành phố sông hồ: sông Hồng như một biểu tượng quê hương, hồ Gươm linh thiêng trong màu sắc huyền thoại, hồ Tây lãng mạn trong cảm xúc tình yêu... Hà Nội còn là thành phố bốn mùa, trong đó mùa thu được nhắc tới nhiều nhất vì liên quan đến những sự kiện lịch sử của Thủ đô và đó cũng là mùa của tình yêu. Còn có rất nhiều hình ảnh tiêu biểu khác: phố phường Hà Nội xưa và nay, thiếu nữ Hà Nội duyên dáng và dịu dàng, con người Tràng An hào hoa và thanh lịch, truyền thống Hà Nội văn hiến và hào hùng...

- Và có thể thấy gì về ngôn ngữ âm nhạc trong tác phẩm về thủ đô?

Nhờ số lượng phong phú nên chỉ riêng những tác phẩm về Hà Nội cũng đã phản ánh những nét chính của nền âm nhạc mới Việt Nam. Trước hết là tính phổ cập và chất ca xướng nhờ sử dụng chất liệu dân ca. Vì là nơi hội tụ tinh hoa đất nước nên ở đây gặp đủ mặt dân ca dân vũ của ba miền Bắc - Trung - Nam. Xuất hiện nhiều hơn cả là phong cách ả đào, dù ca trù không phải là “đặc sản” riêng của Hà thành, có lẽ cái chất ngâm ngợi, sâu lắng và tinh tế của ca trù rất hợp với tính cách người Hà Nội xưa.

Tính đại chúng và tính thời sự cũng được thấy rõ trong cách sử dụng giai điệu ca khúc trong tác phẩm khí nhạc. Và còn một đặc điểm rất Việt Nam, đó là ngữ điệu tiếng nói có thể biến thành giai điệu âm nhạc không lời.

- Có những tác giả, tác phẩm viết về Hà Nội mà chị đặc biệt yêu quí không?

- Tựa đề Đây thăng long, đây Đông Đô, đây Hà Nội được lấy từ bài hát Người Hà Nội của nhà văn Nguyễn Đình Thi, người bố dượng mà chị yêu quí như cha ruột. Chị có thể chia sẻ những kỷ niệm về ông?

Tôi gần ông và chịu ảnh hưởng từ ông nhiều hơn ba ruột. Ông là người Hà Nội gốc, một người “rất Hà Nội”: nho nhã, sâu sắc, uyên bác, khiêm nhường, kín đáo... Ông muốn giữ những kỉ niệm riêng tư cho riêng mình. Tôi giống ông ở điểm này. Nếu nhất định phải chia sẻ thì tôi chỉ có thể kể lại chi tiết mà tôi đã nói trong cuốn Đây Thăng long, đây Đông Đô, đây Hà Nội... Vào những ngày cuối trước khi hôn mê ông có dặn tôi nhiều thứ và trong câu chuyện lộn xộn đó ông có nhắc đến Người Hà Nội. Ông mong được trả lại câu kết như bản gốc chứ đừng thêm cái từ “chiến thắng!” cao vút lên như người ta vẫn hát.

- Còn kỉ niệm về Hà Nội?

Với tôi, Hà Nội là tuổi thơ, là mối tình đầu và có lẽ cũng là mối tình cuối.

- Hà Nội đã mở rộng, những con đường chật ních người, một Hà Nội dịu dàng, trầm lắng thì có lẽ chỉ còn trong hoài niệm. Hà Nội giờ đây có còn chút “chất nhạc” nào gợi cảm hứng cho người nghệ sĩ không?

Trong chiến tranh Hà Nội đâu có êm đềm nên thơ mà vẫn gợi cảm hứng cho bao tuyệt phẩm. Dù có ồn ào pha tạp đến đâu thì cuộc sống vẫn đầy ắp những rung động với đủ cung bậc của những hỉ-nộ-ái-ố. Âm nhạc là phương tiện thể hiện ra những cảm xúc đó.

- Các bài hát về Hà Nội nổi tiếng phần lớn là những tác phẩm của những thế hệ trước. Gần đây, các nhạc sĩ trẻ có cho ra tác phẩm nào về Hà Nội đáng nghe không?

Khẳng định bây giờ không có tác phẩm hay như thời trước e rằng vội vã. So với trước kia, sáng tác hiện nay nói chung và về Hà Nội nói riêng rõ ràng phong phú hơn không chỉ về số lượng mà cả về phong cách và ngôn ngữ biểu hiện. Được tiếp cận nhiều hơn với thế giới bên ngoài, các nhạc sĩ trẻ luôn tìm tòi thử nghiệm để ngày càng vững vàng hơn trong việc chứng tỏ cái tôi của mình, nhất là trong sáng tác khí nhạc chuyên nghiệp. Cái thiếu là môi trường kích lệ sáng tạo và sự hỗ trợ đưa những tác phẩm chuyên nghiệp đến với công chúng. Chỉ khi tác phẩm được sống bằng âm thanh thực sự thì mới có thể biết nó đáng nghe hay không. Và thời gian sẽ trả lời tác phẩm có giá trị bền lâu hay không.

- Kỹ sư hay nhìn đời bằng con mắt của những khối hình, nhà toán học thì nhìn đâu cũng thấy logic, thế còn chị, một người đeo đuổi âm nhạc, đã từng cảm nhận cuộc sống đất Hà Thành như những giai điệu bao giờ chưa?

