“Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” của Tracy Chevalier là tiểu thuyết lấy cảm hứng từ những tác phẩm có thật của họa sĩ thiên tài người Hà Lan Johannes Vermeer (1632 – 1675). Câu chuyện kể về một tình yêu không lời bị nén chặt đan xen những cảm nhận tinh tế tuyệt vời của đôi mắt về màu sắc, dáng vẻ sinh động trên nền bức tranh nên thơ của thành phố Delft thế kỷ 17. Tuy nhiên, ít ai biết rằng có một thứ luôn song hành với tình yêu ấy và cũng chính nó chắp cánh cho vẻ đẹp, sự thăng hoa và cảm nhận cuộc sống của người họa sĩ. Đó chính là khung cửa sổ xưởng vẽ của Vermeer…
Câu chuyện mở ra bằng cuộc gặp gỡ giữa họa sĩ Vermeer và cô gái trẻ Griet khi ông cùng vợ đến nhà cô để tìm thuê người giúp việc. Nhìn cách Griet đặt những miếng rau trên đĩa sống động như một bảng màu, mối đồng cảm dấy lên trong lòng người họa sĩ từ lần đầu gặp mặt. Rồi cô thiếu nữ 16 tuổi trở thành hầu gái cho gia đình Vermeer. Bên cạnh việc giặt giữ, trông nom lũ trẻ thì nhiệm vụ quan trọng của cô là dọn dẹp xưởng họa. Trong căn nhà đầy ắp sự đố kị và và soi mói, cô hầu Griet tìm thấy một góc riêng yên bình bên những bức tranh dang dở nơi xưởng vẽ. Cũng tại căn gác đượm mùi “gắt và sạch của dầu lanh” với khung cửa chớp mở ra ánh sáng chan hòa ấy, tình yêu của cô lớn dần theo thời gian và nỗi trăn trở của ông chủ qua từng bức vẽ. Còn người họa sĩ, vốn đơn độc trong cuộc sống gia đình và dồn hết tình yêu thương cho hội họa chợt bừng tỉnh rung động trước cô hầu có khả năng cảm nhận màu sắc, ánh sáng, độ chính xác một cách tinh tế. Đó là một mối tình thầm lặng không nói thành lời. Nó âm thầm nảy nở từ sự đồng cảm ngọt ngào về tranh, qua những đụng chạm vô tình khi hai người bên nhau và rồi kết tinh thành bức họa “thiếu nữ đeo hoa ngọc trai”. Bằng văn phong trong sáng với những bước chuyển nhẹ nhàng, nữ nhà văn Tracy Chevalier đã vẽ nên một bức tranh tình yêu với tông màu trầm lắng và sâu sắc đến mức tờ Time phải thốt lên: “một cuốn tiểu thuyết như ngọc”.
Khung cửa sổ xưởng vẽ
Xưởng vẽ trên tầng áp mái của Vermeer là một căn phòng lớn nhưng ngăn nắp với dãy cửa sổ nơi số đồ gỗ ít ỏi được xếp đặt. Giá vẽ và cái ghế được đặt ở cửa sổ trước. Thêm một cái bàn đặt trước cửa sổ bên phải, còn lại là tủ đựng màu vẽ dựa gọn gàng vào bức tường đằng xa. Nó là một căn phòng không giống với tất cả những căn phòng còn lại của ngôi nhà và gần như thuộc về một nơi hoàn toàn khác. Khung cửa chớp trở thành vật hữu hình kết nối xưởng vẽ với thế giới bên ngoài. Vermeer ngắm cuộc đời từ ô cửa, và cũng từ đó, nắng tràn vào, tắm lên những khuôn mẫu một luồng sống mãnh liệt khiến sức sáng tạo của người họa sĩ thăng hoa.
Ánh sáng chiếu qua khung cửa giúp Vermeer phát hiện ra cái đẹp và tình yêu không lời. Đây là trường đoạn xảy ra khi đã 1 thời gian dài Vermeer chưa tìm được cảm hứng để bắt đầu bức họa mới: “ Tôi đang lau chiếc cửa số cuối cùng thì nghe tiếng ông bước vào. Tôi quay lại để nhìn ông qua vai mình, mắt mở to…“thưa ngài”…/“dừng lại”/tôi sững người…/“đứng yên”/…Ánh sáng chiếu vào nhìn trong trẻo/Ông vẫn đứng đằng sau tôi…/“Nhìn tôi qua vai lần nữa nào”/…. “Ánh sáng bây giờ rõ hơn” – tôi nói/ “Đúng rồi” – ông nói, “đúng rồi”/…sáng hôm sau cái bàn được di chuyển trở lại góc vẽ…/ Ông đã lại bắt đầu. Có lẽ, thời khắc ánh sáng thấm đẫm khuôn mặt Griet cũng chính là lúc tình yêu trong người họa sĩ thức tỉnh. Griet là cô gái luôn tìm cách giấu vẻ đẹp của mình trong chiếc mũ quấn dài che kín tóc, phủ lên khuôn mặt trăng rằm. Nhưng bất chấp điều đó, bên khung cửa sổ, tắm mình trong ánh nắng lung linh của Deflt, sắc đẹp ấy đã bị phát hiện. “Ông nhìn sự vật theo cách những người khác không nhìn thấy, nên thành phố nơi tôi đã sống cả đời ở đó trở thành một nơi khác lạ, nên một người đàn bà trở nên xinh đẹp khi ánh sáng chiếu lên khuôn mặt của cô ta.”, Griet thảng thốt nhận ra điều diệu kỳ trong đôi mắt của ông chủ.
