Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

NHỮNG “MIẾNG VÁ” TRONG KHUÔN VIÊN CHÙA VIỆT

Từ lâu, khuôn viên chùa không chỉ có nhiệm vụ tỏa bóng mát mà còn gắn kết với kiến trúc thành một thể thống nhất mang thông điệp của di tích. Buồn thay, không gian dung dị ấy đang bị biến dạng bởi những lai căng khó hiểu.

Trước kia, chùa Việt xưa thường giản dị, hòa mình thiên nhiên sum suê, tươi tốt như tự nhiên vốn có. Trong vườn trồng thứ cây phù hợp để gửi gắm thông điệp của ngôi chùa. Nơi trồng cây đề là để nhắc người thăm viếng hãy dẹp lòng trần mà tĩnh tâm nơi cửa phật. Cây thông (chùa Trăm Gian – Hà Nội) nói đến học rộng tài cao. Ở đâu có nhà sư biết chữa bệnh trước chùa trồng một cây sung (Chùa Một cột -Hà Nội) hàm ý sự khỏe mạnh. Cây muỗm, cây sấu được trồng lấy quả, cũng là nơi để các vong hồn cửa Phật nương tựa….

Nhưng giờ mọi chuyện đã khác. Chẳng nhận đâu ra nét mộc mạc của vườn chùa. Dường như, bệnh dịch” “hoành tráng hóa” chùa chiền đã bắt đầu di căn vào lớp áo thiên nhiên tươi tốt xung quanh di tích bằng những “miếng vá” lai căng từ…mọi miền thế giới.

Những “miếng vá”

Miếng vá 1: Vườn thiền Nhật trong khuôn viên chùa Việt.

đèn đá Nhật ở chùa Phúc Khánh, Hà Nội

Hội chứng “vườn Nhật” khá phổ biến tại chùa ở Hà Nội. Chùa Trấn Quốc, chùa Tảo Sách đều là những ngôi chùa nổi tiếng song không hiểu vì sao trong chùa lại có một góc có nào đèn, cỏ nhật, đá cuội và sỏi nhang nhác giống vườn thiền xứ Phù Tang. Nhiều chùa không làm “vườn thiền” thì cũng cố đặt ở khuôn viên những chiếc đèn đá bốn góc lồng cong nhọn đặc trưng của Nhật. Chưa biết khuôn viên có đẹp lên không, nhưng nhìn thấy chúng đứng cạnh những cây đề, cây muỗm thấm đẫm hồn Việt thấy mà buồn.

Miếng vá 2: Từ vườn tượng Phật đến những chú sư tử đá “liên hợp quốc”.

Quần thể tượng phật ở chùa Phổ Linh (Quận Tây Hồ, Hà Nội)

Chùa Phổ Linh ven Hồ Tây, Hà Nội vốn là một ngôi chùa giản dị và cổ kính. Nhưng từ khi vườn rau trước cổng chùa được qui hoạch để biến thành một khuôn viên với quần thể tượng phật thì vẻ đẹp thuần khiết xưa đã biến mất. Ngoài nhóm tượng phật bằng bê tống trắng đứng vây quanh phật hài nhi đứng giữa bồn nước còn có những bức tường vây xung quanh đắp nổi hình tượng phật nhiều màu sắc. Quần thể tượng ở chùa Phổ Linh có thể do ảnh hưởng từ phật giáo Tiểu thừa, nhưng sắp đặt tượng phật ven lối đi như ở chùa Bằng A (Quận Hoàng Mai) khiến nhiều người liên tưởng đến những bức tượng đặt trong những khu vườn kiểu Âu.

Chuyện sư tử đá ở khuôn viên chùa cũng đã quá nổi tiếng. Sư tử kiểu Âu ngồi chầu ở chùa Hương, sư tử “rạp xiếc” ở chùa Quan Hoa (Hà Nội), sư tử nhiều mặt kiểu Trung Quốc ở chùa Phúc Khánh…đủ cả.