Chẳng những đã từng, mà còn nhiều lần. Tôi đối mặt với những “bức bối” bằng cách viết ca khúc cho riêng mình. Không ít lần giai điệu đã nảy ra trên đường đi và bài hát đã ra đời ngay trên đường phố Hà Nội. Một trong những bài hát không công bố đó có đoạn thế này: Cứ đi cho đời ta/ Biết thế gian gần xa/ Đến khi nào nhận ra/ Không đâu bằng ở nhà. “Nhà” đây chính là Hà Nội.

- Chỉ một từ thôi, Hà Nội trong mắt Nguyễn Thị Minh Châu là gì?

Là từ NHÀ viết hoa.

- Cám ơn chị vì những chia sẻ của mình!

Minh Nguyễn (Điệp Trần) (thực hiện)

Đăng trên Nhân dân điện tử ngày 27.9.2010

GẶP LẠI MIRANDA ARANA, NGƯỜI PHỤ NỮ MỸ TỪNG “GÂY SỐC” Ở HÀ NỘI

Cách đây 16 năm, có một cô gái Mỹ làm “chấn động” giới âm nhạc Hà Nội khi đưa ra những phát biểu thẳng thắn về âm nhạc dân tộc cải biên của Việt Nam. Khi ấy, ý kiến của cô đã làm tổn thương những người bảo vệ dòng nhạc này khi cho rằng âm nhạc cổ truyền đích thực của Việt Nam không hề có trong môi trường kinh viện mà ở ngoài dân gian, thế giới của những nghệ nhân cổ nhạc thực thụ.

Giờ nhắc lại phản ứng này chắc chắn có người sẽ ngạc nhiên, bởi bấy lâu nay khái niệm di sản cổ nhạc Việt Nam với các nghệ nhân đã được mặc định như một lẽ tất yếu. Tuy nhiên, ít ai biết rằng cho đến thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nhiều người trong giới học giả và quần chúng nói chung đều ngộ nhận rằng âm nhạc dân tộc cải biên chính là âm nhạc cổ truyền của Việt Nam. Cô gái Mỹ mang cái tên Miranda Arana “gây sốc” cũng trong hoàn cảnh ấy!

Ngay sau cuộc hội thảo gây chấn động dư luận với nhiều ý kiến trái chiều trong giới chuyên môn, dù Báo Lao Động cũng đã lập tức lên tiếng bênh vực ý kiến của chị, tháng 6/1994, với một chút thoáng buồn, chị đã nói lời tạm biệt những người bạn Việt Nam thân thương và lên đường về nước. Trở về Mỹ, Miranda nhanh chóng đúc kết toàn bộ những nghiên cứu của mình, chuyển thành đề tài cho luận văn cao học tại trường đại học Wesleyan ở Connecticut. Công trình của chị đã được đánh giá xuất sắc và ngay sau đó được xuất bản thành cuốn sách “Nhạc dân tộc cải biên Việt Nam” (Neotraditional Music In Vietnam- 1999). Có thể coi đó là thành quả nghiên cứu lớn nhất của chị sau hành trình đến dải đất hình chữ S, một mảnh đất mà với chị chứa đựng biết bao điều quyến rũ về văn hóa cũng như con người. Tình yêu Việt Nam hẳn thể hiện một phần không nhỏ ở việc chọn lựa người bạn đời của chị - anh Quyền Aranna, một chàng trai Mỹ mang dòng máu Việt. Chị thường tự hào rằng trong gia đình, chị với mẹ chồng và dì ruột của chồng là 3 người đàn bà nói tiếng Việt Nam. Và, chị cũng là người dạy tiếng Việt cho chồng. Là con dâu của một người mẹ Việt Nam, Miranda tiếp tục trải nghiệm những cảm giác thân thương khi khoác lên mình chiếc áo dài Việt Nam trong dịp trọng đại nhất của cuộc đời – ngày cưới. Bắt gặp Miranda với áo dài và đàn tranh trong những lần biểu diễn mới thấy tình cảm của chị dành cho Việt Nam sâu đậm đến nhường nào.

Trò chuyện với chị để hiểu thêm tình cảm của một người bạn Mỹ về Hà Nội, thành phố mến yêu mà chị đã gắn bó suốt thời gian ở Việt Nam.

- Chị đã từng ở Việt Nam trong bao lâu?

Phải nói là Hà Nội chứ! Tôi ở đây từ năm 1992 – 1994 khi làm việc cùng các tình nguyện viên Châu Á, dạy tiếng Anh cho sinh viên một số trường đại học ở Hà Nội và nghiên cứu âm nhạc.

- Lần đầu đến Hà Nội, chị có ấn tượng thế nào về thành phố này?

- Với tôi, Hà Nội rất đẹp với rất nhiều hồ, kiến trúc Pháp cổ, những ngôi chùa, khu chợ và các con phố toàn xe đạp. Bạn biết đấy, thời điểm đó xe đạp là phương tiện di chuyển chủ yếu của người Hà Nội mà.

- Thế còn cuộc sống ở nơi đây thì sao?