Dường như ánh sáng mở đường cho Vermeer đi vào thế giới nội tâm con người. Đó có thể là sự điềm đạm trong “Thầy địa lý”, thói lẳng lơ của “Một quí bà và 2 quí ông” hay nét bâng khuâng ở “Người phụ nữ đọc thư”v.v…Bắt gặp vẻ đẹp trong những hành động vụn vặt, riêng tư rất đỗi đời thường, người họa sĩ đắm mình cảm nhận và để ánh sáng ngọt ngào từ khung cửa soi sáng từng nét cọ. Khi bắt đầu vẽ Griet, ông yêu cầu cô nhìn qua vai và hướng về phía cửa sổ. Cô buộc mắt mình nhìn vào mắt ông. Lúc ấy, khoái cảm mãnh liệt khiến cô “cảm thấy mình như đang cháy”, nhưng rồi Griet chợt hiểu: “Ông đang nhìn ánh sáng chiếu lên khuôn mặt tôi, chứ không phải nhìn vào chính khuôn mặt tôi. Khác nhau là ở đó”.
Thế giới của Vermeer là xưởng vẽ và khung cửa sổ là tấm gương phản chiếu tâm hồn nhân vật. Vì vậy, không ngạc nhiên khi một số lượng không nhỏ trong 35 họa phẩm còn lại của ông là những bức vẽ bên cửa sổ. Từ “Thiếu nữ bên chiếc bình”, “Cô gái vắt sữa” đến “Người phụ nữ với chiếc cân”, “Thầy địa lý”…đều mô tả cuộc sống sinh hoạt thường nhật của con người gần khung cửa. Những bức tranh ấy thường tỏa ra thứ ánh sáng dễ chịu, mà nhờ nó con người trong tranh của Vermeer trở nên sinh động lạ thường.
Thầy địa lý
Người phụ nữ đọc thư
Thiếu nữ bên chiếc bình
Bức tranh vẽ Griet có lẽ là tác phẩm tuyệt vời nhất làm toát lên vẻ sống động tinh tế ấy. Cô gái với đôi mắt mở to, đôi môi hé mở, ánh sáng chiếu qua khuôn mặt tinh khiết đến gợi dục trên nền bóng tối. Với tấm vải xanh cuốn quanh đầu, cô không giống một hầu gái cũng chẳng phải một tiểu thư. Nét đơn độc ẩn sâu trong đôi mắt đang nhìn ai giống như đang chờ đợi một điều mà cô không nghĩ là đến một lúc nào đó sẽ xảy ra. Ánh sáng như ngọc tỏa ra từ chiếc hoa tai khiến đôi mắt ấy sáng ngời da diết. Ôi, thứ ánh sáng chan hòa của Delft ẩn dấu trong viên ngọc đã tạo nên bức họa tuyệt trần của nàng Mona Lisa xứ Bắc Âu – “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai”.
Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai
Ở đó đôi mắt thiên tài ngắm nhìn cuộc sống
Delft thế kỷ 17 – nơi Johannes Vermeer đã sống phần lớn cuộc đời là một thành phố Hà Lan kiểu mẫu với hàng trăm dãy nhà gạch mái dốc màu đỏ len lỏi theo các con kênh dài và những công trình kiến trúc mang phong cách Baroque cổ xưa. Nơi đó có một bầu trời lúc bình minh “màu trắng đục sà xuống rất thấp trùm lên Delft như một tấm chăn” và khi mặt trời rực sáng, dòng kênh bổng trở thành “một tấm gương sáng trắng nhuốm màu xanh lá cây”. Nơi ở của họa sĩ nằm cuối một con phố chạy sát dòng kênh xanh biếc trong khu của những người Gia tô sùng kính chúa. Đó là một ngôi nhà gạch hai tầng thoáng đãng với phòng áp mái có nhiều cửa sổ. Trước nhà, ngọn tháp Nhà thờ mới trông rất rõ ở ngay phía bên kia con kênh, nơi có quảng trường lớn ồn ào và đông đúc.
