Bạn đã quá mệt mỏi với những chuyến bay đường dài ê người và tẻ ngắt? Bạn muốn thay đổi? Virgin có thể là sự lựa chọn hoàn hảo. Giữa một không gian dịu mát, sang trọng, bạn có thể ngả lưng trên ghế mát xa, thảnh thơi nghe nhạc, xem phim hay chơi games tùy thích. Cảm giác lâng lâng bay trên không như một tay thượng hạng khiến bạn tự hỏi: ai đã làm nên điều tuyệt diệu này? Câu trả lời là Richard Branson.
Thực ra Virgin không chỉ là một hãng hàng không mà là tập đoàn đa doanh vĩ đại với 250 công ty lớn nhỏ trên toàn thế giới, doanh thu hàng chục tỷ USD mỗi năm. Kinh doanh thì vô số, nhưng đáng kể nhất là lĩnh vực hàng không với những thương hiệu nổi tiếng như Virgin Atlantic, Virgin America, Virgin Blue, Virgin Sun…Tuy nhiên, điều đáng nói của Virgin không phải ở tầm vóc mà chính ở sự chịu chơi và cá tính độc nhất vô nhị, được gây dựng bởi ông chủ Richard Branson của nó.
Gã hippy bỏ học muốn trở nên giàu có
Sinh năm 1950, Richard Branson lớn lên khi phong trào hippy đang trở nên cực thịnh. Tuyên ngôn về tự do, những cô gái ngực trần hay kiểu sống lang thang du mục, quần hôn dường như chỉ là vỏ bọc cho một thế hệ đã quá chán ghét sự thực dụng và ác độc của loài người. Họ quay lưng lại với chiến tranh và sự hiện đại để trở về với cuộc sống bản năng tự nhiên. Gã trai 17 tuổi có cái tên Richard cũng trôi trong dòng chảy hoang dại ấy. Gã bỏ học để bắt đầu một cuộc sống mới. Nhưng thay vì đi lang thang, gã lại lặn lội từ ngoại ô lên
Sau 4 năm kiếm đủ với nghề làm báo, Richard lại dấn thân vào lĩnh vực thu âm. Năm 1972, “Virgin records” ra đời. Giới hippy một lần nữa lại phát cuồng lên bởi những bài ca thuộc hàng quái chiêu do Virgin Records trình làng. Album “Tubular Bells” của rocker huyền thoại Mike Oldfield đã đem về cho Richard khoản lợi nhuận khổng lồ khi bán được 5 triệu bản vào năm 1973. Virgin Records thậm chí còn dang tay đón cả ban nhạc rock Sex Pistols – thủ phạm gây ra sự kích động quái dị cho giới trẻ khiến các bậc phụ huynh phát hoảng một thời. Chỉ sau một thời gian ngắn, Virgin đã trở thành công ty bán lẻ đĩa nhạc đứng thứ ba ở Anh với chuỗi 16 cửa hàng và làm mưa làm gió lĩnh vực giải trí xứ sương mù.
Âm nhạc đã mang tên tuổi của Virgin lan rộng, nhưng để bay xa và bay cao, Richard Branson quyết định lấn sang lĩnh vực hàng không. Sự đầu tư quá lớn và mạo hiểm trong khi chưa hề có chút kinh nghiệm buộc người ta phải đặt câu hỏi: Liệu gã đang để tình cảm che mờ lý trí? Richard thản nhiên trả lời: “nếu không như vậy, anh đừng hòng có thể kinh doanh tốt. Lý do duy nhất để làm mọi thứ là nghe theo trái tim, chứ không phải là cái đầu.” Quả vậy. Năm 1984, quả tim của gã hippy biến giấc mơ trở thành hiện thực khi Virgin Atlantic Airlines ra đời.
Virgin
Thách thức lớn của Virgin Atlantic là phải vượt qua cái bóng của ông lớn British Airways bành trướng bấy lâu. Vậy chìa khóa là ở đâu? Chính là “con người”.
Bản thân cái tên “Virgin” (trinh nữ) đã hàm chứa sự khiêu khích, tươi mới và bản năng. Branson muốn mọi người nhìn nhận Virgin như một con người, từ dáng vẻ bên ngoài đến tính cách bên trong. Đó là một cô gái với mái tóc vàng rực, thân hình bốc lửa trong chiếc áo tắm liền thân đỏ thắm, tay vẫy khăn và kéo theo mình lá cờ Anh Quốc. Hình ảnh của cô xuất hiện trên thân máy bay một cách đầy quyến rũ. Có người nói, logo của Virgin giống một chữ ký hơn là dấu hiệu nhận biết của một tập đoàn.
Bí quyết của Virgin Atlantic là sự chịu chơi và tâm lý. Dù ở bất cứ hạng vé nào, hãng cũng đem lại cho hành khách của mình dịch vụ thượng hạng. Từ trang bị tivi, tích hợp tính năng nghe nhạc, chơi games cho tất cả chỗ ngồi ở hạng “bình dân” đến bộ ghế mát xa sang trọng tại khoang hạng trung đều tạo cảm giác vô cùng thoải mái. Đặc biệt, khách hạng sang của Virgin được tiếp đãi chẳng khác gì tại một khách sạn 5 sao hàng đầu thế giới. Dãy cabin hình cánh cung tiện nghi, thoáng đãng giữa một không gian vô cùng khoa học với sắc xanh dịu nhẹ khiến chuyến bay vốn nặng nề trở nên nhẹ bẫng. Hành khách có thể tán gẫu tại các quầy bar trên máy bay và truy cập internet bất kỳ lúc nào họ muốn. Đồ ăn tuyệt hảo, còn các tiếp viên luôn đầy sức sống trong bộ đồng phục đỏ và nụ cười duyên dáng. Dường như, Virgin đã xóa bỏ toàn bộ cảm giác tù túng của một chuyến bay bình thường.