Ngôi đại tháp 13 tầng của chùa Bằng A nom hao hao ngôi chùa tháp Ngũ Phúc Lâm Môn (Quế Lâm, Trung Quốc)

Miếng vá 3: Ngôi đại tháp Trung Hoa giữa sân chùa

Ngỡ rằng Hà Nội chỉ có tòa tháp phật 11 tầng ở Chùa Trấn Quốc là to và đồ sộ nhất. Ấy thế mà Chùa Bằng A lại sở hữu tòa “bảo tháp báo ân” 13 tầng với 104 tượng phật đồng lớn nhỏ bên trong và 4 pho tượng Thiên vương bằng đá bên ngoài cùng loạt tượng đá nằm rải rác quanh vườn. Hoành tráng đã đành, nhưng nhìn từ xa trông đại tháp 13 tầng nom không khác ngôi chùa tháp Ngũ Phúc Lâm Môn ở Quế Lâm, Trung Quốc là mấy.

Đạo Phật - tôn giáo mở, nhưng…

Họa sỹ Bùi Hoài Mai, người có nhiều am hiểu về kiến trúc truyền thống cho biết, “Phật giáo là tôn giáo mở, tính du nhập và biến đổi văn hóa vùng rất mạnh. Vì thế ở Việt Nam mới có khái niệm “Tam giáo đồng nguyên”, trong chùa thờ cả phật, thánh và nhiều thứ nữa. Vì vậy, sự giao thoa văn hóa, kiến trúc trong đạo Phật nước ta là chuyện bình thường”. Tuy nhiên, theo ông thực trạng của kiến trúc phật giáo ngày nay “chưa được thời gian làm “nhuyễn” và cũng chưa được những người hiểu biết tham gia vào”.

Trong một bài viết, TS. Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng cục Di sản văn hóa từng cho rằng ý kiến của những người công đức kém hiểu biết vào quá trình tu bổ là một trong những nguyên nhân khiến di tích bị biến dạng. Ông dẫn ví dụ về việc một người sẵn sàng công đức vài trăm triệu để sửa lại gác chuông với điều kiện phải làm bằng bê tông. Theo ông, “những kiểu “yêu mến” di tích như trên cũng nguy hiểm như những hành động lấn chiếm, vi phạm ở di tích”.

Vườn chùa Trấn Quốc: vườn Việt hay vườn Nhật?

Tuy nhiên, về cơ bản sự thiếu nhận thức này thuộc về nhà sư, những người gắn bó mật thiết với di tích. Xin dẫn một chuyện: Thượng tọa Thích Thanh Nhã từng kể lại rằng, thầy ông, cố hòa thượng Kim Cương Tử khi định xây tòa bảo tháp 11 tầng tại chùa Trấn Quốc từng nói,“ngôi chùa này phải được xây một ngôi tháp cảnh “Lục độ đài sen” để tương xứng với ngôi chùa cổ đã có trước đây gần mười lăm thế kỷ”. Câu nói ấy có vẻ ý nghĩa, song nó trở nên mâu thuẫn với trách nhiệm giữ gìn vẻ đẹp khiên nhường không phô trương vốn có của chùa Việt của giới tu hành Phật đạo.

Theo TS. Đặng Văn Bài, nguyên cục trưởng Cục di sản văn hóa, “việc giữ gìn các yếu tố nguyên gốc là nội dung cơ bản tạo nên sự khác biệt giữa thiết kế và thi công tu bổ di tích với việc xây dựng một công trình mới[1]. Biết vậy sao các sư vẫn bị cơn bão xính ngoại cuốn đi rồi “nhân danh trùng tu” (từ của họa sĩ Lê Thiết Cương) để làm mới chùa chiền?

Khuôn viên chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng thể kiến trúc chùa Việt. Song, qua đó để thấy được thói xính ngoại đã lan đến tận ngõ ngách của ngôi chùa. Hi vọng, trong tương lai, sư tử đá kiểu “ngoại quốc” sẽ biến mất, nhường chỗ cho những chú nghê giản dị và những tòa đại tháp nơi cửa Phật sẽ không bao giờ vươn cao bằng…tháp truyền hình Mỹ.

