Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

ĐỈNH CAO NGHỆ THUẬT SAU LỚP ÁO CÀ SA

Ít ai biết rằng, bên cạnh cuộc sống chay tịnh tưởng chừng rất khô khan, các vị sư tăng còn sở hữu một thế giới âm nhạc, vũ đạo sống động, đặc sắc và phức tạp tới mức để đạt được nó, họ đã phải trau luyện không khác gì những nghệ nhân thực thụ.
Ảnh: Đoàn Kỳ Thanh
Đàn Mông Sơn tại Chùa Nền, Hà Nội diễn ra khi Rằm Tháng Bảy mới chỉ qua được mấy ngày (17 tháng Bảy - Kỷ Sửu). Đây là khoa cúng lớn và lâu đời của Phật Giáo để tỏ lòng kính Phật, hiếu thuận với tổ tiên, cha mẹ và cúng thí cho các vong hồn nơi địa phủ đồng thời cũng là nghi lễ thể hiện rõ nhất tinh hoa của nghệ thuật Phật giáo với những màn cúng tế vô cùng tinh thông và lôi cuốn.
Ảnh: Đoàn Kỳ Thanh
Sau lễ Thỉnh Phật và Dâng Lục cúng kéo dài suốt ban ngày, chập tối, Lễ Cầu siêu với màn “Chạy đàn Phá Ngục” theo tích “Mục Liên tầm mẫu” bắt đầu. Khi ấy, giữa tiếng nhạc réo rắt, trống phách rập ràng đệm cho câu canh tiếng kệ ngân nga đưa đẩy, một nhà sư đạo mạo đội mũ hoa sen, áo cà sa, tay cầm tích trượng, quấn theo dải khăn trắng dẫn đầu đoàn lễ cung kính diễu qua năm đàn tế tượng trưng cho năm cửa ngục nơi địa phủ. Tiết tấu bỗng thay đổi khi vị sư đứng trước một cửa ngục cùng hai đồng tử cầm đèn hoa đăng. Trống, kèn, não bạt, thanh la, tiu cảnh…lập tức rộn lên dồn dập, chuyển sang một khúc nhạc mau hoạt đầy tính vũ điệu. Vị sư tay bắt quyết múa lượn liên hồi, dứt khoát, chân di chuyển theo nhịp trống mõ, khi khoan khi nhặt như vẽ những chữ vô hình lên mặt đất. Khi hai đồng tử múa vòng quanh, tay nhà sư uyển chuyển múa lượn, miệng lầm rầm đọc thần chú giữa tiếng trống mõ vang lừng của đám thầy pháp. Bỗng ai đó hét lên “Phá cửa ngục!!!”, nhà sư tay cầm trượng múa lên chiếc bát úp dưới đất, dí đầu trượng vào đít bát, di trên mặt đất tựa hồ như viết những mật chú rồi bất thần chọc vỡ tan chiếc bát. “Khóa cửa ngục” coi như đã mở, nhà sư tiếp tục chọc thủng màng giấy trước đàn tượng trưng cho “cửa ngục”. Cứ thế, nghi thức lại tái diễn với các “cửa ngục” còn lại trên nền trống kèn bạo liệt không ngừng.
Ảnh: Công Khanh
“Phá ngục” chỉ là một phần trong Đàn Mông Sơn - nghi lễ hội tụ đầy đủ các làn điệu đặc trưng của vũ, nhạc nhà chùa. Ở đây, các thầy cúng và sư tăng đều thể hiện những phương pháp âm nhạc độc nhất vô nhị như Canh, kệ, Tụng, Thỉnh, Bạch, Tấu…. hay những chiêu bắt quyết, lướt chân và uốn cổ tay mềm dẻo như rồng bay phượng múa giữa âm điệu biến ảo của dàn lễ nhạc. Quả thực, âm nhạc Phật giáo đã vượt qua những rào cản tín ngưỡng để trở thành một loại hình nghệ thuật đặc sắc.
“Một thể loại âm nhạc thực thụ mang danh Phật Pháp”
Đó là nhận định của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền khi bàn về âm nhạc Phật Giáo. Anh cho rằng, việc chuyển hóa những giáo lý đồ sộ của nhà Phật thành lời ca với hệ thống âm điệu mang dấu vết dân ca bản địa là sự khôn ngoan của các nhà truyền giáo khi muốn thu phục lòng người. Ta có thể thấy âm màu của chèo, tuồng và nhiều thể loại dân ca khác trong các giọng nhạc của Phật Giáo.
