Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

CHÚT HÀ NỘI CỦA GIÁO SƯ TRẦN QUANG HẢI

Là một người con của miền sông nước Nam Bộ lại sống xa quê hương, nhưng đối với GS.Trần Quang Hải, người con trai trưởng của GS.Trần Văn Khê đã nối tiếp cha đeo đuổi sự nghiệp bảo tồn và truyền bá âm nhạc cổ truyền của Việt Nam ra thế giới, Hà Nội vẫn có điều gì đó để ông phải nhớ.

Ông nói rằng từ bé mình chỉ biết Hà Nội qua sách vở và chỉ 8 năm trước, ông mới lần đầu tiên ông đặt chân lên mảnh đất này. Nhưng, dù chỉ đến với thủ đô qua những chuyến công tác ngắn ngày, ông vẫn kịp có nhiều trải niệm với nơi đây.

Người ta từng thấy “ông già” Trần Quang Hải vừa say sưa chìm đắm với nhạc ca trù ở cửa đình sau đó đã lại xắn tay đệm đàn muỗng cho nhóm hiphop Bigtoe thể hiện những động tác múa cuồng nhiệt ngay giữa đường phố Hà Nội. Xem ra, cái tuổi 66 của ông vẫn chưa phải là già.

Dăm điều đó thôi đã thấy tò mò về một chút Hà Nội của Trần Quang Hải – một nhà nghiên cứu âm nhạc, một người bạn và một người con xa xứ.

- Thưa ông, tại sao ông lại “gặp” Hà Nội muộn vậy?

Tôi rời Việt Nam từ năm 1961 khi còn rất trẻ. Du học, làm việc rồi nghiên cứu dân tộc nhạc học....cuộc sống cứ thế cuốn đi cho đến năm 2002 tôi mới được mời về Việt Nam để thực hiện một chương trình âm nhạc. Thật hữu duyên khi đó là chương trình nói về cảm giác của một nhạc sĩ Việt Nam về âm nhạc cổ và tân của nước Việt sau 40 năm xa cách. Cũng trong dịp ấy, lần đầu tiên tôi được đến Hà Nội.

- Cảm giác của lần đầu ấy như thế nào?

Bạn biết không, trước đó Hà Nội với tôi là một thế giới mới lạ mà tôi chỉ biết qua sách vở, phim ảnh chứ chưa từng đặt chân tới. Lúc ấy, tôi đã 58 tuổi rồi mà vẫn không kìm được sự hồi hộp, rạo rực vừa có chút nôn nao muốn nhìn thấy thủ đô của xứ Việt. Một cảm xúc kỳ lạ, muốn trào nước mắt.

- Từ buổi ấy đến nay ông đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với đời sống cổ nhạc đất Hà thành. Ông đánh giá thế nào về việc lưu giữ vốn cổ âm nhạc của người Hà Nội?

Ở Hà Nội tập trung khá nhiều thể loại cổ nhạc miền Bắc nhưng mỗi loại đều có một số phận. Khi hát Xẩm tại chợ Đồng Xuân thu hút khá nhiều dân chúng tới xem thì những buổi biểu diễn Quan Họ, Ca Trù tuy được tổ chức thường xuyên nhưng chưa được như mong muốn. Nếu Chầu Văn được hồi phục chỗ đứng trong lòng người dân Hà Nội thì múa rối nước rất được du khách ngoại quốc ưa chuộng.

Tôi nghĩ giá nghệ nhân có nơi trình diễn thường xuyên, đồng thời cổ động dân Hà Nội tham gia hỗ trợ các sinh hoạt này thì mọi chuyện sẽ tốt hơn. Ngoài ra, viện âm nhạc và nhạc viên nên có những buổi giới thiệu nhạc cổ truyền cho giới trẻ học đường từ tiểu học đến trung học.

- Nói đến giới trẻ, hình như ông đã từng đệm đàn muỗng cho một nhóm nhảy hiphop ngay trên đường phố Hà Nội?

Đó là vào tháng Giêng năm 2010. Lúc ấy tôi dùng muỗng để thử nghiệm cho các bạn trẻ thấy là có thể dùng những nhạc cụ cổ truyền trong loại nhảy hip hop. Kết quả là đầy triển vọng trong tương lai. Vì thế, trong hội thảo quốc tế ICTM về dân tộc nhạc học tại Hà Nội tháng 7 vừa qua, một lần nữa các em lại nhảy trên nền của đàn môi. Cũng trong dịp này, một tham luận về đề tài đối chiếu Hát Xẩm và Hip hop và ứng dụng của nó là nhảy hiphop trên nền Xẩm cũng được đón nhận nhiệt tình.

- Có một bài viết nói rằng, tuy ca trù có ở nhiều nơi (theo thống kê là 14 tỉnh thành), nhưng có thể coi ca trù là “dân ca của Hà Nội”, ông thấy đánh giá này thế nào?