Điệp Trần


[1] Tạp chí Di sản văn hóa số 2 (15) - 2006

Báo Tiền phong ngày 25.4.2010

Thứ Ba, 13 tháng 4, 2010

Virgin Atlantic Airlines - Khi giấc mơ của gã Hippy trở thành hiện thực

Bạn đã quá mệt mỏi với những chuyến bay đường dài ê người và tẻ ngắt? Bạn muốn thay đổi? Virgin có thể là sự lựa chọn hoàn hảo. Giữa một không gian dịu mát, sang trọng, bạn có thể ngả lưng trên ghế mát xa, thảnh thơi nghe nhạc, xem phim hay chơi games tùy thích. Cảm giác lâng lâng bay trên không như một tay thượng hạng khiến bạn tự hỏi: ai đã làm nên điều tuyệt diệu này? Câu trả lời là Richard Branson.

Thực ra Virgin không chỉ là một hãng hàng không mà là tập đoàn đa doanh vĩ đại với 250 công ty lớn nhỏ trên toàn thế giới, doanh thu hàng chục tỷ USD mỗi năm. Kinh doanh thì vô số, nhưng đáng kể nhất là lĩnh vực hàng không với những thương hiệu nổi tiếng như Virgin Atlantic, Virgin America, Virgin Blue, Virgin Sun…Tuy nhiên, điều đáng nói của Virgin không phải ở tầm vóc mà chính ở sự chịu chơi và cá tính độc nhất vô nhị, được gây dựng bởi ông chủ Richard Branson của nó.

Gã hippy bỏ học muốn trở nên giàu có

Sinh năm 1950, Richard Branson lớn lên khi phong trào hippy đang trở nên cực thịnh. Tuyên ngôn về tự do, những cô gái ngực trần hay kiểu sống lang thang du mục, quần hôn dường như chỉ là vỏ bọc cho một thế hệ đã quá chán ghét sự thực dụng và ác độc của loài người. Họ quay lưng lại với chiến tranh và sự hiện đại để trở về với cuộc sống bản năng tự nhiên. Gã trai 17 tuổi có cái tên Richard cũng trôi trong dòng chảy hoang dại ấy. Gã bỏ học để bắt đầu một cuộc sống mới. Nhưng thay vì đi lang thang, gã lại lặn lội từ ngoại ô lên London để mở tạp chí của riêng mình với số tiền ít ỏi. Mọi việc đều được vận hành bởi một ê kíp “miễn phí” là bạn bè của gã. Có tên “Sinh viên” nhưng tạp chí lại viết về những gì giới trẻ muốn. Đó là các xu hướng, những lối sống, là sự thách thức quyền lực, các ngôi sao nhạc rock và đủ thứ hầm bà lằng của một thời kỳ hoảng loạn tìm lối đi và ưa đập phá. Như khoáy vào chỗ ngứa, cuốn tạp chí “cây nhà lá vườn” của Richard trở thành một hiện tượng và nổ tung với lượng phát hành 100.000 bản mỗi kỳ.

Sau 4 năm kiếm đủ với nghề làm báo, Richard lại dấn thân vào lĩnh vực thu âm. Năm 1972, “Virgin records” ra đời. Giới hippy một lần nữa lại phát cuồng lên bởi những bài ca thuộc hàng quái chiêu do Virgin Records trình làng. Album “Tubular Bells” của rocker huyền thoại Mike Oldfield đã đem về cho Richard khoản lợi nhuận khổng lồ khi bán được 5 triệu bản vào năm 1973. Virgin Records thậm chí còn dang tay đón cả ban nhạc rock Sex Pistols – thủ phạm gây ra sự kích động quái dị cho giới trẻ khiến các bậc phụ huynh phát hoảng một thời. Chỉ sau một thời gian ngắn, Virgin đã trở thành công ty bán lẻ đĩa nhạc đứng thứ ba ở Anh với chuỗi 16 cửa hàng và làm mưa làm gió lĩnh vực giải trí xứ sương mù.