Cũng theo anh Hiền, các nhà sư đã phát triển âm nhạc nhà chùa thành một hệ thống giọng điệu phong phú như Xướng lễ (man mác, tha thiết); Tụng (đọc kinh có nhịp điệu); Thỉnh (nói - hát kinh với âm vực rộng); Bạch (nhẩn nha, bình thản); Tấu (nhịp đọc sớ ngân nga); Chú (thầm thì, nhanh); Kệ (điệu hát – kể trường hơi); Canh (dàn trải, chậm dãi với nhiều đoạn i..a..kéo dài tối đa) v.v... Những phương pháp âm nhạc chuẩn mực chứng tỏ trình độ nghệ thuật bậc thầy của âm nhạc nơi cửa thiền.
Ảnh: Đoàn Kỳ Thanh
Sự đồ sộ với hơn 350 nghi lễ Phật giáo có xuất hiện âm nhạc và múa cho phép sư tăng đưa kỹ xảo diễn đạt biểu tượng tới mức tinh luyện. Chỉ riêng ý nghĩa của chuỗi động tác thủ ấn (bắt quyết) trong nghi thức múa đã vô cùng tinh tế. Hai bàn tay biểu tượng cho thế giới nhị nguyên, còn mười ngón tay được ví như thập giới. Vì vậy mỗi thế tay đều tượng trưng cho sự biến ảo giữa các giới với nhau trong tiểu vũ trụ tâm linh. Đó là chưa kể đến kỹ thuật di chuyển chân nhẹ như không trên mặt đất hết sức uyển chuyển, linh hoạt. Pháp sư múa càng dẻo, nhanh, phức tạp, sức hút và “tính thiêng” của đàn lễ càng mạnh.
Chỉ một câu “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát” các vị sư có thể ngâm nga đến gần 10 phút, còn những bài kinh kệ, thán thì kéo dài khôn cùng. Thử tưởng tượng, để phục vụ cho một đàn Mông Sơn hoàn chỉnh diễn ra trong 7 ngày không ngừng nghỉ với hàng trăm câu tụng, thán cùng diễn xướng, vũ đạo, các vị sư tăng, thầy cúng phải có nội lực cao sâu đến nhường nào?
Sư tăng, thầy cúng – những nghệ nhân cổ nhạc thực sự
Pháp sư, thầy cúng đồng hành trong các lễ cúng (ảnh: Đoàn Kỳ Thanh)
Đẳng cấp trình diễn của nhà sư, thầy cúng được thể hiện ở độ vang, sâu, đều nhưng biểu cảm, giọng khỏe, dai sức để thực hiện những đàn cúng lớn, kéo dài. Muốn vậy, các vị sư phải trải qua quá trình khổ luyện lâu dài với nhiều kỹ thuật ém hơi phức tạp. Thực tế, những kỹ thuật này không chỉ bắt nguồn từ giới các nhà sư mà còn được đóng góp bởi các nghệ nhân cổ nhạc ngoài dân gian. Nếu trong chùa lưu truyền chiêu ém hơi đẩy lên vòm xoang mũi để tạo giọng đều và tiết kiệm hơi, thì kỹ thuật vận hơi nén bằng cơ bụng nhằm tăng tính biểu cảm với lực “tận thổ can tràng” lại được học từ nghệ nhân dân gian. Nhiều trường hợp kỹ thuật âm điệu, vũ đạo trong chùa bị thất truyền, các sư lại tìm học từ thầy cúng bên ngoài. Đó là mối quan hệ khăng khít và gắn bó đã có từ ngàn đời.
Ảnh: Đoàn Kỳ Thanh
Anh Vũ Duy Sinh, một thầy pháp lâu năm với ít nhất ba đời lưu nghiệp cho biết, mặc dù cúng bái ở điện Tứ phủ thờ mẫu nhưng một thầy cúng khi đạt đến trình độ nhất định sẽ được phép hành lễ tại các Trai đàn của Phật Giáo như một vị tăng.“Bản thân tôi đã theo cha học nghề từ năm 9 tuổi nên hiểu đây là một pháp môn rất kỳ công. Vừa luyện chữ Hán, thuộc kinh, kệ, lại thêm luyện thanh, trống mõ, múa, bắt quyết…đâu phải ai cũng làm được. Vì thế, mỗi khi cần lập đàn, các sư thường cầu viện đến thầy cúng. Ba đời nhà tôi sống được cũng nhờ lẽ đó”, anh Sinh tâm sự.
Điều này cũng được nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền xác nhận. Anh cho biết, từ bao đời nay, đội thầy pháp và giới sư sãi đã trở thành một “đối tác chuyên nghiệp” trong thực hành nghi lễ chung nhất. Với thầy cúng, đó là một nghề, còn đối với nhà sư, đó là các kỹ năng cần thiết gắn liền với những nghi thức trọng đại của cuộc sống tu hành./.
Điệp Trần
(TTVH ngày 11.9.09)