- Hồi ấy, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp những cụ già và cháu bé xúng xính trong những bộ cánh rất cổ truyền. Rồi còn cách mọi người đi trên phố, làm thế nào mà họ có thể di chuyển được giữa một dòng xe cộ náo nhiệt và chật cứng đến vậy? Nhưng dạo chơi khắp phố phường bằng xe đạp thật thú vị, tôi có thể ghé vào một quán cà phê ven hồ và ngồi đó cả ngày ngắm nhìn mọi người đi lại. À, tôi còn rất thích những gánh hàng rong với đủ món ngon Hà Nội nữa!

- Thế thì chắc là chị được thưởng thức nhiều đặc sản ở Hà Nội lắm nhỉ?

- Có thể bạn sẽ buồn cười, nhưng tôi thích nhất là quà vặt ăn sáng ở Hà Nội. Tào phớ với nước đường cho thêm chút gừng này, đủ các thứ xôi - xôi lạc, xôi đậu, xôi ngô..., lại còn phở nữa chứ!

- Thế còn người Hà Nội thì sao?

- Tôi rất thích sự nghị lực của con người Hà Nội. Ai cũng thân thiện và cầu tiến. Tôi có cảm giác lúc nào họ cũng hăng hái học và tiếp nhận những thứ mới, những thử thách mới để cải thiện cuộc sống sau nhiều năm vất vả. Những nghệ sĩ mà tôi từng gặp rất say mê loại nghệ thuật mà mình đeo đuổi, họ thực sự tự hào về lịch sử và văn hóa của nước mình.

- Chắc chị có bạn thân ở Hà Nội chứ nhỉ?

- Ồ, có chứ, nhiều là đằng khác. Những người bạn của tôi rất hay và thông minh, như Bùi Trọng Hiền chẳng hạn. Nhờ có anh ấy mà tôi biết nhiều hơn về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, điều mà thực sự nhiều người ngoại quốc rất mơ hồ. Anh đã truyền tình yêu với cổ nhạc Việt cho tôi và điều ấy đã khích lệ tôi rất nhiều để hiểu hơn về âm nhạc, lịch sử và văn hóa của quê hương anh.

- Tại sao chị lại chọn một đề tài rất “hóc” là nhạc dân tộc cải biên để làm luận văn thạc sĩ của mình?

- Chuyện kể ra cũng khá dài. Tôi từng có thời gian làm việc tại trại tị nạn của những người Indonesia tại Philippines. Ở đấy, tôi có cơ hội học tiếng Việt và tiếp xúc với một số gia đình nghệ nhân. Vì vậy tôi đã biết đến đàn tranh và lần đầu tiên được nghe những giai điệu của đất nước Việt Nam. Vì thế, khi đến Hà Nội, việc đầu tiên của tôi là tìm gặp các nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc. Nhưng sau mấy tháng vật lộn tìm hiểu nhiều nhóm biểu diễn nhạc dân tộc, tôi khá nản lòng vì nó không giống cái tôi cần tìm. Khi tôi gặp Giáo sư Tô Ngọc Thanh và anh Bùi trọng Hiền, mọi thứ đã thay đổi. Hai người giới thiệu tôi đến gặp những người có thể dạy tôi thứ âm nhạc mà tôi thực sự muốn học. Đó cũng là lúc tôi nhận ra ở đây có hai giới rất khác biệt: âm nhạc dân tộc của những người được đào tạo trong nhà trường và âm nhạc của những nghệ nhân dân gian. Điều đó đã thôi thúc tôi phải tìm hiểu.

- Chị có biết là quan điểm của chị vào những năm 1994 rất gây tranh cãi, nhưng đến giờ nó lại là một thực tế hiển nhiên được công nhận. Các nghệ nhân cổ nhạc bây giờ đã có một vị thế khác hẳn so với thời chị ở Hà Nội. Họ được trân trọng và tôn vinh hơn. Những nhạc sĩ nhạc dân tộc cải biên cũng không còn được coi là đại diện ưu tú cho nhạc dân tộc như trước nữa. Vào thời điểm đó bản tham luận của chị rất nổi tiếng trong dư luận âm nhạc Việt Nam. Hiện nay vẫn còn rất nhiều người nhắc đến chị và sự kiện hội thảo quốc tế năm 1994. Chị nghĩ sao về thông tin này?

- Tôi thực sự rất vui khi nghe tin này. Nhưng có sự thay đổi quan điểm như bây giờ chắc chắn không phải do tôi, bởi ở Việt Nam có rất nhiều người tâm huyết với cổ nhạc. Họ sẽ làm việc hết mình để tìm lại vị trí thực sự cho các nghệ nhân cổ nhạc. Tôi gây sốc chỉ vì ở thời đấy, quan điểm của một người ngoại quốc về âm nhạc Việt Nam sẽ bị nhìn nhận với con mắt nghiêm khắc, nhạy cảm và khiến nhiều người ủng hộ nhạc dân tộc cải biên tổn thương.

- Trong các thể loại âm nhạc cổ truyền Việt Nam, chị thích loại nào nhất?

- Tôi thích nhạc Tài tử- Cải lương bởi nó có thang âm và giai điệu rất đẹp, hay nhất là tính ngẫu hứng ứng tác đầy cảm xúc. Ca trù với tôi nghe rất lạ nhưng lại gây ấn tượng mạnh. Đấy là lý do khiến tôi rất hay lui tới câu lạc bộ ca trù ở Hà Nội để nghe hát. Tôi còn rất thích nghe bà Hà Thị Cầu hát Xẩm nữa.