Âm nhạc đã mang tên tuổi của Virgin lan rộng, nhưng để bay xa và bay cao, Richard Branson quyết định lấn sang lĩnh vực hàng không. Sự đầu tư quá lớn và mạo hiểm trong khi chưa hề có chút kinh nghiệm buộc người ta phải đặt câu hỏi: Liệu gã đang để tình cảm che mờ lý trí? Richard thản nhiên trả lời: “nếu không như vậy, anh đừng hòng có thể kinh doanh tốt. Lý do duy nhất để làm mọi thứ là nghe theo trái tim, chứ không phải là cái đầu.” Quả vậy. Năm 1984, quả tim của gã hippy biến giấc mơ trở thành hiện thực khi Virgin Atlantic Airlines ra đời.

Virgin Atlantic thương hiệu chịu chơi

Thách thức lớn của Virgin Atlantic là phải vượt qua cái bóng của ông lớn British Airways bành trướng bấy lâu. Vậy chìa khóa là ở đâu? Chính là “con người”.

Bản thân cái tên “Virgin” (trinh nữ) đã hàm chứa sự khiêu khích, tươi mới và bản năng. Branson muốn mọi người nhìn nhận Virgin như một con người, từ dáng vẻ bên ngoài đến tính cách bên trong. Đó là một cô gái với mái tóc vàng rực, thân hình bốc lửa trong chiếc áo tắm liền thân đỏ thắm, tay vẫy khăn và kéo theo mình lá cờ Anh Quốc. Hình ảnh của cô xuất hiện trên thân máy bay một cách đầy quyến rũ. Có người nói, logo của Virgin giống một chữ ký hơn là dấu hiệu nhận biết của một tập đoàn.

Bí quyết của Virgin Atlantic là sự chịu chơi và tâm lý. Dù ở bất cứ hạng vé nào, hãng cũng đem lại cho hành khách của mình dịch vụ thượng hạng. Từ trang bị tivi, tích hợp tính năng nghe nhạc, chơi games cho tất cả chỗ ngồi ở hạng “bình dân” đến bộ ghế mát xa sang trọng tại khoang hạng trung đều tạo cảm giác vô cùng thoải mái. Đặc biệt, khách hạng sang của Virgin được tiếp đãi chẳng khác gì tại một khách sạn 5 sao hàng đầu thế giới. Dãy cabin hình cánh cung tiện nghi, thoáng đãng giữa một không gian vô cùng khoa học với sắc xanh dịu nhẹ khiến chuyến bay vốn nặng nề trở nên nhẹ bẫng. Hành khách có thể tán gẫu tại các quầy bar trên máy bay và truy cập internet bất kỳ lúc nào họ muốn. Đồ ăn tuyệt hảo, còn các tiếp viên luôn đầy sức sống trong bộ đồng phục đỏ và nụ cười duyên dáng. Dường như, Virgin đã xóa bỏ toàn bộ cảm giác tù túng của một chuyến bay bình thường.

Sự đổi mới không bao giờ ngừng nghỉ. Năm 1990, hãng bắt đầu sử dụng tuabin phản lực cho máy bay của mình. Năm 2002, Virgin Atlantic trở thành hãng đầu tiên sử dụng máy bay dân dụng dài nhất thế giới Airbus A340 – 600. Năm 2008, việc lần đầu đưa nhiên liệu sinh học vào động cơ phản lực lại khiến tên tuổi của Virgin vang xa.

Bên cạnh dịch vụ hoàn hảo và tối tân, Virgin Atlantic còn xây dựng một hình ảnh truyền thông vô cùng độc đáo. Từ logo, slogan đến hình ảnh quảng cáo đều nói lên sự nóng bỏng, hiện đại và quan tâm đặc biệt đến cảm giác của khách hàng. Năm 2009, slogan “Still red hot for 25 years” (Vẫn nóng bỏng sau 25 năm) cùng những cô gái Virgin đồng phục đỏ, tóc vàng óng mượt tự tin sải bước tiếp tục thu hút hàng triệu người.