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Nghệ nhân chế tác đàn Rơchâm Ti’h: DÂN CA CỦA NGƯỜI JARAI MÃI MÃI ĂN VÀO MÁU NGƯỜI JARAI


Khi đời sống hiện đại phủ khắp Tây Nguyên cũng là lúc những nét văn hóa cổ truyền của các tộc người nơi đây có phần lung lay và suy giảm. Hát nhạc mới thay vì dân ca, chơi nhạc tây thay vì những nhạc cụ cổ truyền đơn sơ mộc mạc, giới trẻ đã dần quên đi những nét đẹp và giá trị trường tồn của dân tộc mình. Di sản của cha ông giờ chỉ còn được ít người tận tâm lưu giữ. Nghệ nhân chế tác nhạc cụ cổ truyền người Jarai Rơchâm Ti’h là một trong số ấy. Để hiểu rõ hơn những tản mạn về giá trị cổ nhạc của dân tộc Jarai, PV đã có cuộc trò chuyện cùng anh.

NGƯỜI LƯU GIỮ TINH HOA CHẦU VĂN ĐẤT HÀ THÀNH



Khuôn mặt rạng ngời, râu tóc trắng, vóc dáng phương phi với giọng trầm vang hào sảng, ít ai nghĩ được một cụ ông 90 tuổi lại có được thần thái tinh anh như thế. Trong giới nghề, cụ Kha được coi là một trong những cung văn đại thụ, người nắm giữ không ít tinh hoa chầu văn đất Hà Thành.

Danh cầm Kim Sinh: DÒNG ĐỜI LÀ NHỮNG CUỘC HỘI NGỘ


Có lẽ, trong âm nhạc cổ truyền, ít ai có khả năng điêu luyện nhiều loại nhạc cụ như danh cầm Kim Sinh.  Với ông, cuộc đời không hẳn là đạt được thành tựu này, thành công nọ mà còn là những mối thâm tình thú vị với những tri kỷ có cùng tình yêu với cổ nhạc Việt.

Nghệ nhân Lê Bá Cao TRÚC DẪU CHÁY, ĐỐT NGAY VẪN THẲNG



Có người lên đồng, bảo cung văn phải hát bài Cây trúc xinh. Thấy vậy tôi dựng đàn đi luôn, không hát nữa. Bởi tôi hát phục vụ thánh, chứ không phục vụ những yêu cầu nhố nhăng như thế”, cung văn lão thành Lê Bá Cao khẳng khái.

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Nghệ sĩ ưu tú Đoàn Thanh Bình: KHI CUỘC ĐỜI LÀ NHỮNG “CHUYẾN ĐI”!


Khởi nghiệp bằng Tuồng, thành danh ở Chèo, lúc luống tuổi lại thử thách với Ca trù. Với NSƯT Đoàn Thanh Bình, cuộc đời luôn là sự vận động, giống như những “chuyến đi” để trải nghiệm mong thỏa mãn nỗi đam mê và gắn bó với âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ: Mộng tơ đồng còn mãi



Đến thăm ông vào một buổi chiều muộn. Chập tối, cái nhập nhoạng, ủ rũ của miền quê những tưởng được thể tràn về, song tiếng đàn văng vẳng đâu đây lại khiến lòng người ấm lại. Hóa ra, nhấp hớp trà tráng miệng sau bữa cơm chiều, ông lại lần dở cây đàn đáy, gẩy vài đoạn thân thương để nhớ về một chút xa xưa hoài niệm trong quá khứ. Tiếc nuối về những cây đàn đã mất, nhưng ông có biết đâu, chính mình đã là hóa thân thành một cây đàn. Tinh hoa chất chứa trong con người nghệ nhân đã đưa ông đến trình độ xuất thần, để hễ chạm vào bất kỳ cây đàn đáy nào cũng hiện ra hồn cốt ca trù và cả cái thần cổ nhạc tinh túy. Ông là Nguyễn Phú Đẹ - danh cầm đàn đáy còn sót lại của thế kỷ trước.