Thứ Hai, 21 tháng 6, 2010

HỘI AN: BÊN SÔNG HOÀI[*] CÓ “NGOẠI Ô BUỒN NGỦ”

Hội An trông như một ngoại ô buồn ngủ với các ngôi nhà cổ đầy những vườn dâu um tùm lá.” cảm giác tinh tế và tràn đầy thân ái của nữ văn sĩ Maria Coffey chỉ là cánh cổng mở ra một thế giới trầm mặc, ưu tư ẩn sâu trong từng con ngõ, nếp nhà và nụ cười hiền lành của người dân phố Hội.

Năm 1994, nữ nhà văn người Anh Maria Coffey đã cùng chồng trải qua một cuộc hành trình dài xuyên Việt Nam bằng ghe và xe đạp. Bà nói rằng, chuyến đi của mình bắt nguồn từ sự đồng cảm sâu sắc với lòng thương nhớ quê hương của người bạn thân, một đứa con đất Việt đã nhiều năm xa xứ. Mang theo chan chứa ấy, Maria đã ghi lại cảm xúc về cảnh sắc thanh bình và sự hồn hậu của những con người trên dải đất hình chữ S để viết nên tác phẩm “Three Moons in Vietnam” vào năm 1996. Hơn mười lăm năm rồi, những mảnh đất bà từng đi qua hẳn có nhiều thay đổi. Duy chỉ có Hội An, qua một góc nhìn nào đó, vẫn yên ả và trầm tư như thế giấc ngủ năm nào chưa hề bị đánh thức.

Thế giới bình yên của người dân Hội An hiện lên rõ nhất qua khu phố cổ với dãy nhà mặt tiền và hệ thống hẻm kiệt hình chạy theo hình xương cá nối phố này với phố kia, đồng lòng hướng về dòng sông Hoài bình lặng.

Mái rêu, mắt cửa, sân trời – linh hồn của những ngôi nhà cổ

Nhà cổ Hội An phần nhiều đều do người Hoa và Nhật xây cất. Đó là những căn nhà gỗ phủ ngói âm dương được kết với nhau bằng hồ và mật mía. Cỏ và rêu nhờ chúng mà mọc lên xanh rì khiến màu thời gian trên nóc nhà phố Hội chẳng bao giờ nhạt. Mắt cửa ở phía trước nhà, uy nghi như một vị thần giữ cửa tránh cho gia chủ những điều không may mắn. Những đôi mắt cửa hình vuông, hình tròn hay hình bát quái, hình dơi…cứ mỗi dịp lễ tết lại được lau chùi sạch sẽ và phủ lên tấm vải đỏ trang nghiêm như một phần linh hồn trong gia đình người dân phố cổ.

Nhà cổ thường có 2 tầng với 3 nếp nhà, chạy dài theo hình ống, có khi xuyên từ mặt phố nọ sang phố kia. Sân trời nằm ở nếp chính giữa, mang ánh sáng và gió mát cho những ngôi nhà đặc trưng chất phố chung tường và ít cửa sổ. Vì vậy, sân trời được chăm chút rất kỹ càng. Từ cách bố trí tiểu cảnh, gốc cây tạo bóng râm đến xếp đặt lối đi, đồ đạc đều toát lên vẻ thanh tịnh, mát mẻ khác hẳn với gian mặt phố ồn ào dùng để buồn bán. Gia chủ cũng chọn nếp nhà sát sân trời để làm nơi thờ tự và quây quần bên nhau mỗi khi việc buôn bán trong ngày kết thúc.

Trên các con phố như Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Bạch Đằng, Lê Lợi…vẫn còn lại khá nhiều ngôi nhà cổ, phần lớn đều trên dưới 150 năm tuổi. Cơn bão du lịch ít nhiều làm phôi pha đi vẻ đẹp vốn có của phố Hội, nhưng, đằng sau những nếp nhà rêu phong hiếm hoi còn sót lại vẫn có một cuộc sống bình yên, ngưng đọng trong những hẻm kiệt hun hút hướng về phía dòng sông.

Trầm tích thời gian nơi kiệt sâu, giếng cổ

Người ta nói rằng phố lớn chỉ dành cho những gia đình thương nhân giàu có vốn là con cháu người Nhật, người Hoa xưa kia buôn bán rồi ở lại, còn những ngõ kiệt mới là thế giới của cư dân ngàn đời tại đây.

Đừng thấy những ngôi nhà trong ngõ nhấp nhô, thò ra thụt vào mà cho rằng người Hội An vụng về, cẩu thả. Tất cả đều là dụng ý. Cấu trúc ghập ghềnh ấy khiến gió len lỏi khắp nơi trong kiệt, hòa với hơi nước tỏa lên từ hàng chục giếng cổ ngáng giữa đường đem hơi mát lịm tự nhiên đến từng nhà. Giếng thì lớn có, nhỏ có, vuông có, tròn có, thậm chí cả vuông cả tròn. Sự phong phú ấy là kết quả của những nếp tầng văn hóa chồng chéo ở mảnh đất giao thương phố Hội. Giếng vuông là của người Chăm, giếng tròn mang dấu ấn người Hoa, người Việt. Người đến sau học người đến trước. Vì thế mới có chuyện giếng này bằng gạch, giếng kia bằng đá nhưng không cái nào dùng vữa, chỉ là xếp chồng lên nhau và có khung gỗ lim ở dưới cùng để cố định. Làm thế nước sẽ len theo khe chảy vào lòng giếng khiến nước luôn đầy và trong mát.