Từ một chiếc máy bay đi thuê ban đầu, Virgin Atlantic nhanh chóng đạt ngưỡng 1 triệu khách vài năm sau đó. Mọi chuyện càng trở nên sáng sủa khi Branson quyết định bán toàn bộ Virgin Records Group cho tập đoàn Thorn – EMI với giá 1 tỷ USD để đầu tư cho hãng máy báy của mình năm 1992. Đến nay Virgin Atlantic đã đón khoảng 6 triệu lượt khách mỗi năm và là “chị cả” của gần chục “cô em” hàng không khác trên toàn thế giới. Số lượng hành khách khổng lồ không chỉ bù đắp cho chi phí đầu tư dịch vụ mà còn tạo ra khoản lãi hời cho hãng. Giữa bóng đen của cuộc khủng hoảng kinh tế, khi đối thủ cạnh tranh British Airways liên tục kêu gào thua lỗ, thì Virgin Atlantic lại hồ hởi thông báo lợi nhuận tăng gấp đôi từ cuối năm 2008 đến hết tháng 2 năm nay với doanh thu gần 2,850 tỷ Bảng. Sự tăng trưởng này còn có thể tiếp diễn vì những người vốn chuộng vé hạng sang của hãng khác sẽ lượng túi tiền để chuyển sang Virgin bởi dịch vụ hoàn hảo với nhiều mức giá phong phú.

Jackson Mahr, giám đốc công ty tư vấn thương hiệu nổi tiếng Anh Quốc Kodimedia nói rằng, tuy đã nhạt phai nhiều, nhưng tiền thân Virgin vẫn là một thương hiệu một thời từng hết mình ủng hộ phong trào tự do của giới trẻ, đáp ứng mọi nhu cầu nổi loạn của giới thanh niên và chống lại thói độc quyền. Thương hiệu đó có nguồn gốc hippy mà biểu tượng (brand icon) quan trọng nhất chính là Richard Branson.

“Sự nghiệp là vô kể, nhưng ta là độc nhất”

Your business is not unique, but you are” – câu nói nổi tiếng đó của Richard Branson thể hiện đúng bản chất của gã hippy biết sống hết mình. Người ta thấy gã ở khắp nơi, diện quần bò, áo sơ mi hở cổ đầy khêu gợi. Mái tóc vàng bồng bềnh, đôi mắt tinh quái và bộ râu chờm cằm thỉnh thoảng mới được tỉa tót khiến gã chẳng khác nào một tay rocker phong trần thích chơi ngông. Nụ cười khiêu khích thường trực trên môi, nhất là khi gã chơi trò giả gái trong buổi khai trương, treo mình lơ lửng tại buổi họp báo hoặc nhởn nhơ lướt sóng với một cô người mẫu khỏa thân quắp chặt sau lưng. Những trò gây sốc đó chẳng thấm vào đâu so với sở thích chu du mạo hiểm để lập kỷ lục của Richard.

Năm 1986, lần đầu tiên gã lập kỷ lục vượt Đại Tây dương trên chiếc tàu siêu tốc độ “Virgin Atlantic Challenger II” chỉ với 2 giờ đồng hồ. Một năm sau, trên chiếc khinh khí cầu khổng lồ “Virgin Atlantic Flyer” gã lại trở thành người đầu tiên bay qua đại dương này với vận tốc kỷ lục 209km/h. Đến năm 1991, vận tốc này đã đạt mức 394km/h khi Richard bay qua Thái Bình Dương. Những năm sau đó gã liên tục lập kỳ tích khắp năm châu bốn biển. Nào vòng quanh thế giới bằng khinh khí cầu, nào vượt biển Manche bằng xe lội nước đủ cả…

