Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2010

GS.TS Trần Văn Khê: Hồi ức xưa và một ước mơ nhân Đại lễ 1000 năm

Giáo sư Trần Văn Khê được biết đến như một người có công lớn trong việc truyền bá âm nhạc cổ truyền Việt Nam tới các bạn bè thế giới. Những công lao của ông được ghi dấu cùng những chuyến đi khắp năm châu bốn bể và ngay cả trên mảnh đất quê nhà. Trong quãng đời bôn ba đó, Hà Nội trong trái tim ông tựa như một người bạn khó quên. Hà Nội – Thời sinh viên trai trẻ, Hà Nội – nơi tìm kiếm tinh hoa cổ nhạc, Hà Nội – chút tiếc nuối cho di sản và Hà Nội – vài nhắn nhủ tới dịp đại lễ nghìn năm. Muôn mặt tình yêu với Hà Nội của Giáo sư Trần Văn Khê sẽ phần nào được gợi mở trong cuộc trò chuyện cùng ông.

Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

Đạo diễn Đỗ Bèn: Hành trình cùng “Thăng Long - ngàn năm thương nhớ”

Với đạo diễn Đỗ Bèn, cảm xúc cứ đầy lên sau mỗi chuyến ghi hình ở Hà Nội, để rồi khi trở về phương Nam, thành quả của anh và nhóm làm phim TFS là những phóng sự tiếp nối đầy chất thơ cho loạt ký sự 140 tập “Thăng Long - ngàn năm thương nhớ” hiện đang phát sóng trên HTV7 vào 22g40, trên HTV9 lúc 23g30 và phát lại đến tập 45 trên sóng VTV1 vào 23h25.

Được làm với phong cách “vừa đi, vừa khám phá”, loạt ký sự đang dần hé mở những góc nhìn mới mẻ của người phương Nam về Hà Nội. Một Hà Nội xưa cũ, thâm trầm và lặng lẽ? Hay là “đại công trường” của một thủ đô đang thời kỳ mở rộng? Vẻ đẹp tiềm ẩn của đất Hà Thành sẽ được những người đứng sau máy quay khám phá.

Để có được những thước phim chất lượng, đạo diễn Đỗ Bèn và đoàn làm phim của mình đã làm việc miệt mài hơn 1 năm nay qua những chuyến bay Hà Nội - Sài Gòn không ngừng nghỉ. Ngay cả trong đêm 30 Tết, đáng ra phải được đoàn tụ cùng gia đình, thì nhóm phải vác máy quay rong ruổi khắp phố phường Hà Nội để ghi lại những khoảnh khắc giao thừa. Kết quả là những thước phim đầy cảm xúc về Hà Nội ấy đãđoạt giải B báo chí Quốc gia về Nghìn năm Thăng Long ngày 4-10 vừa qua.

Lắng nghe những tâm sự của Đạo diễn Đỗ Bèn về hành trình cùng “Thăng Long - ngàn năm thương nhớ”, có thể ít nhiều hiểu được tấm lòng của người con Nam Bộ hướng về thủ đô Hà Nội.

- Có mặt ở Hà Nội đúng dịp đại lễ, đoàn làm phim của anh có ghi được nhiều cảnh thú vị không?

- Cũng không nhiều lắm, vì đợt đại lễ này rất đông nên khó chọn cảnh quay. Chúng tôi chỉ cố gắng chộp được những khoảnh khắc thú vị của không khí này thôi.

- Nhưng những ngày đại lễ rất đặc biệt?!

- Thực ra loạt ký sự “Thăng Long - ngàn năm thương nhớ” không chỉ có đại lễ. Đó là một bộ phim trải dài nói về lịch sử, văn hóa, địa lý của Hà Nội nói chung. Đại lễ chỉ là một điểm nhấn của bộ phim.

- Từ miền Nam ra đây làm phim về Hà Nội nhóm của anh có gặp nhiều khó khăn không?

- Điều khó khăn nhất đối với chúng tôi là khâu tổ chức. Ra Hà Nội với thời gian quay rất nhanh, kinh phí có hạn, ngoài ra phải liên hệ đủ thứ. Thứ nữa là mình biết không nhiều về Hà Nội nên cả đoàn phải làm việc cật lực. Bên cạnh đó, Hà Nội giai đoạn này đang là một “đại công trường” nên ghi hình rất khó.

- Một thành phố có bề dày lịch sử như Hà Nội có khiến anh mất nhiều công sức tìm hiểu?

- Trước khi đi chúng tôi đã tìm hiểu thông tin trên mạng và sách báo về Hà Nội. Nhưng thông tin trên mạng phải dè chừng, mình có những cái mình đọc thấy có nhưng khi đến nơi thì không phải. Sách về lịch sử Hà Nội không ít nhưng chưa có hội đồng thẩm định tính đúng sai, lại có ý kiến nhiều chiều. Ví dụ, có sách nói núi Sưa là núi Nùng, nhưng có sách lại nói núi Nùng ở ngay điện Kính Thiên. Với suy nghĩ, trách nhiệm với bộ phim là của chính mình, vì khó xác định như thế nên chúng tôi không nhờ đến cố vấn mà thay vào đó là đưa ý kiến của những nhà nghiên cứu có uy tín vào phóng sự. Họ sẽ tự chịu trách nhiệm về nhận định của mình.