Tôi không cho Ca Trù là “dân ca của Hà Nội” vì đa số dân Hà Nội không hiểu gì về Ca Trù. Thể loại âm nhạc này chỉ được “tái sinh” sau khi bà Quách Thị Hồ được tôn vinh ở hải ngoại và được phong tặng chức Nghệ sĩ nhân dân. Ca Trù được “sống lại” từ vài mươi năm nay thôi.

- Hoàng Thành Thăng Long vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, liệu hỏi một Giáo sư âm nhạc học về việc nên bảo tồn như thế có nào có được không, thưa ông?

Theo tôi, cũng như văn hóa phi vật thể, việc lưu giữ các di tích lịch sử ở Hà Nội rất khẩn cấp. Theo định nghĩa của di sản văn hóa thế giới, thì một nơi được chọn sẽ không được thay đổi bất cứ gì và phải tôn trọng và bảo trì cẩn thận. Đó là việc làm của những chuyên gia khảo cổ và của chính quyền.

- Xin gác lại câu chuyện về chuyên môn, thế còn những người bạn Hà Nội của ông thì sao?

Họ đã cho tôi những kỷ niệm đẹp bằng sự nồng hậu và thân tình. Qua những cuộc gặp gỡ với các nhóm nghệ nhân, mà thực là những người bạn, tôi hiểu thêm về giá trị của cổ nhạc và đời sống muôn mầu của nó ở đất Hà thành. Nguyễn Thị Minh Châu, Bùi Trọng Hiền, Lê Văn Toàn và những nghiên cứu viên ở Viện Âm nhạc với sự nghiêm túc và nhiệt tình hiếm có của mình đã giúp tôi mở rộng tầm mắt về sinh hoạt âm nhạc ở Việt Nam. Đó còn là tình thân khi chính họ và những người bạn nhỏ thân thiết khác đã đưa tôi đi khám phá Hà Nội và những món ăn “đặc sản” nổi tiếng ở đây. Điều này thực sự rất thú vị!

- Được biết, vừa rồi ông đã tặng cho Viện âm nhạc Việt Nam một bộ sách và đĩa hát rất quí. Nhưng hình như trước đó mấy năm, ông còn gợi ý cho một nhóm nghiên cứu sang pháp đưa về Việt Nam một số tài liệu quí của viện bảo tàng con người Pháp nhưng vì một lý do nào đó không thành công?

Việc này tùy thuộc vào điều kiện tài trợ mà lúc đó chưa thể thực hiện được. Tôi chỉ mang về một số nhỏ tài liệu cho thấy bộ môn dân tộc nhạc học ở xứ người như thế nào. Đó là dự án trong tương lai là làm sao mang về Việt Nam tất cả sách vở, đĩa hát, nhạc cụ mà tôi muốn trao lại cho Việt Nam. Điều kiện duy nhất để thực hiện là phải có tiền để trả kinh phí cho việc chuyển những tài liệu này từ Pháp về Việt Nam.

- Nếu Paris hoa lệ, thủ đô của nước Pháp là nơi ông định cư, thì Hà Nội, thủ đô của quê hương yêu dấu có ý nghĩa thế nào với ông?

Dù là người sinh ra tại một miền khác và lớn lên ở xứ Pháp, Hà Nội đã mang lại cho tôi hình ảnh của nền văn minh, văn hóa và nghệ thuật của dân tộc Việt Nam. Đó thực sự là niềm tự hào có một thành phố quê hương nghìn năm văn vật, đầy những di tích lịch sử mà lúc nhỏ tôi chỉ biết qua sách vở.

- Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

Điệp Trần (thực hiện)

Đăng trên báo Thời Nay ngày 27.9.2010

Chú thích ảnh:

Ảnh 1: Với Giáo sư Trần Quang Hải, khám phá Hà Nội thực sự thú vị

Ảnh 2: Phút ngẫu hứng của GS.Trần Quang Hải với những người bạn Hà Nội.

Ảnh 3: GS.Trần Quang Hải biểu diễn chơi đàn môi tại Hội thảo quốc tế ICTM về âm nhạc dân tộc

Thông tin thêm

GS.Trần Quang Hải là con trai trưởng của GS.Trần Văn Khê, người có công to lớn trong việc truyền bá âm nhạc cổ truyền Việt Nam ra thế giới. Ông đã trình diễn hơn 3000 buổi giới thiệu nhạc Việt tại 65 quốc gia, giảng dạy tại hơn 100 trường đại học trên thế giới và tham dự hơn 130 đại hội liên hoan quốc tế nhạc truyền thống.

Tuy nối gót cha theo đuổi sự nghiệp bảo tồn cổ nhạc Việt Nam, song GS.Trần Quang Hải thiên về ứng dụng, biểu diễn và thuyết trình giới thiệu âm nhạc dân tộc học. Quan điểm nghiên cứu của ông là kết hợp chất nhạc cổ truyền của nhiều dân tộc, pha trộn tùy hứng với jazz, nhạc đương đại với nhiều loại nhạc khí và kỹ thuật giọng hát để tạo thành một loại nhạc mới lạ mang tính ứng dụng. Ngoài ra, ông còn được biết đến như một chuyên gia về đồng song thanh và đàn muỗng. Kết quả, hơn 400 bản nhạc cho đàn tranh, đàn môi, muỗng, đồng sonh thanh, nhạc tùy hứng và đương đại của ông đã ra đời.