- Ngoài đàn tranh, chị còn biết chơi nhạc cụ nào của Việt Nam nữa?

- Tôi có thể thổi sáo trúc. Nhưng tôi muốn kể thêm về việc tại sao mình học đàn tranh. Ý định này đến với tôi khi bắt gặp một cây đàn tranh được bán cùng mấy mớ rau và vài bộ quần áo cũ ở khu chợ Philippines gần trại tị nạn. Lúc đầu tôi chỉ biết chút thôi, nhưng khi đến Việt Nam, tôi đã được những người thầy nghệ nhân ở đây hướng dẫn rất nhiều. Họ coi tôi như con trong gia đình vậy. Có thể vì thế mà đến giờ tôi vẫn không thể nào quên những kỷ niệm thân thương gắn liền với cây đàn tranh và những người thầy của mình.

- Nghe nói chồng chị là người mang trong mình nửa dòng máu Việt Nam?

- Đúng vậy, anh ấy tuy sinh ở Việt Nam nhưng lại lớn lên ở Oklahoma nên không rành về văn hóa Việt Nam và không biết nói tiếng Việt. Trong khi tôi, một cô gái Mỹ lại làm được điều ấy. Vì thế, khi đến với anh và gặp mẹ anh, một người Việt Nam, tôi thực sự rất vui. Hai mẹ con tôi rất hợp nhau và tôi hiểu bà đã hạnh phúc thế nào khi con dâu của mình có một chút liên hệ với văn hóa quê hương bà.

- Hình như trong đám cưới chị chú rể mặc áo the khăn xếp, còn cô dâu thì mặc áo dài Việt Nam. Tại sao chị lại chọn trang phục này trong đám cưới của mình vậy?

- Bởi áo dài Việt Nam thực sự rất đẹp! Lễ cưới của chúng tôi diễn ra tại một ngôi chùa thay vì nhà thờ. Mùi hương trầm, tiếng chuông chùa và giọng tụng kinh của các vị sư luôn khiến cho tôi cảm thấy thanh thản.

- Cô con gái yêu của chị có được mẹ truyền cho một chút âm nhạc Việt Nam nào không?

- Con bé đã xem tôi biểu diễn rất nhiều loại nhạc cụ và nghe nhạc nhẹ Việt Nam khi ở với bà. Tôi còn từng biểu diễn đàn tranh và sáo trúc rất nhiều lần ở trường cháu nữa. Nhưng giờ con bé học piano vì được bà ngoại tặng cho một cái rất đẹp.

- Hiện đang làm giảng viên tại đại học Oklahoma, chị có lớp học nào dạy về âm nhạc Việt Nam cho sinh viên không?

- Tôi có dạy một khóa giới thiệu về âm nhạc các dân tộc trên thế giới. Đôi khi, xen kẽ các bài giảng tôi có nói đến Việt Nam. Tuy nhiên, tôi có cảm giác rằng mình đã dành quá nhiều thời gian vào nghiên cứu nhạc dân tộc cải biên Việt Nam nên chưa trang bị đủ kiến thức để dạy về âm nhạc cổ truyền của đất Việt. Tuy nhiên, cổ nhạc Việt Nam thực sự cho tôi rất nhiều cảm xúc và chỉ muốn giữ nó cho riêng mình.

- Chị sẽ quay lại Việt Nam trong thời gian tới chứ?

- Có chứ, tôi thực sự muốn quay trở lại việt nam cùng gia đình mình. Đó là mơ ước của tôi.

- Cám ơn chị về những chia sẻ đầy cảm xúc này!./.

Điệp Trần (thực hiện)

Bài đăng trên Nhân dân điện tử 21.9.2010

Chú thích ảnh:

Ảnh 1: Hai vợ chồng Miranda đã chọn mặc áo dài trong đám cưới của mình

Ảnh 2: Hòa tấu cổ nhạc cùng nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (1993) (ảnh: Bùi Trọng Hiền cung cấp)

Ảnh 3: Cây đàn tranh vẫn gắn bó với Miranda cho đến tận bây giờ

Thứ Tư, 15 tháng 9, 2010

Nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ: “TRUYỀN LẠI NGHỀ CHO CÀNG NHIỀU HỌC TRÒ CÀNG TỐT...”

Ai cũng hiểu trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam không có gì giá trị hơn sự kế tục theo lối truyền khẩu ngón nghề trực tiếp từ lớp nghệ nhân tiền bối. Song đến giờ, những báu vật sống ấy vẫn phải mỏi mắt chờ đợi một “cơ chế” tôn vinh di sản của các cấp chính quyền. Có người buông xuôi sống qua ngày, nhưng có người lại tự thân vận động, tự tìm học trò. Nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ (Tứ Kỳ, Hải Dương) là một trong số ấy.
Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ (ảnh: Bùi Trọng Hiền)

Được mệnh danh là “đệ nhất danh cầm” với 70 năm gắn bó với cây đàn đáy, ở tuổi 85, cụ Đẹ vẫn miệt mài tìm cách truyền thụ tinh hoa cổ nhạc cho thế hệ trẻ từ nhiều năm nay. Học trò của cụ dễ phải đến hàng chục, nhưng theo đến nơi đến chốn chẳng là bao. Thế là, dù cố gắng, đến giờ người nghệ nhân già vẫn phải cặm cụi “đốt đuốc tìm học trò”. Ai cũng bảo nghề này khó mà quên đi cái nhẽ thường “vạn sự khởi đầu nan”. Khó ở đâu, khó cái gì và khó như thế nào, có lẽ chỉ người trong cuộc như cụ Đẹ mới cảm thấy rõ nhất.