Không biết vô tình hay hữu ý, nhưng lối sống đó đã tạo cho gã một thương hiệu có một không hai, đến mức năm 1999, nữ hoàng Anh đã phong cho gã tước hiệu Hiệp sĩ bởi những đóng góp quan trọng trong kinh doanh và quảng bá hình ảnh nước Anh ra toàn thế giới. Qua tên tuổi của gã, Virgin được biết đến nhiều hơn bao giờ hết. Dấu ấn Virgin có trong hầu hết các chuyến hành trình của Branson, từ cái tên đến thông điệp về sự đi trước đón đầu, thể hiện qua những phương tiện tối tân mà gã sử dụng. “Thương hiệu là tất cả”, gã đã không ngần ngại tuyên bố điều đó.

Chưa dừng lại, Richard đang tìm cách thực hiện những điều ước xa xỉ hơn bằng các kế hoạch kinh doanh thần kỳ. Tàu SpaceShipTwo, đứa con tinh thần giúp biến giấc mơ đưa con người du lịch khoảng không vũ trụ của Richard đã trở thành hiện thực. Dự án này đang trong giai đoạn hoàn tất, hứa hẹn sẽ khởi động vào năm 2009.

Dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, Virgin của Branson cũng tìm cách khai thác mọi khoái cảm của con người và đánh trúng vào tâm lý đó để kiếm tiền. Nó ấn tượng đến mức nhiều người quên mất Virgin là một thương hiệu. Đối với họ, đó là một “người” chịu chơi, sành điệu nhưng thân thiện và rất ổn để bắt đầu một tình bạn. “Con người” đó giống hệt Richard Branson.

Điệp Trần

Box:

Có hai mẩu chuyện về Branson như thế này:

Câu chuyện thứ nhất: Khi Branson còn trẻ, gã đã được người bà 99 tuổi của mình khuyên đọc “A brief story of time” của Stenphen Hawking để suy nghĩ về cuộc sống. Cuốn sách bàn về hố đen nhưng bên trong ẩn chứa nhiều điều hơn thế. Đó là thông điệp về giá trị cuộc sống: “bạn chỉ có một cuộc đời, hãy tận dụng nó tốt nhất”. Câu nói này đã thay đổi cuộc đời Branson và đến tận bây giờ, gã vẫn “tận dụng” cuộc đời của mình một cách hoàn hảo.

Câu chuyện thứ hai: Lúc mới thành lập Virgin Atlantic Airlines, Frieddie Laker – người chủ đầu tiên của hãng hàng không giá rẻ Laker Airlines đã nói với Branson: “Cậu chưa bao giờ đủ lực để đánh đu với British Airways về quảng cáo. Vì vậy, hãy lăn xả và sử dụng chính mình làm vũ khí”. Biết Frieddie từng bị British Airways cài bẫy và làm cho phá sản, Branson rất hiểu điều đó. Nghe theo lời khuyên của bạn, gã đã làm ra vẻ ngu ngốc, sống phớt đời và lấy chính mình để quảng bá cho Virgin Atlantic.

Thật ra, những mẩu chuyện kia đều được báo chí viện dẫn để lý giải lối sống của Branson. Nhưng xét cho cùng, độ chính xác của chúng đến mức nào không ai biết rõ. Người cả tin thì nghĩ đó là sự thật, nhưng những người hiểu Branson biết rõ gã là ai. Một kẻ dám nghĩ, dám làm và nổi loạn ngay từ trong trứng nước như gã liệu có thay đổi cuộc đời chỉ bằng một cuốn sách? Một kẻ sẵn tính chịu chơi, liều lĩnh và quá nhạy cảm liệu có đợi đến lúc nhận lời khuyên từ một người bạn mới nhìn ra lối sống phiêu lưu sẽ quảng bá cho thương hiệu của mình? Nhưng dù đúng hay sai, gã vẫn để những câu chuyện đó tồn tại. Bởi lẽ, những kỷ lục, những cú sốc hay những câu chuyện truyền tai nhau….tất cả sẽ vẽ nên bức chân dung về gã.

