Bên cạnh cuốn sổ liên lạc, các mạng xã hội và diễn đàn trên internet (forum) đã trở thành là một kênh hữu dụng giúp các trường mẫu giáo tư thục giao lưu với những bậc phụ huynh thời @.
“Chị Giang ơi, dạo này Nhím đến trường toàn ngủ đúng không chị? Ở nhà dạo này cứ cho sang bà nội chơi y như rằng lúc về là con thức đến 12 giờ mới ngủ, sáng ra bố mẹ bế cho cô đưa đi học vẫn còn đang gà gật...”, bà mẹ trẻ có nickname Tamata trên diễn đànwww.webtretho.com lo lắng hỏi thăm trên topic của trường mẫu giáo nơi con mình theo học. Chỉ vài tiếng sau, câu trả lời đã được giáo viên của trường đưa lên diễn đàn này.
Forum – quảng bá và kết nối
Với nhiều người, forum - các diễn đàn trên mạng không còn là một từ ngữ xa lạ. Thực tế, việc giao lưu qua kênh này đang trở nên phổ biến và là một mô hình mở giúp liên kết mọi người có chung sở thích, trong đó có các diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ như www.webtretho.com ,www.lamchame.com , diendan.yeutretho.com. Bên cạnh việc thảo luận các vấn đề liên quan đến chăm sóc con cái, tại đây luôn có những chủ đề nói về nhu cầu tìm trường cho con của phụ huynh. Thậm chí, để chiều lòng các bà mẹ diễn đàn www.webtretho.com đã dành hẳn những mục (box) riêng giúp những mọi người tìm kiếm nơi học tập cho con cái mình. Các trường tư thục, nhất là bậc mầm non và tiểu học không bỏ lỡ cơ hội này. Họ lập các chủ đề (topic) về trường, thông qua đó vừa quảng cáo vừa giao lưu với các phụ huynh.
Thạc sĩ Ngô Thanh Giang, giám đốc Trường mầm non tư thục Bee’daycare cho biết, “Mọi người đều thấy yên tâm và dễ chịu khi chính giám đốc trường trực tiếp theo dõi topic, lại nhớ mặt, nhớ tên, nhớ tính cách của con mình”. Chị cho biết thêm, bản thân trường cũng có forum riêng và coi kênh này quan trọng không kém gì sổ liên lạc giữa gia đình và nhà trường.
Thông thường, bên cạnh trao đổi, các trường tư thục rất “chịu khó” đưa hình ảnh, thực đơn và lịch sinh hoạt của các cháu lên mạng để các mẹ được biết và trao đổi. Tuy nhiên, cũng vì công bố quá nhiều thông tin như vậy nên các chủ topic phải “đối mặt” với những câu hỏi khó và đôi khi là ý kiến phàn nàn công khai. Tuy nhiên, ý kiến hai chiều phần nào giúp phụ huynh phân loại trường cho con mình. “Những tâm sự về trường lớp và giáo viên của con giúp tôi hiểu chất lượng của trường sâu sát hơn rất nhiều so với thông tin một chiều trên những tờ quảng cáo”, ý kiến của chị Nguyễn Minh Nguyệt, 30 tuổi, thành viên của www.webtretho là thí dụ.
Vẫn còn lạ lẫm
Dù internet đã phát triển mạnh tại Việt Nam, nhưng không phải bà mẹ nào cũng chịu khó lên các diễn đàn tìm hiểu. Phần vì họ không biết và cũng không có thời gian. Vì vậy, cách trao đổi trực tiếp với giáo viên về con cái mình được đặt lên hàng đầu.
Nguyễn Minh Khánh, giáo viên trường Mầm non công lập Họa My, Hàng Lược (Hoàn Kiếm) cho biết ngoài “vở bé chăm ngoan” (một dạng sổ liên lạc) chị chỉ trao đổi với phụ huynh vào những giờ đón, thả trẻ hoặc qua điện thoại. “Rõ ràng, việc quảng bá trường trên internet thì trường tư thục làm tốt hơn công lập. Tuy nhiên, để chọn trường cho con, các phụ huynh nên thâm nhập thực tế ngôi trường”, chị Khánh nhận xét.
Cũng phải nói rằng, phụ huynh thường chỉ tìm đến các trường tư thục khi hồ sơ gửi mẫu giáo công lập của con mình bị từ chối hoặc một vài nguyên nhân khác. Thông thường, khi con mình đã “ấm chỗ” tại một trường mẫu giáo, các phụ huynh thường có tâm lý... tự an tâm về chất lượng của trường nên lơ là kiểm soát.
Dù sao, khi sức ép quá tải tại các trường mầm non công lập ngày càng nặng thì việc lên internet và truy cập vào các diễn đàn sẽ giúp không ít các bà mẹ trẻ tìm được trường ưng ý cho con cái mình mà không phải chịu cảnh chờ đợi hàng tiếng đồng hồ chỉ để xin cho con vào trường công.
Điệp Trần