Đến với nghệ thuật đương đại khá lâu, nhưng phải đến năm 2008, người ta mới biết đến cái tên Phạm Văn Trường (Trường Art) khi tác phẩm “Những dấu hỏi” của anh đoạt giải Nhất trong cuộc thi Tài năng nghệ thuật trình diễn do quỹ trao đổi và phát triển văn hóa Việt Nam – Đan Mạch tổ chức. Từ ấy đến nay, Trường art trở thành một cái tên không mới trong giới nghệ sĩ trình diễn đương đại Hà Nội.
Người ta nói nhiều đến anh. Hay có, dở có, nhưng nhiều nhất là chuyện anh đã từng vào bệnh viện Tâm thần. Chẳng phải vì kỳ thị gì bởi ai cũng biết lúc bình thường Trường là người điềm tĩnh và thường bị “chê” là già trước tuổi bởi những câu nói chiêm nghiệm. Đọc những gì anh viết trên blog cá nhân, biết những gì anh đã làm, nhìn những gì anh đạt được là đủ hiểu. Có thể, Trường chỉ đơn giản là người sống nội tâm.
Đáng lẽ, triển lãm “Bom” phải được tổ chức vào năm 2009 nhưng đã bị trì hoãn do tác giả phải vào viện Tâm thần ngay trước ngày khai mạc. Lý do: không quan trọng. Chỉ biết rằng, lần này “Bom” của anh đã không lỡ hẹn.
Tác phẩm của Trường là 60m2 kín đặc những vuông gương bị đập vỡ, nhiều mảnh vãi sơn đỏ như thể vệt máu. Với một kết cấu hình chữ U vững chắc, bên trong thò ra, thụt vào, “Bom” tạo ấn tượng rõ nết về không gian nhiều chiều với ấn tượng thị giác khá đặc biệt. Nhiệm vụ của người xem là…nhìn vào gương để nhận diện khuôn mặt của chính mình qua những mảnh vỡ. Đó là những hình ảnh bị bóp méo, vặn vẹo trong các “vệt máu” để từ đó gợi mở thông điệp về lẽ sống.
Buổi triển lãm sắp đặt "Bom" của Trường
Tôi luôn cố gắng tìm hiểu thế giới quan theo cách của mình
- Dường như Trường của “những dấu hỏi” (2008) với những băn khoăn ngơ ngác về thế giới đã nhường chỗ cho một Trường chững chạc gửi gắm triết lý sống trong “Bom”. Thời gian qua, triết lý về nghệ thuật và cuộc sống của anh đã thay đổi như thế nào?
“Những dấu hỏi” mà tôi đã đoạt giải chỉ là một phần nhỏ trong dự án “Những dấu hỏi” lớn hơn sẽ được hoàn thiện trong tương lai của tôi thôi. Thực ra, tôi vốn là người luôn suy nghĩ về cuộc sống với nhiều chiêm nghiệm gửi gắm qua những ý tưởng và “Bom” là một trong số ấy. Tôi luôn cố gắng tìm hiểu thế giới quan theo cách của mình. Đó là một trong những lý do dẫn dắt tôi vào viện tâm thần lần 2 vào năm 2009.
Sự thật là hai năm qua triết lý sống của tôi vẫn vậy, chỉ có cuộc sống là nhiều thay đổi, đã biết biến ý tưởng và ước mơ thành hiện thực. Vì thế, nói tôi chững chạc lên có phần đúng, phần cũng chưa đúng.
- Triết lý trong “Bom” có phải là kết quả từ quá trình đối mặt với nỗi đau gia đình của anh?
Không. “Bom” xuất phát từ tình yêu và niềm tin chứ không phải đối mặt với nỗi đau. Khi tìm hiểu thế giới quan theo cách của mình, tôi đã linh cảm được nhiều điều khác thường, một trong những điều đó là khả năng giao tiếp với người âm. Trong gia đình tôi có bà và ông trẻ bị mất bởi bom đều rất yêu mến và giúp đỡ tôi. Sự mất mát trong đạn bom khiến tôi suy nghĩ về tình yêu.
Từ đó tôi ngẫm về cuộc sống và những cuộc chiến trong thâm tâm mà ai chiến thắng bản thân sẽ bùng nổ như những trái bom với sức công phá và lan tỏa mãnh liệt. Đây là một trong những thông điệp mới nằm trong tác phẩm có tên nghe khá cũ kĩ là “Bom”.
- Thông điệp này không giống của một người đã từng vào viện Tâm thần?
Sống trong viện Tâm thần đến lần thứ hai không có nghĩa là tôi bị điên được. Bản thân tôi cũng không cho là mình điên. Có thể tôi điên trong nghệ thuật, trong sáng tác nhưng cái điên đó là của sự thăng hoa chứ không phải là một biểu hiện bệnh lí. Việc tôi vào Viên Tâm thần thật ra là tôi đang đi tìm những lẽ sống. May là cuối cùng cũng có nơi mà tôi có thể tiếp nhận được các lẽ sống và các thông tin mà tôi mơ hồ. Việc này tôi chỉ có thể trả lời vào thời điểm này ngắn gọn như thế.
Biểu diễn thế nào là do ý niệm của tác phẩm quyết định
- Từ hội họa, anh chuyển sang trình diễn, giờ là sắp đặt. Có vẻ như anh muốn khám phá hết tất cả mảng miếng của nghệ thuật đương đại?
Đúng thế. Tôi vẫn làm sắp đặt, trình diễn và cả videoart…nhưng vì đã thành công trong mảng trình diễn rồi nên người ta cứ nghĩ đó là khả năng nổi trội nhất của tôi. Tôi đã học và tiếp cần với nhiều kỹ năng nghệ thuật. Việc sử dụng loại hình nghệ thuật nào để biểu hiện thì đó là do ý niệm của tác phẩm quyết định mà thôi.
Nếu để ý kĩ các tác phẩm trước đây của tôi sẽ thấy mỗi cái lại là những ý niệm mới với cách thể hiện khác nhau. Tôi muốn đưa đến công chúng cái nhìn về một nghệ sĩ có sức sáng tạo và luôn làm mới mình.
- Làm nghệ thuật đương đại nghèo lắm. Giờ anh sống bằng gì?
Công nhận là làm nghệ thuật đương đại nghèo, nhưng vì yêu thích sự sáng tạo nên tôi đã lựa chọn và dấn thân. Bây giờ tôi thỉnh thoáng dạy vẽ cho những bạn ôn thi mỹ thuật và cả những ai yêu nghệ thuật thực sự. Chỉ đủ để sống qua ngày thôi.
- Một ngày bình thường của anh như thế nào?
Sáng dậy là tôi bắt đầu suy nghĩ. Khi nảy ra ý tưởng hay tôi sẽ vun đúc nó lại... Và rồi lại phác thảo và ghi chép những ý tưởng mới. Tôi luôn dành thời gian để lên mạng cập nhật tin tức và xem xét diễn đàn mỹ thuật: www.mythuatvietnam.info mà tôi là thành viên ban quản trị. Kết thúc ngày luôn là sự mệt mỏi và nằm nghĩ một chút trước khi ngủ.
- Sau “Bom” sẽ là gì?
Sau “Bom” sẽ là... bí mật, tôi sẽ bật mí khi nào nó sắp diễn ra...
Điệp Trần (thực hiện)