TRƯỜNG ART: CUỘC CHIẾN NỘI TÂM CŨNG CÓ ĐIỂM GIỐNG NHỮNG TRÁI BOM

Nhiều người nói rằng, triển lãm sắp đặt “Bom” của nghệ sĩ trẻ Phạm Văn Trường (Trường Art) ngày 24/3 tại Trung tâm nghệ thuật Việt (Vietart Centre) 42 Yết Kiêu gây ấn tượng về sự đau đớn, nhưng với tác giả, đó chỉ là một cuộc chiến nội tâm xuất phát từ tình yêu và niềm tin với những người bên kia thế giới.

Đến với nghệ thuật đương đại khá lâu, nhưng phải đến năm 2008, người ta mới biết đến cái tên Phạm Văn Trường (Trường Art) khi tác phẩm “Những dấu hỏi” của anh đoạt giải Nhất trong cuộc thi Tài năng nghệ thuật trình diễn do quỹ trao đổi và phát triển văn hóa Việt Nam – Đan Mạch tổ chức. Từ ấy đến nay, Trường art trở thành một cái tên không mới trong giới nghệ sĩ trình diễn đương đại Hà Nội.

Người ta nói nhiều đến anh. Hay có, dở có, nhưng nhiều nhất là chuyện anh đã từng vào bệnh viện Tâm thần. Chẳng phải vì kỳ thị gì bởi ai cũng biết lúc bình thường Trường là người điềm tĩnh và thường bị “chê” là già trước tuổi bởi những câu nói chiêm nghiệm. Đọc những gì anh viết trên blog cá nhân, biết những gì anh đã làm, nhìn những gì anh đạt được là đủ hiểu. Có thể, Trường chỉ đơn giản là người sống nội tâm.

Đáng lẽ, triển lãm “Bom” phải được tổ chức vào năm 2009 nhưng đã bị trì hoãn do tác giả phải vào viện Tâm thần ngay trước ngày khai mạc. Lý do: không quan trọng. Chỉ biết rằng, lần này “Bom” của anh đã không lỡ hẹn.

Tác phẩm của Trường là 60m2 kín đặc những vuông gương bị đập vỡ, nhiều mảnh vãi sơn đỏ như thể vệt máu. Với một kết cấu hình chữ U vững chắc, bên trong thò ra, thụt vào, “Bom” tạo ấn tượng rõ nết về không gian nhiều chiều với ấn tượng thị giác khá đặc biệt. Nhiệm vụ của người xem là…nhìn vào gương để nhận diện khuôn mặt của chính mình qua những mảnh vỡ. Đó là những hình ảnh bị bóp méo, vặn vẹo trong các “vệt máu” để từ đó gợi mở thông điệp về lẽ sống.

Buổi triển lãm sắp đặt "Bom" của Trường

Tôi luôn cố gắng tìm hiểu thế giới quan theo cách của mình

- Dường như Trường của “những dấu hỏi” (2008) với những băn khoăn ngơ ngác về thế giới đã nhường chỗ cho một Trường chững chạc gửi gắm triết lý sống trong “Bom”. Thời gian qua, triết lý về nghệ thuật và cuộc sống của anh đã thay đổi như thế nào?

“Những dấu hỏi” mà tôi đã đoạt giải chỉ là một phần nhỏ trong dự án “Những dấu hỏi” lớn hơn sẽ được hoàn thiện trong tương lai của tôi thôi. Thực ra, tôi vốn là người luôn suy nghĩ về cuộc sống với nhiều chiêm nghiệm gửi gắm qua những ý tưởng và “Bom” là một trong số ấy. Tôi luôn cố gắng tìm hiểu thế giới quan theo cách của mình. Đó là một trong những lý do dẫn dắt tôi vào viện tâm thần lần 2 vào năm 2009.

Sự thật là hai năm qua triết lý sống của tôi vẫn vậy, chỉ có cuộc sống là nhiều thay đổi, đã biết biến ý tưởng và ước mơ thành hiện thực. Vì thế, nói tôi chững chạc lên có phần đúng, phần cũng chưa đúng.