Hiện, GS.Trần Quang Hải đang làm đại diện của Việt Nam (ủy viên) tại Hội đồng âm nhạc truyền thống quốc tế (ICTM).

Tóm lược từ tranquanghai.info

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu: VẺ ĐẸP CỦA HÀ NỘI ĐỀU TÌM THẤY TRONG ÂM NHẠC

Đã viết những cuốn sách nghiên cứu phê bình âm nhạc như Phần Nhạc mới trong bộ Hợp tuyển tài liệu nghiên cứu – lý luận – phê bình âm nhạc thế kỷ XX (2003), Giao hưởng một đời người (2007), Nhà phê bình âm nhạc, anh là ai? (2008) và gần đây nhất là cuốn Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội (2009), Nguyễn Thị Minh Châu được đánh giá là cây bút điêu luyện, sắc sảo hiếm thấy trong giới phê bình âm nhạc.

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, hàng chục năm xa Hà Nội, giờ trở lại làm dân tạm trú ở Hà Nội, số phận luôn “buộc” vào chị những mối duyên nợ với Hà Thành. Có thể thấy phần nào mối duyên nợ ấy trong cuộc trò chuyện với chị.

- Tại sao chị viết cuốn sách Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội?

Nhiều người tin rằng Hà Nội là thành phố có nhiều ca khúc nhất thế giới, thậm chí còn muốn thu gom cho đủ con số 1000 nhân dịp chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tôn vinh Hà Nội bằng cách chỉ chạy theo những con số thì rõ là nhiễm căn bệnh thành tích rồi. Số lượng chưa nói được gì, điều quan trọng là chất lượng nghệ thuật của cái số lượng ấy lại chưa được khám phá. Nói về bài hát, các nhà bình luận thường dựa trên nội dung đề tài và “tán” theo lời ca, nửa còn lại làm nên giá trị một ca khúc là ngôn ngữ âm nhạc lại luôn bị lờ đi. Ngoài ra còn một mảng hết sức quan trọng là nhạc giao hưởng, thính phòng và hợp xướng rất ít được nhắc tới. Chính khí nhạc mới là yếu tố quyết định cho âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam hội nhập với diễn đàn quốc tế. Cuốn sách này là bước đầu khám phá giá trị tượng đài Hà Nội bằng âm thanh không chỉ qua nghệ thuật biểu hiện của lời ca, mà quan trọng hơn, đó là âm nhạc.

- Cảm nhận suốt chiều dài hơn 70 năm của các nhạc phẩm về Hà Nội, liệu chị có thể phác vài nét về đề tài nội dung của bức tranh âm nhạc này?

Những nét đặc trưng của Hà Nội đều có thể tìm thấy trong âm nhạc. Trước hết đây là thành phố sông hồ: sông Hồng như một biểu tượng quê hương, hồ Gươm linh thiêng trong màu sắc huyền thoại, hồ Tây lãng mạn trong cảm xúc tình yêu... Hà Nội còn là thành phố bốn mùa, trong đó mùa thu được nhắc tới nhiều nhất vì liên quan đến những sự kiện lịch sử của Thủ đô và đó cũng là mùa của tình yêu. Còn có rất nhiều hình ảnh tiêu biểu khác: phố phường Hà Nội xưa và nay, thiếu nữ Hà Nội duyên dáng và dịu dàng, con người Tràng An hào hoa và thanh lịch, truyền thống Hà Nội văn hiến và hào hùng...

- Và có thể thấy gì về ngôn ngữ âm nhạc trong tác phẩm về thủ đô?

Nhờ số lượng phong phú nên chỉ riêng những tác phẩm về Hà Nội cũng đã phản ánh những nét chính của nền âm nhạc mới Việt Nam. Trước hết là tính phổ cập và chất ca xướng nhờ sử dụng chất liệu dân ca. Vì là nơi hội tụ tinh hoa đất nước nên ở đây gặp đủ mặt dân ca dân vũ của ba miền Bắc - Trung - Nam. Xuất hiện nhiều hơn cả là phong cách ả đào, dù ca trù không phải là “đặc sản” riêng của Hà thành, có lẽ cái chất ngâm ngợi, sâu lắng và tinh tế của ca trù rất hợp với tính cách người Hà Nội xưa.

Tính đại chúng và tính thời sự cũng được thấy rõ trong cách sử dụng giai điệu ca khúc trong tác phẩm khí nhạc. Và còn một đặc điểm rất Việt Nam, đó là ngữ điệu tiếng nói có thể biến thành giai điệu âm nhạc không lời.

- Có những tác giả, tác phẩm viết về Hà Nội mà chị đặc biệt yêu quí không?