- Thưa cụ, đáng ra ở cái tuổi “cổ lai hi” người ta phải nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, tại sao cụ cứ phải trăn trở tìm học trò vậy?

Vì tôi tiếc. Công mình hun đúc tiếng đàn bao nhiêu năm trời mà không trao được cho ai thì phí lắm!

- Nhưng rốt cuộc chẳng mấy ai theo được đến nơi đến chốn...

Học đàn phải từ 3 đến 4 năm mới tạm ổn nghề, chứ nhiều người học chỉ được 20 ngày hay tham gia khóa học vài tháng mà mỗi tuần 2 buổi rưỡi thì làm sao theo nổi.

- ..và vì thế đến giờ cụ vẫn chưa có truyền nhân?

Có chứ, tôi có vài học trò tâm huyết. Như chị Phạm Thị Huệ và Phạm Đình Hoằng. Nhất là cậu Hoằng, cứ từ Hà Nội về đây học suốt. Năm cậu Hoằng mới học tôi tưởng thấy khó quá mà chán, ai ngờ về sau học được lại mê, đến nay là gần 4,5 năm rồi đấy, bây giờ tay đàn đã khá lắm rồi.

- Mất nhiều năm như vậy mới thành nghề, ắt hẳn học đàn đáy rất khó?

Kỹ thuật đàn đáy không khó. Cái khó là phải tự học hỏi và cọ sát. Ngày xưa tôi học mất 5 năm mới ra đàn, ấy mà vẫn phải đi các nơi nghe ngóng học lỏm, thấy ai đàn hay thì chịu khó rót nước điếu đóm, người ta mới chỉ cho mình. Dần dà tai mình sẽ biết nghe, tay mình biết nắn thế nào cho ra tiếng trùng, tiếng vê, tiếng vẩy...để nghe chín nục mới hay.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và người học trò kiên trì nhất của mình, kép đàn Phạm Đình Hoằng (ảnh: Bùi Trọng Hiền)

- Nhưng ngày nay chẳng có mấy cơ hội được cọ sát như vậy bởi những người theo ca trù rất ít?

Tuy ít nhưng giờ học lại có băng đài, ghi âm hỗ trợ chứ không phải tự nhớ trong đầu như chúng tôi ngày xưa. Thuở nhỏ, tôi phải tự lần mò học mót, nhưng giờ gặp học trò nào tận tâm, kiên trì thì có bao nhiêu vốn liếng tôi sẽ dạy chỉ tay, chỉ ngón cho bằng hết.

- Nghe nói cụ có mở lớp dạy đàn trong làng?

Có, nhưng kinh tế không có lấy gì cho tụi nó học nên các cháu không ham lắm. Ở nhà quê hát cho ai nghe, đàn cho ai nghe? Thỉnh thoảng tôi buồn thì gọi chúng đến dạy. Ở nhà tôi cũng dạy đứa cháu gái học hát, cũng được kha khá đấy, nhưng giờ nó đi làm thợ may, dăm bữa nó về hai ông cháu lại đàn hát với nhau.

- Hình như trước đây cụ có đề xuất với sở văn hóa tài trợ tiền để mở lớp dạy đàn ở làng nhưng không được?

Tôi xin mấy triệu để cháu nào có học đàn thì mỗi ngày cho nó 5 nghìn thôi cũng được. Tôi cũng đề nghị may cho mỗi cháu một bộ áo dài để đi đâu diễn đỡ phải thuê. Ấy thế mà họ chả cho xu nào, lại cho phông màn với loa đài nghe đâu trị giá vài chục triệu có chết không. Tất cả tôi trả lại xã, họ làm gì thì làm.

- Cụ nghĩ sao về quan niệm chỉ truyền dạy ca trù trong khuôn khổ gia đình?

Không nên bó khuôn trong gia đình. Truyền lại được càng nhiều học trò càng tốt, bởi mình sống được bao lâu nữa mà giữ. Muốn cho cái nghề của ông cha mình trở lại thì phải phổ biến ra, chẳng được trọn vẹn được thì cũng còn đôi chút.

- Khi ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cụ cảm thấy thế nào?

Tôi thấy bình thường vì tương lai phát đạt của ca trù còn lâu lắm. Ai học? Lấy gì mà học? Thầy ăn bằng cái gì mà dạy? Mà rồi học được thì hát cho ai nghe, đàn cho ai nghe? Phải có người thưởng thức, người biết nghe, chịu mất tiền để mà nghe thì nó mới nên được.

Đợt nắng nóng ở miền Bắc vừa qua cụ Nguyễn Phú Đẹ đã phải đi viện tiêm 19 mũi, toàn thuốc dưỡng não và thuốc bổ. Nghe tin ấy không ít người nao lòng, bởi lẽ, những người như cụ đều là những báu vật quốc gia. Trong khi các nhà chức trách đang bàn thảo qui chế thì hồi chuông báo động di sản từng ngày vẫn rầu rĩ cất lên.