Các giếng cổ ở đây đều có bàn thờ thần giếng. Phải chăng có các thần phù hộ nên hàng trăm năm rồi mà dòng nước vẫn mát ngọt lạ lùng, nhờ nó thanh vị của ẩm thực Hội An mới đậm đà. Từ Cao lầu, mì Quảng thơm nồng trong các quán ăn nổi tiếng đến bánh bèo, bánh vạc núng nính dậy mùi hành phi nức mũi trên những đôi quang gánh kĩu kịt của các chị hàng rong. Dường như kiệt nhỏ với nguồn nước tinh khôi từ long mạch dưới lòng đất cứ quyện lấy cuộc sống của người phố Hội như một phần không thể tách rời. Đôi câu chào pha lẫn tiếng lóc cóc của những người chở nước giếng thuê ban sớm hay tiếng gõ “xực tắc” rao mì, hủ tíu lúc về đêm dù đã nay vãn đi nhiều nhưng thỉnh thoảng vẫn được các vị khách lãng du bắt gặp. Rồi đâu đó lại thấy những gánh hàng rong nép sát mép tường rêu để tránh đường đi lại. Ngồi trên những chiếc ghế đẩu, cả chủ gánh hàng lẫn khách đều cười giòn sảng khoái. Kiệt là thế, bé xíu, chỉ vừa một lối đi nên giữa hai đầu trông xa tít tắp nhưng kì thực rất gần. Cái nào cũng xuôi theo hướng sông Hoài để đón gió, thoát nước và trụ vững, mặc cho những trận lụt cứ đến mùa lại kéo về hoành hành ngang dọc.

“Ông tha mà bà chẳng tha, lại thêm cái lụt hăm ba tháng mười”

Câu ca báo lụt ấy năm nào cũng vang lên trong lòng phố Hội. Nước về ngập phố ngập nhà, len sâu vào lòng ngõ, lẩn vào tận những ngôi nhà cổ bề thế. Người dân quen với những con lụt thường niên vẫn sững sờ trước mực nước dang như thác lũ cao quá đỉnh đầu. Trận lũ năm Thìn 1946 nước dâng cao 2,5m khiến bao gia đình tan tác, đau thương lại trở về tái diễn vào năm 1999. Chu kỳ dân gian 40 năm một lần lũ không còn hiệu nghiệm khi năm 2007, lũ lại về vượt đỉnh mốc kỷ lục, nhấn chìm cả tỉnh Quảng Nam và biến Hội An trở thành túi lũ.

Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn ngay cả trong hoàn cảnh bi đát nhất. Không hiểu những lời đồn đã bay xa nhường nào mà cứ đến mùa lũ, du khách bốn phương lại đổ về Hội An …ngắm lụt. Ngồi trên đoàn ghe thuyền lũ lượt len qua lòng phố đã trở thành sở thích của nhiều người. Không phải họ thích thú khi ngắm nhìn thành phố tội nghiệp chìm trong biển nước, mà thấy khâm phục bởi vẻ bình thản trước lụt của người dân nơi đây. Cảm giác ấy khiến họ thấy an toàn và nhìn một Hội An với con mắt, giống như những tia nắng lạc quan trên bầu trời đầy mây đen rình rập.

Từ quê hương của người Sa Huỳnh hai nghìn năm trước đến Lâm Ấp Phố phồn thịnh của người Chăm, rồi thương cảng Hội An tấp nập thời chúa Nguyễn đều sinh ra và mất đi trên mảnh đất này như một lời thiên định. Nếu năm xưa con sông Thu Bồn chẳng đổi dòng, thì chắc hẳn Hội An đã biến thành một thành phố ồn ào bụi bặm, mọc đầy những cao ốc chọc trời, còn người dân thì xô bồ, tinh quái. Ở đây chẳng ai thích vậy, bởi lẽ, Hội An chỉ thực sự đẹp khi là một thành phố nhỏ cổ kính và yên bình bên dòng Thu Bồn lặng lẽ.

Điệp Trần

Nguồn ảnh: internet

----------------

Box1:

Yêu ở đâu thì yêu

Về Hội An xin chớ

Hôn một lần ở đó

Một đời vang thủy triều

Xin chớ hôn gần bể

Từng đêm sóng đuổi người

Hồn ta hóa tượng Hời

Nửa khôn rồi nửa dại

Chế Lan Viên – “Một bài thơ tình Hội An”

----------

Box 2:

“Chao ôi một thị xã Nhớ (Hoài) dựng lên sát một hải cảng Đợi (cửa Đại), sao mà đất nước mình có những đại danh từ gợi cảm khá nhiều như vậy”.

Nguyễn Tuân – “Phố cổ Hội An”, thư gửi Phạm Đức Nam tháng 2/1985

------------

Box 3:

Chỉ đọc sách thôi không thể cảm nhận được vẻ đẹp sâu lắng của phố Hội, khi chính mình nhìn thấy nó, sờ tay vào nó mới có thể cầm chắc một chút cảm xúc.

Goto Kastumi – họa sĩ khiếm thính người Nhật Bản, chủ nhân triển lãm “Ân tình với Phố Hội” tháng 8/2006.


[*] Sông Thu Bồn viền phố Hội An còn mang tên nữa là sông Hoài