- Tựa đề Đây thăng long, đây Đông Đô, đây Hà Nội được lấy từ bài hát Người Hà Nội của nhà văn Nguyễn Đình Thi, người bố dượng mà chị yêu quí như cha ruột. Chị có thể chia sẻ những kỷ niệm về ông?

Tôi gần ông và chịu ảnh hưởng từ ông nhiều hơn ba ruột. Ông là người Hà Nội gốc, một người “rất Hà Nội”: nho nhã, sâu sắc, uyên bác, khiêm nhường, kín đáo... Ông muốn giữ những kỉ niệm riêng tư cho riêng mình. Tôi giống ông ở điểm này. Nếu nhất định phải chia sẻ thì tôi chỉ có thể kể lại chi tiết mà tôi đã nói trong cuốn Đây Thăng long, đây Đông Đô, đây Hà Nội... Vào những ngày cuối trước khi hôn mê ông có dặn tôi nhiều thứ và trong câu chuyện lộn xộn đó ông có nhắc đến Người Hà Nội. Ông mong được trả lại câu kết như bản gốc chứ đừng thêm cái từ “chiến thắng!” cao vút lên như người ta vẫn hát.

- Còn kỉ niệm về Hà Nội?

Với tôi, Hà Nội là tuổi thơ, là mối tình đầu và có lẽ cũng là mối tình cuối.

- Hà Nội đã mở rộng, những con đường chật ních người, một Hà Nội dịu dàng, trầm lắng thì có lẽ chỉ còn trong hoài niệm. Hà Nội giờ đây có còn chút “chất nhạc” nào gợi cảm hứng cho người nghệ sĩ không?

Trong chiến tranh Hà Nội đâu có êm đềm nên thơ mà vẫn gợi cảm hứng cho bao tuyệt phẩm. Dù có ồn ào pha tạp đến đâu thì cuộc sống vẫn đầy ắp những rung động với đủ cung bậc của những hỉ-nộ-ái-ố. Âm nhạc là phương tiện thể hiện ra những cảm xúc đó.

- Các bài hát về Hà Nội nổi tiếng phần lớn là những tác phẩm của những thế hệ trước. Gần đây, các nhạc sĩ trẻ có cho ra tác phẩm nào về Hà Nội đáng nghe không?

Khẳng định bây giờ không có tác phẩm hay như thời trước e rằng vội vã. So với trước kia, sáng tác hiện nay nói chung và về Hà Nội nói riêng rõ ràng phong phú hơn không chỉ về số lượng mà cả về phong cách và ngôn ngữ biểu hiện. Được tiếp cận nhiều hơn với thế giới bên ngoài, các nhạc sĩ trẻ luôn tìm tòi thử nghiệm để ngày càng vững vàng hơn trong việc chứng tỏ cái tôi của mình, nhất là trong sáng tác khí nhạc chuyên nghiệp. Cái thiếu là môi trường kích lệ sáng tạo và sự hỗ trợ đưa những tác phẩm chuyên nghiệp đến với công chúng. Chỉ khi tác phẩm được sống bằng âm thanh thực sự thì mới có thể biết nó đáng nghe hay không. Và thời gian sẽ trả lời tác phẩm có giá trị bền lâu hay không.

- Kỹ sư hay nhìn đời bằng con mắt của những khối hình, nhà toán học thì nhìn đâu cũng thấy logic, thế còn chị, một người đeo đuổi âm nhạc, đã từng cảm nhận cuộc sống đất Hà Thành như những giai điệu bao giờ chưa?

Chẳng những đã từng, mà còn nhiều lần. Tôi đối mặt với những “bức bối” bằng cách viết ca khúc cho riêng mình. Không ít lần giai điệu đã nảy ra trên đường đi và bài hát đã ra đời ngay trên đường phố Hà Nội. Một trong những bài hát không công bố đó có đoạn thế này: Cứ đi cho đời ta/ Biết thế gian gần xa/ Đến khi nào nhận ra/ Không đâu bằng ở nhà. “Nhà” đây chính là Hà Nội.

- Chỉ một từ thôi, Hà Nội trong mắt Nguyễn Thị Minh Châu là gì?

Là từ NHÀ viết hoa.

- Cám ơn chị vì những chia sẻ của mình!

Minh Nguyễn (Điệp Trần) (thực hiện)

Đăng trên Nhân dân điện tử ngày 27.9.2010

GẶP LẠI MIRANDA ARANA, NGƯỜI PHỤ NỮ MỸ TỪNG “GÂY SỐC” Ở HÀ NỘI

Cách đây 16 năm, có một cô gái Mỹ làm “chấn động” giới âm nhạc Hà Nội khi đưa ra những phát biểu thẳng thắn về âm nhạc dân tộc cải biên của Việt Nam. Khi ấy, ý kiến của cô đã làm tổn thương những người bảo vệ dòng nhạc này khi cho rằng âm nhạc cổ truyền đích thực của Việt Nam không hề có trong môi trường kinh viện mà ở ngoài dân gian, thế giới của những nghệ nhân cổ nhạc thực thụ.