Điệp Trần (thực hiện)

Đăng trên Thời Nay ngày 2/9/2010

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2010

Kết nối với phụ huynh bằng...Forum

Bên cạnh cuốn sổ liên lạc, các mạng xã hội và diễn đàn trên internet (forum) đã trở thành là một kênh hữu dụng giúp các trường mẫu giáo tư thục giao lưu với những bậc phụ huynh thời @.

“Chị Giang ơi, dạo này Nhím đến trường toàn ngủ đúng không chị? Ở nhà dạo này cứ cho sang bà nội chơi y như rằng lúc về là con thức đến 12 giờ mới ngủ, sáng ra bố mẹ bế cho cô đưa đi học vẫn còn đang gà gật...”, bà mẹ trẻ có nickname Tamata trên diễn đànwww.webtretho.com lo lắng hỏi thăm trên topic của trường mẫu giáo nơi con mình theo học. Chỉ vài tiếng sau, câu trả lời đã được giáo viên của trường đưa lên diễn đàn này.

Forum – quảng bá và kết nối

Với nhiều người, forum - các diễn đàn trên mạng không còn là một từ ngữ xa lạ. Thực tế, việc giao lưu qua kênh này đang trở nên phổ biến và là một mô hình mở giúp liên kết mọi người có chung sở thích, trong đó có các diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ như www.webtretho.com ,www.lamchame.com , diendan.yeutretho.com. Bên cạnh việc thảo luận các vấn đề liên quan đến chăm sóc con cái, tại đây luôn có những chủ đề nói về nhu cầu tìm trường cho con của phụ huynh. Thậm chí, để chiều lòng các bà mẹ diễn đàn www.webtretho.com đã dành hẳn những mục (box) riêng giúp những mọi người tìm kiếm nơi học tập cho con cái mình. Các trường tư thục, nhất là bậc mầm non và tiểu học không bỏ lỡ cơ hội này. Họ lập các chủ đề (topic) về trường, thông qua đó vừa quảng cáo vừa giao lưu với các phụ huynh.

Thạc sĩ Ngô Thanh Giang, giám đốc Trường mầm non tư thục Bee’daycare cho biết, “Mọi người đều thấy yên tâm và dễ chịu khi chính giám đốc trường trực tiếp theo dõi topic, lại nhớ mặt, nhớ tên, nhớ tính cách của con mình”. Chị cho biết thêm, bản thân trường cũng có forum riêng và coi kênh này quan trọng không kém gì sổ liên lạc giữa gia đình và nhà trường.

Thông thường, bên cạnh trao đổi, các trường tư thục rất “chịu khó” đưa hình ảnh, thực đơn và lịch sinh hoạt của các cháu lên mạng để các mẹ được biết và trao đổi. Tuy nhiên, cũng vì công bố quá nhiều thông tin như vậy nên các chủ topic phải “đối mặt” với những câu hỏi khó và đôi khi là ý kiến phàn nàn công khai. Tuy nhiên, ý kiến hai chiều phần nào giúp phụ huynh phân loại trường cho con mình. “Những tâm sự về trường lớp và giáo viên của con giúp tôi hiểu chất lượng của trường sâu sát hơn rất nhiều so với thông tin một chiều trên những tờ quảng cáo”, ý kiến của chị Nguyễn Minh Nguyệt, 30 tuổi, thành viên của www.webtretho là thí dụ.

Vẫn còn lạ lẫm

Dù internet đã phát triển mạnh tại Việt Nam, nhưng không phải bà mẹ nào cũng chịu khó lên các diễn đàn tìm hiểu. Phần vì họ không biết và cũng không có thời gian. Vì vậy, cách trao đổi trực tiếp với giáo viên về con cái mình được đặt lên hàng đầu.

Nguyễn Minh Khánh, giáo viên trường Mầm non công lập Họa My, Hàng Lược (Hoàn Kiếm) cho biết ngoài “vở bé chăm ngoan” (một dạng sổ liên lạc) chị chỉ trao đổi với phụ huynh vào những giờ đón, thả trẻ hoặc qua điện thoại. “Rõ ràng, việc quảng bá trường trên internet thì trường tư thục làm tốt hơn công lập. Tuy nhiên, để chọn trường cho con, các phụ huynh nên thâm nhập thực tế ngôi trường”, chị Khánh nhận xét.

Cũng phải nói rằng, phụ huynh thường chỉ tìm đến các trường tư thục khi hồ sơ gửi mẫu giáo công lập của con mình bị từ chối hoặc một vài nguyên nhân khác. Thông thường, khi con mình đã “ấm chỗ” tại một trường mẫu giáo, các phụ huynh thường có tâm lý... tự an tâm về chất lượng của trường nên lơ là kiểm soát.

Dù sao, khi sức ép quá tải tại các trường mầm non công lập ngày càng nặng thì việc lên internet và truy cập vào các diễn đàn sẽ giúp không ít các bà mẹ trẻ tìm được trường ưng ý cho con cái mình mà không phải chịu cảnh chờ đợi hàng tiếng đồng hồ chỉ để xin cho con vào trường công.