Có lẽ, Vermeer đã dành nhiều thì giờ đứng bên khung cửa sổ áp mái để ngắm nhìn thành phố. Người ta nói, cửa sổ thường mang đến cảnh tượng ngoạn mục và nhìn cuộc đời qua ô cửa cũng giống như nhìn vào khung của một bức tranh. “Khung cảnh thành Delft” nói lên điều đó. Bầu trời sau cơn mưa huy hoàng rực rỡ. Ánh sáng chan hòa tràn ngập thành phố khiến đám mây mang mưa lùi xa. Nếu dãy nhà phía đằng xa đang vàng rực sưởi ấm trong ánh nắng thì ngọn tháp Nhà thờ mới ven dòng kênh vẫn u hoài dưới bóng râm của đám mây đen còn sót lại. Hai lớp tranh ấy tạo nên sự tương phản màu sắc hấp dẫn và tinh xảo. Nó chứng tỏ trình độ bậc thầy về bố cục, phối cảnh và biến hóa màu sắc trong mọi trường hợp, từ không gian nhỏ hẹp tới những bức phong cảnh có tầm nhìn rộng của Vermeer.
Con phố nhỏ
Bản thân Vermeer là một người trầm lắng. Mặc dù sinh ra trong một gia đình làm nghề kinh doanh nghệ thuật, song Vermeer chẳng thừa hưởng chút tính cách thương gia tinh quái nào của người cha. Ông là một họa sĩ được đánh giá cao và có uy tín nhưng hiếm khi kiếm tiền bằng đứa con tinh thần của mình. Khi ông mất, những bức tranh rơi vào quên lãng. Tuy vậy, số kiệt tác còn lại đã chứng tỏ trình độ thiên tài của Vermeer qua những tỉa tót cầu kỳ từng nét vẽ cũng như sự sắp xếp bố cục và ánh sáng biến ảo khôn lường.
Scarlett Johansson trong hình tượng của thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai
Với nhiều người, khung cảnh của Deflt trong cuốn tiểu thuyết của Tracy Chevalier dường như chỉ hiện ra thấp thoáng trên con đường Griet từ biệt gia đình để bắt đầu cuộc sống của một cô hầu. Nhưng thực ra vẻ đẹp của thành phố lại hiện lên trong từng trang viết, qua khung cửa và dưới con mắt diệu kỳ của họa sĩ thiên tài. Lần ấy, Vermeer muốn chỉ cho Griet cách tách từng màu sắc. ““Lại đây, Griet….-Nhìn ra ngoài cửa sổ đi”/Tôi nhìn ra. Đó là một ngày gió nhẹ, với những đám mây đang biến mất sau tháp chuông nhà thờ Mới./ - “Những đám mây đó màu gì?”/… “màu trắng ạ”/..- “Có đúng là màu trắng không?”/… - “Và màu xám nữa”…/ Ông nhè nhẹ lắc đầu/ - “Hãy nghĩ đến chuyện cô đã tách các màu trắng ra thế nào? Su hào và hành, chúng cùng trắng như nhau không?” /Bỗng dưng tôi hiểu ra/ “Nào, bây giờ cô nhìn thấy màu gì trong các đám mây?” / “Ở đó có màu xanh” - tôi nói sau khi nhìn ngắm vài phút…. “và cả màu vàng”…. “màu xanh lá cây nữa”/Ông cười ”. Có lẽ, với Vermeer mỗi giây phút bên khung cửa là khoảnh khắc ông tận hưởng thế giới tinh khôi để tách những lớp màu sinh động của thành phố quê hương. Đó là người bạn tri kỷ giúp ông cảm nhận cuộc sống, chắp cánh cho những sáng tạo và bắt gặp tình yêu của mình. Có thể là tình cảm với người thiếu nữ hay là sự mê đắm bất tận với hội họa?
Câu chuyện của 400 năm trước tại đất nước Bắc Âu tưởng chừng như xa xôi nhưng thực sự rất gần. Đã từ rất lâu con người tự giam mình trong những gian phòng kín và nhìn thế giới bằng con mắt ảo. Chỉ một lần kéo bức rèm kín và phóng tầm mắt nhìn cuộc sống, ta sẽ thấy những gì đẹp đẽ, tinh tế, sống động nhất xung quanh mình. Có thể lúc ấy, khung cửa sổ sẽ giúp đôi mắt phát hiện ra những thứ ta chưa từng thấy, cảm nhận những thứ ta chưa từng hiểu theo một cách riêng – để thấy rằng “màu trắng không chỉ đơn giản là màu trắng”. Đó có thể là khởi đầu của mọi thành công!
Điệp Trần
(tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật Tháng 11.2009)