- Triết lý trong “Bom” có phải là kết quả từ quá trình đối mặt với nỗi đau gia đình của anh?

Không. “Bom” xuất phát từ tình yêu và niềm tin chứ không phải đối mặt với nỗi đau. Khi tìm hiểu thế giới quan theo cách của mình, tôi đã linh cảm được nhiều điều khác thường, một trong những điều đó là khả năng giao tiếp với người âm. Trong gia đình tôi có bà và ông trẻ bị mất bởi bom đều rất yêu mến và giúp đỡ tôi. Sự mất mát trong đạn bom khiến tôi suy nghĩ về tình yêu.

Từ đó tôi ngẫm về cuộc sống và những cuộc chiến trong thâm tâm mà ai chiến thắng bản thân sẽ bùng nổ như những trái bom với sức công phá và lan tỏa mãnh liệt. Đây là một trong những thông điệp mới nằm trong tác phẩm có tên nghe khá cũ kĩ là “Bom”.

- Thông điệp này không giống của một người đã từng vào viện Tâm thần?

Sống trong viện Tâm thần đến lần thứ hai không có nghĩa là tôi bị điên được. Bản thân tôi cũng không cho là mình điên. Có thể tôi điên trong nghệ thuật, trong sáng tác nhưng cái điên đó là của sự thăng hoa chứ không phải là một biểu hiện bệnh lí. Việc tôi vào Viên Tâm thần thật ra là tôi đang đi tìm những lẽ sống. May là cuối cùng cũng có nơi mà tôi có thể tiếp nhận được các lẽ sống và các thông tin mà tôi mơ hồ. Việc này tôi chỉ có thể trả lời vào thời điểm này ngắn gọn như thế.

Biểu diễn thế nào là do ý niệm của tác phẩm quyết định

- Từ hội họa, anh chuyển sang trình diễn, giờ là sắp đặt. Có vẻ như anh muốn khám phá hết tất cả mảng miếng của nghệ thuật đương đại?

Đúng thế. Tôi vẫn làm sắp đặt, trình diễn và cả videoart…nhưng vì đã thành công trong mảng trình diễn rồi nên người ta cứ nghĩ đó là khả năng nổi trội nhất của tôi. Tôi đã học và tiếp cần với nhiều kỹ năng nghệ thuật. Việc sử dụng loại hình nghệ thuật nào để biểu hiện thì đó là do ý niệm của tác phẩm quyết định mà thôi.

Nếu để ý kĩ các tác phẩm trước đây của tôi sẽ thấy mỗi cái lại là những ý niệm mới với cách thể hiện khác nhau. Tôi muốn đưa đến công chúng cái nhìn về một nghệ sĩ có sức sáng tạo và luôn làm mới mình.

- Làm nghệ thuật đương đại nghèo lắm. Giờ anh sống bằng gì?

Công nhận là làm nghệ thuật đương đại nghèo, nhưng vì yêu thích sự sáng tạo nên tôi đã lựa chọn và dấn thân. Bây giờ tôi thỉnh thoáng dạy vẽ cho những bạn ôn thi mỹ thuật và cả những ai yêu nghệ thuật thực sự. Chỉ đủ để sống qua ngày thôi.

- Một ngày bình thường của anh như thế nào?

Sáng dậy là tôi bắt đầu suy nghĩ. Khi nảy ra ý tưởng hay tôi sẽ vun đúc nó lại... Và rồi lại phác thảo và ghi chép những ý tưởng mới. Tôi luôn dành thời gian để lên mạng cập nhật tin tức và xem xét diễn đàn mỹ thuật: www.mythuatvietnam.info mà tôi là thành viên ban quản trị. Kết thúc ngày luôn là sự mệt mỏi và nằm nghĩ một chút trước khi ngủ.

- Sau “Bom” sẽ là gì?

Sau “Bom” sẽ là... bí mật, tôi sẽ bật mí khi nào nó sắp diễn ra...

Điệp Trần (thực hiện)