Điệp Trần

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2010

HỘI AN: BÊN SÔNG HOÀI[*] CÓ “NGOẠI Ô BUỒN NGỦ”

Hội An trông như một ngoại ô buồn ngủ với các ngôi nhà cổ đầy những vườn dâu um tùm lá.” cảm giác tinh tế và tràn đầy thân ái của nữ văn sĩ Maria Coffey chỉ là cánh cổng mở ra một thế giới trầm mặc, ưu tư ẩn sâu trong từng con ngõ, nếp nhà và nụ cười hiền lành của người dân phố Hội.

Năm 1994, nữ nhà văn người Anh Maria Coffey đã cùng chồng trải qua một cuộc hành trình dài xuyên Việt Nam bằng ghe và xe đạp. Bà nói rằng, chuyến đi của mình bắt nguồn từ sự đồng cảm sâu sắc với lòng thương nhớ quê hương của người bạn thân, một đứa con đất Việt đã nhiều năm xa xứ. Mang theo chan chứa ấy, Maria đã ghi lại cảm xúc về cảnh sắc thanh bình và sự hồn hậu của những con người trên dải đất hình chữ S để viết nên tác phẩm “Three Moons in Vietnam” vào năm 1996. Hơn mười lăm năm rồi, những mảnh đất bà từng đi qua hẳn có nhiều thay đổi. Duy chỉ có Hội An, qua một góc nhìn nào đó, vẫn yên ả và trầm tư như thế giấc ngủ năm nào chưa hề bị đánh thức.

Thế giới bình yên của người dân Hội An hiện lên rõ nhất qua khu phố cổ với dãy nhà mặt tiền và hệ thống hẻm kiệt hình chạy theo hình xương cá nối phố này với phố kia, đồng lòng hướng về dòng sông Hoài bình lặng.

Mái rêu, mắt cửa, sân trời – linh hồn của những ngôi nhà cổ

Nhà cổ Hội An phần nhiều đều do người Hoa và Nhật xây cất. Đó là những căn nhà gỗ phủ ngói âm dương được kết với nhau bằng hồ và mật mía. Cỏ và rêu nhờ chúng mà mọc lên xanh rì khiến màu thời gian trên nóc nhà phố Hội chẳng bao giờ nhạt. Mắt cửa ở phía trước nhà, uy nghi như một vị thần giữ cửa tránh cho gia chủ những điều không may mắn. Những đôi mắt cửa hình vuông, hình tròn hay hình bát quái, hình dơi…cứ mỗi dịp lễ tết lại được lau chùi sạch sẽ và phủ lên tấm vải đỏ trang nghiêm như một phần linh hồn trong gia đình người dân phố cổ.

Nhà cổ thường có 2 tầng với 3 nếp nhà, chạy dài theo hình ống, có khi xuyên từ mặt phố nọ sang phố kia. Sân trời nằm ở nếp chính giữa, mang ánh sáng và gió mát cho những ngôi nhà đặc trưng chất phố chung tường và ít cửa sổ. Vì vậy, sân trời được chăm chút rất kỹ càng. Từ cách bố trí tiểu cảnh, gốc cây tạo bóng râm đến xếp đặt lối đi, đồ đạc đều toát lên vẻ thanh tịnh, mát mẻ khác hẳn với gian mặt phố ồn ào dùng để buồn bán. Gia chủ cũng chọn nếp nhà sát sân trời để làm nơi thờ tự và quây quần bên nhau mỗi khi việc buôn bán trong ngày kết thúc.

Trên các con phố như Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Bạch Đằng, Lê Lợi…vẫn còn lại khá nhiều ngôi nhà cổ, phần lớn đều trên dưới 150 năm tuổi. Cơn bão du lịch ít nhiều làm phôi pha đi vẻ đẹp vốn có của phố Hội, nhưng, đằng sau những nếp nhà rêu phong hiếm hoi còn sót lại vẫn có một cuộc sống bình yên, ngưng đọng trong những hẻm kiệt hun hút hướng về phía dòng sông.

Trầm tích thời gian nơi kiệt sâu, giếng cổ

Người ta nói rằng phố lớn chỉ dành cho những gia đình thương nhân giàu có vốn là con cháu người Nhật, người Hoa xưa kia buôn bán rồi ở lại, còn những ngõ kiệt mới là thế giới của cư dân ngàn đời tại đây.

Đừng thấy những ngôi nhà trong ngõ nhấp nhô, thò ra thụt vào mà cho rằng người Hội An vụng về, cẩu thả. Tất cả đều là dụng ý. Cấu trúc ghập ghềnh ấy khiến gió len lỏi khắp nơi trong kiệt, hòa với hơi nước tỏa lên từ hàng chục giếng cổ ngáng giữa đường đem hơi mát lịm tự nhiên đến từng nhà. Giếng thì lớn có, nhỏ có, vuông có, tròn có, thậm chí cả vuông cả tròn. Sự phong phú ấy là kết quả của những nếp tầng văn hóa chồng chéo ở mảnh đất giao thương phố Hội. Giếng vuông là của người Chăm, giếng tròn mang dấu ấn người Hoa, người Việt. Người đến sau học người đến trước. Vì thế mới có chuyện giếng này bằng gạch, giếng kia bằng đá nhưng không cái nào dùng vữa, chỉ là xếp chồng lên nhau và có khung gỗ lim ở dưới cùng để cố định. Làm thế nước sẽ len theo khe chảy vào lòng giếng khiến nước luôn đầy và trong mát.