Giờ nhắc lại phản ứng này chắc chắn có người sẽ ngạc nhiên, bởi bấy lâu nay khái niệm di sản cổ nhạc Việt Nam với các nghệ nhân đã được mặc định như một lẽ tất yếu. Tuy nhiên, ít ai biết rằng cho đến thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nhiều người trong giới học giả và quần chúng nói chung đều ngộ nhận rằng âm nhạc dân tộc cải biên chính là âm nhạc cổ truyền của Việt Nam. Cô gái Mỹ mang cái tên Miranda Arana “gây sốc” cũng trong hoàn cảnh ấy!

Ngay sau cuộc hội thảo gây chấn động dư luận với nhiều ý kiến trái chiều trong giới chuyên môn, dù Báo Lao Động cũng đã lập tức lên tiếng bênh vực ý kiến của chị, tháng 6/1994, với một chút thoáng buồn, chị đã nói lời tạm biệt những người bạn Việt Nam thân thương và lên đường về nước. Trở về Mỹ, Miranda nhanh chóng đúc kết toàn bộ những nghiên cứu của mình, chuyển thành đề tài cho luận văn cao học tại trường đại học Wesleyan ở Connecticut. Công trình của chị đã được đánh giá xuất sắc và ngay sau đó được xuất bản thành cuốn sách “Nhạc dân tộc cải biên Việt Nam” (Neotraditional Music In Vietnam- 1999). Có thể coi đó là thành quả nghiên cứu lớn nhất của chị sau hành trình đến dải đất hình chữ S, một mảnh đất mà với chị chứa đựng biết bao điều quyến rũ về văn hóa cũng như con người. Tình yêu Việt Nam hẳn thể hiện một phần không nhỏ ở việc chọn lựa người bạn đời của chị - anh Quyền Aranna, một chàng trai Mỹ mang dòng máu Việt. Chị thường tự hào rằng trong gia đình, chị với mẹ chồng và dì ruột của chồng là 3 người đàn bà nói tiếng Việt Nam. Và, chị cũng là người dạy tiếng Việt cho chồng. Là con dâu của một người mẹ Việt Nam, Miranda tiếp tục trải nghiệm những cảm giác thân thương khi khoác lên mình chiếc áo dài Việt Nam trong dịp trọng đại nhất của cuộc đời – ngày cưới. Bắt gặp Miranda với áo dài và đàn tranh trong những lần biểu diễn mới thấy tình cảm của chị dành cho Việt Nam sâu đậm đến nhường nào.

Trò chuyện với chị để hiểu thêm tình cảm của một người bạn Mỹ về Hà Nội, thành phố mến yêu mà chị đã gắn bó suốt thời gian ở Việt Nam.

- Chị đã từng ở Việt Nam trong bao lâu?

Phải nói là Hà Nội chứ! Tôi ở đây từ năm 1992 – 1994 khi làm việc cùng các tình nguyện viên Châu Á, dạy tiếng Anh cho sinh viên một số trường đại học ở Hà Nội và nghiên cứu âm nhạc.

- Lần đầu đến Hà Nội, chị có ấn tượng thế nào về thành phố này?

- Với tôi, Hà Nội rất đẹp với rất nhiều hồ, kiến trúc Pháp cổ, những ngôi chùa, khu chợ và các con phố toàn xe đạp. Bạn biết đấy, thời điểm đó xe đạp là phương tiện di chuyển chủ yếu của người Hà Nội mà.

- Thế còn cuộc sống ở nơi đây thì sao?

- Hồi ấy, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp những cụ già và cháu bé xúng xính trong những bộ cánh rất cổ truyền. Rồi còn cách mọi người đi trên phố, làm thế nào mà họ có thể di chuyển được giữa một dòng xe cộ náo nhiệt và chật cứng đến vậy? Nhưng dạo chơi khắp phố phường bằng xe đạp thật thú vị, tôi có thể ghé vào một quán cà phê ven hồ và ngồi đó cả ngày ngắm nhìn mọi người đi lại. À, tôi còn rất thích những gánh hàng rong với đủ món ngon Hà Nội nữa!

- Thế thì chắc là chị được thưởng thức nhiều đặc sản ở Hà Nội lắm nhỉ?

- Có thể bạn sẽ buồn cười, nhưng tôi thích nhất là quà vặt ăn sáng ở Hà Nội. Tào phớ với nước đường cho thêm chút gừng này, đủ các thứ xôi - xôi lạc, xôi đậu, xôi ngô..., lại còn phở nữa chứ!

- Thế còn người Hà Nội thì sao?

- Tôi rất thích sự nghị lực của con người Hà Nội. Ai cũng thân thiện và cầu tiến. Tôi có cảm giác lúc nào họ cũng hăng hái học và tiếp nhận những thứ mới, những thử thách mới để cải thiện cuộc sống sau nhiều năm vất vả. Những nghệ sĩ mà tôi từng gặp rất say mê loại nghệ thuật mà mình đeo đuổi, họ thực sự tự hào về lịch sử và văn hóa của nước mình.