- Với phong cách vừa đi vừa khám phá, chắc hẳn loạt ký sự sẽ có nhiều cảnh quay ngẫu hứng?

- Để chuẩn bị cho bộ phim, đoàn phải tìm hiểu rất nhiều thông tin về Hà Nội trước đó, nhưng muốn hay, phải do những cảm xúc ngẫu nhiên. Tết năm ngoái, chúng tôi đến Bát Tràng để quay cảnh chuẩn bị cho giao thừa. Dù có liên hệ trước và định quay rất bình thường, nhưng ngay lúc đó, tự nhiên mình thấy cái Tết của Hà Nội rất giống với cái Tết ở miền Nam. Cảm xúc đến ngay tức thì nên thành ra lời bình hoàn toàn mang cảm xúc của người thực hiện chương trình đang đứng tại chỗ viết về suy nghĩ của mình về Hà Nội như một lời tự sự.

- Nhiều người nói rằng Hà Nội bây giờ không còn cổ kính nữa. Anh nghĩ sao?

- Cái đó là tùy từng suy nghĩ của mỗi người thôi. Nếu một người làm phim đi phớt qua họ sẽ thấy Hà Nội không còn cổ kính nữa. Nhưng những người làm phim như chúng tôi sẽ có góc nhìn riêng của mình. Nếu đi qua một con đường, người bình thường sẽ thấy nó đen ngòm, nhưng nếu mình nhìn dưới góc độ văn hóa sẽ thấy bao thế hệ người đã đi qua con đường đó. Nói về mặt trái của phố phường rất dễ, nói về một Hà Nội yêu thương mới khó. Lấy hiện thực hôm nay để nói rằng quá khứ của nó đã từng đẹp như thế. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm ra cái đẹp của Hà Nội.

- Phản hồi của người dân TP Hồ Chí Minh với loạt ký sự này thế nào?

- Đa số người theo dõi đều rất thích vì bộ phim được làm theo một cách rất khác. Ban đầu nhiều người cho rằng nó sẽ thất bại vì mang tính tuyên truyền, thứ nữa là Hà Nội đã được nói đến nhiều rồi còn gì đâu mà quay. Nhưng khi phát sóng, nhiều đồng nghiệp bất ngờ và theo dõi bộ phim rất kỹ. Thậm chí có những người nhiệt tình, thấy gì chưa hay là góp ý liền.

- “Một cách rất khác” ở đây nghĩa là gì, thưa anh?

- Là mình nhìn Hà Nội dưới chiều sâu của nó. Chiều sâu của cuộc sống người hôm nay và người ngày xưa để thấy được vẻ đẹp ẩn chứa bên trong. Gặp một con ngõ nhỏ, lúc đầu chúng tôi kêu lên “trời ơi, Hà Nội sao có những con ngõ kỳ thế” nhưng đi vào lịch sử thấy ngày xưa con ngõ này từng là hầm, địa đạo... Những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những người dân phố cổ từng đục tường liên thông các ngôi nhà giữa các con phố để cho quân ta di chuyển đánh giặc. Rồi thời Hà Nội 12 ngày đêm khói lửa, rất nhiều gia đình đã tự đào hầm trong nhà hay ngoài ngõ làm nơi trú ẩn tránh bom. Hiểu được lịch sử, mới thấy nó đẹp thế nào. Hay như về Cự Đà, có những ngõ “Lễ Nghĩa”, “Trí Tín” để tìm lại dấu vết của nền móng giáo dục xưa. Hoặc ở đường Thụy Khê có cổng làng ghi lại là “Mỹ tộc hạ phong” do vua phong cho làng có thuần phong mỹ tục thì mình mới hiểu là tại sao người Tràng An lại được coi là thanh lịch.

- Anh và đoàn làm phim đã thực hiện một “cuộc điền dã lớn về Thăng Long - Hà Nội” để hoàn thành 140 tập ký sự. Cảm xúc của anh trong suốt hành trình là gì?

- Nhiều lắm! Nhưng có lẽ cảm xúc mạnh nhất của cá nhân tôi chính là những gì mà tôi đã gửi gắm trong lời bình tập 1 “Hà Nội trong tôi” và tập 35 “Hà Nội nỗi nhớ” của loạt ký sự.

- Cám ơn anh về những cảm xúc rất chân thành về Hà Nội.

Đạo diễn Đỗ Bèn là gương mặt gạo cội và có nhiều kinh nghiệm làm phim ký sự tại Hãng phim truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS). Anh đã từng đoạt nhiều giải thưởng lớn về phóng sự, ký sự như: “Vui buồn với Di tích Cát Tiên” - Huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2002, “Người thêm sắc cho hoa” Huy chương Bạc liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 26 Cô giáo làng Vân” - Huy chương Bạc liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 26 - 2007 và gần đây nhất là phóng sự “Người giải mã cồng chiêng” đoạt giải cánh diều bạc 2009. Loạt ký sự “Thăng Long - Ngàn năm thương nhớ” cũng đã đoạt giải B báo chí quốc gia về đề tài 1000 năm Thăng Long diễn ra tại Hà Nội ngày 4-10-2010.

ĐIỆP TRẦN (thực hiện)

Đăng trên Nhân dân điện tử ngày 8.10.2010