Các giếng cổ ở đây đều có bàn thờ thần giếng. Phải chăng có các thần phù hộ nên hàng trăm năm rồi mà dòng nước vẫn mát ngọt lạ lùng, nhờ nó thanh vị của ẩm thực Hội An mới đậm đà. Từ Cao lầu, mì Quảng thơm nồng trong các quán ăn nổi tiếng đến bánh bèo, bánh vạc núng nính dậy mùi hành phi nức mũi trên những đôi quang gánh kĩu kịt của các chị hàng rong. Dường như kiệt nhỏ với nguồn nước tinh khôi từ long mạch dưới lòng đất cứ quyện lấy cuộc sống của người phố Hội như một phần không thể tách rời. Đôi câu chào pha lẫn tiếng lóc cóc của những người chở nước giếng thuê ban sớm hay tiếng gõ “xực tắc” rao mì, hủ tíu lúc về đêm dù đã nay vãn đi nhiều nhưng thỉnh thoảng vẫn được các vị khách lãng du bắt gặp. Rồi đâu đó lại thấy những gánh hàng rong nép sát mép tường rêu để tránh đường đi lại. Ngồi trên những chiếc ghế đẩu, cả chủ gánh hàng lẫn khách đều cười giòn sảng khoái. Kiệt là thế, bé xíu, chỉ vừa một lối đi nên giữa hai đầu trông xa tít tắp nhưng kì thực rất gần. Cái nào cũng xuôi theo hướng sông Hoài để đón gió, thoát nước và trụ vững, mặc cho những trận lụt cứ đến mùa lại kéo về hoành hành ngang dọc.

“Ông tha mà bà chẳng tha, lại thêm cái lụt hăm ba tháng mười”

Câu ca báo lụt ấy năm nào cũng vang lên trong lòng phố Hội. Nước về ngập phố ngập nhà, len sâu vào lòng ngõ, lẩn vào tận những ngôi nhà cổ bề thế. Người dân quen với những con lụt thường niên vẫn sững sờ trước mực nước dang như thác lũ cao quá đỉnh đầu. Trận lũ năm Thìn 1946 nước dâng cao 2,5m khiến bao gia đình tan tác, đau thương lại trở về tái diễn vào năm 1999. Chu kỳ dân gian 40 năm một lần lũ không còn hiệu nghiệm khi năm 2007, lũ lại về vượt đỉnh mốc kỷ lục, nhấn chìm cả tỉnh Quảng Nam và biến Hội An trở thành túi lũ.

Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn ngay cả trong hoàn cảnh bi đát nhất. Không hiểu những lời đồn đã bay xa nhường nào mà cứ đến mùa lũ, du khách bốn phương lại đổ về Hội An …ngắm lụt. Ngồi trên đoàn ghe thuyền lũ lượt len qua lòng phố đã trở thành sở thích của nhiều người. Không phải họ thích thú khi ngắm nhìn thành phố tội nghiệp chìm trong biển nước, mà thấy khâm phục bởi vẻ bình thản trước lụt của người dân nơi đây. Cảm giác ấy khiến họ thấy an toàn và nhìn một Hội An với con mắt, giống như những tia nắng lạc quan trên bầu trời đầy mây đen rình rập.

Từ quê hương của người Sa Huỳnh hai nghìn năm trước đến Lâm Ấp Phố phồn thịnh của người Chăm, rồi thương cảng Hội An tấp nập thời chúa Nguyễn đều sinh ra và mất đi trên mảnh đất này như một lời thiên định. Nếu năm xưa con sông Thu Bồn chẳng đổi dòng, thì chắc hẳn Hội An đã biến thành một thành phố ồn ào bụi bặm, mọc đầy những cao ốc chọc trời, còn người dân thì xô bồ, tinh quái. Ở đây chẳng ai thích vậy, bởi lẽ, Hội An chỉ thực sự đẹp khi là một thành phố nhỏ cổ kính và yên bình bên dòng Thu Bồn lặng lẽ.

Điệp Trần

Nguồn ảnh: internet

----------------

Box1:

Yêu ở đâu thì yêu

Về Hội An xin chớ

Hôn một lần ở đó

Một đời vang thủy triều

Xin chớ hôn gần bể

Từng đêm sóng đuổi người

Hồn ta hóa tượng Hời

Nửa khôn rồi nửa dại

Chế Lan Viên – “Một bài thơ tình Hội An”

----------

Box 2:

“Chao ôi một thị xã Nhớ (Hoài) dựng lên sát một hải cảng Đợi (cửa Đại), sao mà đất nước mình có những đại danh từ gợi cảm khá nhiều như vậy”.

Nguyễn Tuân – “Phố cổ Hội An”, thư gửi Phạm Đức Nam tháng 2/1985

------------

Box 3:

Chỉ đọc sách thôi không thể cảm nhận được vẻ đẹp sâu lắng của phố Hội, khi chính mình nhìn thấy nó, sờ tay vào nó mới có thể cầm chắc một chút cảm xúc.

Goto Kastumi – họa sĩ khiếm thính người Nhật Bản, chủ nhân triển lãm “Ân tình với Phố Hội” tháng 8/2006.


[*] Sông Thu Bồn viền phố Hội An còn mang tên nữa là sông Hoài