- Chắc chị có bạn thân ở Hà Nội chứ nhỉ?

- Ồ, có chứ, nhiều là đằng khác. Những người bạn của tôi rất hay và thông minh, như Bùi Trọng Hiền chẳng hạn. Nhờ có anh ấy mà tôi biết nhiều hơn về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, điều mà thực sự nhiều người ngoại quốc rất mơ hồ. Anh đã truyền tình yêu với cổ nhạc Việt cho tôi và điều ấy đã khích lệ tôi rất nhiều để hiểu hơn về âm nhạc, lịch sử và văn hóa của quê hương anh.

- Tại sao chị lại chọn một đề tài rất “hóc” là nhạc dân tộc cải biên để làm luận văn thạc sĩ của mình?

- Chuyện kể ra cũng khá dài. Tôi từng có thời gian làm việc tại trại tị nạn của những người Indonesia tại Philippines. Ở đấy, tôi có cơ hội học tiếng Việt và tiếp xúc với một số gia đình nghệ nhân. Vì vậy tôi đã biết đến đàn tranh và lần đầu tiên được nghe những giai điệu của đất nước Việt Nam. Vì thế, khi đến Hà Nội, việc đầu tiên của tôi là tìm gặp các nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc. Nhưng sau mấy tháng vật lộn tìm hiểu nhiều nhóm biểu diễn nhạc dân tộc, tôi khá nản lòng vì nó không giống cái tôi cần tìm. Khi tôi gặp Giáo sư Tô Ngọc Thanh và anh Bùi trọng Hiền, mọi thứ đã thay đổi. Hai người giới thiệu tôi đến gặp những người có thể dạy tôi thứ âm nhạc mà tôi thực sự muốn học. Đó cũng là lúc tôi nhận ra ở đây có hai giới rất khác biệt: âm nhạc dân tộc của những người được đào tạo trong nhà trường và âm nhạc của những nghệ nhân dân gian. Điều đó đã thôi thúc tôi phải tìm hiểu.

- Chị có biết là quan điểm của chị vào những năm 1994 rất gây tranh cãi, nhưng đến giờ nó lại là một thực tế hiển nhiên được công nhận. Các nghệ nhân cổ nhạc bây giờ đã có một vị thế khác hẳn so với thời chị ở Hà Nội. Họ được trân trọng và tôn vinh hơn. Những nhạc sĩ nhạc dân tộc cải biên cũng không còn được coi là đại diện ưu tú cho nhạc dân tộc như trước nữa. Vào thời điểm đó bản tham luận của chị rất nổi tiếng trong dư luận âm nhạc Việt Nam. Hiện nay vẫn còn rất nhiều người nhắc đến chị và sự kiện hội thảo quốc tế năm 1994. Chị nghĩ sao về thông tin này?

- Tôi thực sự rất vui khi nghe tin này. Nhưng có sự thay đổi quan điểm như bây giờ chắc chắn không phải do tôi, bởi ở Việt Nam có rất nhiều người tâm huyết với cổ nhạc. Họ sẽ làm việc hết mình để tìm lại vị trí thực sự cho các nghệ nhân cổ nhạc. Tôi gây sốc chỉ vì ở thời đấy, quan điểm của một người ngoại quốc về âm nhạc Việt Nam sẽ bị nhìn nhận với con mắt nghiêm khắc, nhạy cảm và khiến nhiều người ủng hộ nhạc dân tộc cải biên tổn thương.

- Trong các thể loại âm nhạc cổ truyền Việt Nam, chị thích loại nào nhất?

- Tôi thích nhạc Tài tử- Cải lương bởi nó có thang âm và giai điệu rất đẹp, hay nhất là tính ngẫu hứng ứng tác đầy cảm xúc. Ca trù với tôi nghe rất lạ nhưng lại gây ấn tượng mạnh. Đấy là lý do khiến tôi rất hay lui tới câu lạc bộ ca trù ở Hà Nội để nghe hát. Tôi còn rất thích nghe bà Hà Thị Cầu hát Xẩm nữa.

- Ngoài đàn tranh, chị còn biết chơi nhạc cụ nào của Việt Nam nữa?

- Tôi có thể thổi sáo trúc. Nhưng tôi muốn kể thêm về việc tại sao mình học đàn tranh. Ý định này đến với tôi khi bắt gặp một cây đàn tranh được bán cùng mấy mớ rau và vài bộ quần áo cũ ở khu chợ Philippines gần trại tị nạn. Lúc đầu tôi chỉ biết chút thôi, nhưng khi đến Việt Nam, tôi đã được những người thầy nghệ nhân ở đây hướng dẫn rất nhiều. Họ coi tôi như con trong gia đình vậy. Có thể vì thế mà đến giờ tôi vẫn không thể nào quên những kỷ niệm thân thương gắn liền với cây đàn tranh và những người thầy của mình.

- Nghe nói chồng chị là người mang trong mình nửa dòng máu Việt Nam?

- Đúng vậy, anh ấy tuy sinh ở Việt Nam nhưng lại lớn lên ở Oklahoma nên không rành về văn hóa Việt Nam và không biết nói tiếng Việt. Trong khi tôi, một cô gái Mỹ lại làm được điều ấy. Vì thế, khi đến với anh và gặp mẹ anh, một người Việt Nam, tôi thực sự rất vui. Hai mẹ con tôi rất hợp nhau và tôi hiểu bà đã hạnh phúc thế nào khi con dâu của mình có một chút liên hệ với văn hóa quê hương bà.

- Hình như trong đám cưới chị chú rể mặc áo the khăn xếp, còn cô dâu thì mặc áo dài Việt Nam. Tại sao chị lại chọn trang phục này trong đám cưới của mình vậy?

- Bởi áo dài Việt Nam thực sự rất đẹp! Lễ cưới của chúng tôi diễn ra tại một ngôi chùa thay vì nhà thờ. Mùi hương trầm, tiếng chuông chùa và giọng tụng kinh của các vị sư luôn khiến cho tôi cảm thấy thanh thản.

- Cô con gái yêu của chị có được mẹ truyền cho một chút âm nhạc Việt Nam nào không?

- Con bé đã xem tôi biểu diễn rất nhiều loại nhạc cụ và nghe nhạc nhẹ Việt Nam khi ở với bà. Tôi còn từng biểu diễn đàn tranh và sáo trúc rất nhiều lần ở trường cháu nữa. Nhưng giờ con bé học piano vì được bà ngoại tặng cho một cái rất đẹp.

- Hiện đang làm giảng viên tại đại học Oklahoma, chị có lớp học nào dạy về âm nhạc Việt Nam cho sinh viên không?

- Tôi có dạy một khóa giới thiệu về âm nhạc các dân tộc trên thế giới. Đôi khi, xen kẽ các bài giảng tôi có nói đến Việt Nam. Tuy nhiên, tôi có cảm giác rằng mình đã dành quá nhiều thời gian vào nghiên cứu nhạc dân tộc cải biên Việt Nam nên chưa trang bị đủ kiến thức để dạy về âm nhạc cổ truyền của đất Việt. Tuy nhiên, cổ nhạc Việt Nam thực sự cho tôi rất nhiều cảm xúc và chỉ muốn giữ nó cho riêng mình.

- Chị sẽ quay lại Việt Nam trong thời gian tới chứ?

- Có chứ, tôi thực sự muốn quay trở lại việt nam cùng gia đình mình. Đó là mơ ước của tôi.

- Cám ơn chị về những chia sẻ đầy cảm xúc này!./.

Điệp Trần (thực hiện)

Bài đăng trên Nhân dân điện tử 21.9.2010

Chú thích ảnh:

Ảnh 1: Hai vợ chồng Miranda đã chọn mặc áo dài trong đám cưới của mình

Ảnh 2: Hòa tấu cổ nhạc cùng nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (1993) (ảnh: Bùi Trọng Hiền cung cấp)

Ảnh 3: Cây đàn tranh vẫn gắn bó với Miranda cho đến tận bây giờ

Thứ Tư, 15 tháng 9, 2010

Nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ: “TRUYỀN LẠI NGHỀ CHO CÀNG NHIỀU HỌC TRÒ CÀNG TỐT...”

Ai cũng hiểu trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam không có gì giá trị hơn sự kế tục theo lối truyền khẩu ngón nghề trực tiếp từ lớp nghệ nhân tiền bối. Song đến giờ, những báu vật sống ấy vẫn phải mỏi mắt chờ đợi một “cơ chế” tôn vinh di sản của các cấp chính quyền. Có người buông xuôi sống qua ngày, nhưng có người lại tự thân vận động, tự tìm học trò. Nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ (Tứ Kỳ, Hải Dương) là một trong số ấy.
Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ (ảnh: Bùi Trọng Hiền)

Được mệnh danh là “đệ nhất danh cầm” với 70 năm gắn bó với cây đàn đáy, ở tuổi 85, cụ Đẹ vẫn miệt mài tìm cách truyền thụ tinh hoa cổ nhạc cho thế hệ trẻ từ nhiều năm nay. Học trò của cụ dễ phải đến hàng chục, nhưng theo đến nơi đến chốn chẳng là bao. Thế là, dù cố gắng, đến giờ người nghệ nhân già vẫn phải cặm cụi “đốt đuốc tìm học trò”. Ai cũng bảo nghề này khó mà quên đi cái nhẽ thường “vạn sự khởi đầu nan”. Khó ở đâu, khó cái gì và khó như thế nào, có lẽ chỉ người trong cuộc như cụ Đẹ mới cảm thấy rõ nhất.

- Thưa cụ, đáng ra ở cái tuổi “cổ lai hi” người ta phải nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, tại sao cụ cứ phải trăn trở tìm học trò vậy?

Vì tôi tiếc. Công mình hun đúc tiếng đàn bao nhiêu năm trời mà không trao được cho ai thì phí lắm!

- Nhưng rốt cuộc chẳng mấy ai theo được đến nơi đến chốn...

Học đàn phải từ 3 đến 4 năm mới tạm ổn nghề, chứ nhiều người học chỉ được 20 ngày hay tham gia khóa học vài tháng mà mỗi tuần 2 buổi rưỡi thì làm sao theo nổi.

- ..và vì thế đến giờ cụ vẫn chưa có truyền nhân?

Có chứ, tôi có vài học trò tâm huyết. Như chị Phạm Thị Huệ và Phạm Đình Hoằng. Nhất là cậu Hoằng, cứ từ Hà Nội về đây học suốt. Năm cậu Hoằng mới học tôi tưởng thấy khó quá mà chán, ai ngờ về sau học được lại mê, đến nay là gần 4,5 năm rồi đấy, bây giờ tay đàn đã khá lắm rồi.

- Mất nhiều năm như vậy mới thành nghề, ắt hẳn học đàn đáy rất khó?

Kỹ thuật đàn đáy không khó. Cái khó là phải tự học hỏi và cọ sát. Ngày xưa tôi học mất 5 năm mới ra đàn, ấy mà vẫn phải đi các nơi nghe ngóng học lỏm, thấy ai đàn hay thì chịu khó rót nước điếu đóm, người ta mới chỉ cho mình. Dần dà tai mình sẽ biết nghe, tay mình biết nắn thế nào cho ra tiếng trùng, tiếng vê, tiếng vẩy...để nghe chín nục mới hay.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và người học trò kiên trì nhất của mình, kép đàn Phạm Đình Hoằng (ảnh: Bùi Trọng Hiền)

- Nhưng ngày nay chẳng có mấy cơ hội được cọ sát như vậy bởi những người theo ca trù rất ít?

Tuy ít nhưng giờ học lại có băng đài, ghi âm hỗ trợ chứ không phải tự nhớ trong đầu như chúng tôi ngày xưa. Thuở nhỏ, tôi phải tự lần mò học mót, nhưng giờ gặp học trò nào tận tâm, kiên trì thì có bao nhiêu vốn liếng tôi sẽ dạy chỉ tay, chỉ ngón cho bằng hết.

- Nghe nói cụ có mở lớp dạy đàn trong làng?

Có, nhưng kinh tế không có lấy gì cho tụi nó học nên các cháu không ham lắm. Ở nhà quê hát cho ai nghe, đàn cho ai nghe? Thỉnh thoảng tôi buồn thì gọi chúng đến dạy. Ở nhà tôi cũng dạy đứa cháu gái học hát, cũng được kha khá đấy, nhưng giờ nó đi làm thợ may, dăm bữa nó về hai ông cháu lại đàn hát với nhau.

- Hình như trước đây cụ có đề xuất với sở văn hóa tài trợ tiền để mở lớp dạy đàn ở làng nhưng không được?

Tôi xin mấy triệu để cháu nào có học đàn thì mỗi ngày cho nó 5 nghìn thôi cũng được. Tôi cũng đề nghị may cho mỗi cháu một bộ áo dài để đi đâu diễn đỡ phải thuê. Ấy thế mà họ chả cho xu nào, lại cho phông màn với loa đài nghe đâu trị giá vài chục triệu có chết không. Tất cả tôi trả lại xã, họ làm gì thì làm.

- Cụ nghĩ sao về quan niệm chỉ truyền dạy ca trù trong khuôn khổ gia đình?

Không nên bó khuôn trong gia đình. Truyền lại được càng nhiều học trò càng tốt, bởi mình sống được bao lâu nữa mà giữ. Muốn cho cái nghề của ông cha mình trở lại thì phải phổ biến ra, chẳng được trọn vẹn được thì cũng còn đôi chút.

- Khi ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cụ cảm thấy thế nào?

Tôi thấy bình thường vì tương lai phát đạt của ca trù còn lâu lắm. Ai học? Lấy gì mà học? Thầy ăn bằng cái gì mà dạy? Mà rồi học được thì hát cho ai nghe, đàn cho ai nghe? Phải có người thưởng thức, người biết nghe, chịu mất tiền để mà nghe thì nó mới nên được.

Đợt nắng nóng ở miền Bắc vừa qua cụ Nguyễn Phú Đẹ đã phải đi viện tiêm 19 mũi, toàn thuốc dưỡng não và thuốc bổ. Nghe tin ấy không ít người nao lòng, bởi lẽ, những người như cụ đều là những báu vật quốc gia. Trong khi các nhà chức trách đang bàn thảo qui chế thì hồi chuông báo động di sản từng ngày vẫn rầu rĩ cất lên.

Điệp Trần (thực hiện)

Đăng trên Thời Nay ngày 2/9/2010