Sự đổi mới không bao giờ ngừng nghỉ. Năm 1990, hãng bắt đầu sử dụng tuabin phản lực cho máy bay của mình. Năm 2002, Virgin Atlantic trở thành hãng đầu tiên sử dụng máy bay dân dụng dài nhất thế giới Airbus A340 – 600. Năm 2008, việc lần đầu đưa nhiên liệu sinh học vào động cơ phản lực lại khiến tên tuổi của Virgin vang xa.
Bên cạnh dịch vụ hoàn hảo và tối tân, Virgin Atlantic còn xây dựng một hình ảnh truyền thông vô cùng độc đáo. Từ logo, slogan đến hình ảnh quảng cáo đều nói lên sự nóng bỏng, hiện đại và quan tâm đặc biệt đến cảm giác của khách hàng. Năm 2009, slogan “Still red hot for 25 years” (Vẫn nóng bỏng sau 25 năm) cùng những cô gái Virgin đồng phục đỏ, tóc vàng óng mượt tự tin sải bước tiếp tục thu hút hàng triệu người.
Từ một chiếc máy bay đi thuê ban đầu, Virgin Atlantic nhanh chóng đạt ngưỡng 1 triệu khách vài năm sau đó. Mọi chuyện càng trở nên sáng sủa khi Branson quyết định bán toàn bộ Virgin Records Group cho tập đoàn Thorn – EMI với giá 1 tỷ USD để đầu tư cho hãng máy báy của mình năm 1992. Đến nay Virgin Atlantic đã đón khoảng 6 triệu lượt khách mỗi năm và là “chị cả” của gần chục “cô em” hàng không khác trên toàn thế giới. Số lượng hành khách khổng lồ không chỉ bù đắp cho chi phí đầu tư dịch vụ mà còn tạo ra khoản lãi hời cho hãng. Giữa bóng đen của cuộc khủng hoảng kinh tế, khi đối thủ cạnh tranh British Airways liên tục kêu gào thua lỗ, thì Virgin Atlantic lại hồ hởi thông báo lợi nhuận tăng gấp đôi từ cuối năm 2008 đến hết tháng 2 năm nay với doanh thu gần 2,850 tỷ Bảng. Sự tăng trưởng này còn có thể tiếp diễn vì những người vốn chuộng vé hạng sang của hãng khác sẽ lượng túi tiền để chuyển sang Virgin bởi dịch vụ hoàn hảo với nhiều mức giá phong phú.
Jackson Mahr, giám đốc công ty tư vấn thương hiệu nổi tiếng Anh Quốc Kodimedia nói rằng, tuy đã nhạt phai nhiều, nhưng tiền thân Virgin vẫn là một thương hiệu một thời từng hết mình ủng hộ phong trào tự do của giới trẻ, đáp ứng mọi nhu cầu nổi loạn của giới thanh niên và chống lại thói độc quyền. Thương hiệu đó có nguồn gốc hippy mà biểu tượng (brand icon) quan trọng nhất chính là Richard Branson.
“Sự nghiệp là vô kể, nhưng ta là độc nhất”
“Your business is not unique, but you are” – câu nói nổi tiếng đó của Richard Branson thể hiện đúng bản chất của gã hippy biết sống hết mình. Người ta thấy gã ở khắp nơi, diện quần bò, áo sơ mi hở cổ đầy khêu gợi. Mái tóc vàng bồng bềnh, đôi mắt tinh quái và bộ râu chờm cằm thỉnh thoảng mới được tỉa tót khiến gã chẳng khác nào một tay rocker phong trần thích chơi ngông. Nụ cười khiêu khích thường trực trên môi, nhất là khi gã chơi trò giả gái trong buổi khai trương, treo mình lơ lửng tại buổi họp báo hoặc nhởn nhơ lướt sóng với một cô người mẫu khỏa thân quắp chặt sau lưng. Những trò gây sốc đó chẳng thấm vào đâu so với sở thích chu du mạo hiểm để lập kỷ lục của Richard.
Năm 1986, lần đầu tiên gã lập kỷ lục vượt Đại Tây dương trên chiếc tàu siêu tốc độ “Virgin Atlantic Challenger II” chỉ với 2 giờ đồng hồ. Một năm sau, trên chiếc khinh khí cầu khổng lồ “Virgin Atlantic Flyer” gã lại trở thành người đầu tiên bay qua đại dương này với vận tốc kỷ lục 209km/h. Đến năm 1991, vận tốc này đã đạt mức 394km/h khi Richard bay qua Thái Bình Dương. Những năm sau đó gã liên tục lập kỳ tích khắp năm châu bốn biển. Nào vòng quanh thế giới bằng khinh khí cầu, nào vượt biển Manche bằng xe lội nước đủ cả…
Không biết vô tình hay hữu ý, nhưng lối sống đó đã tạo cho gã một thương hiệu có một không hai, đến mức năm 1999, nữ hoàng Anh đã phong cho gã tước hiệu Hiệp sĩ bởi những đóng góp quan trọng trong kinh doanh và quảng bá hình ảnh nước Anh ra toàn thế giới. Qua tên tuổi của gã, Virgin được biết đến nhiều hơn bao giờ hết. Dấu ấn Virgin có trong hầu hết các chuyến hành trình của Branson, từ cái tên đến thông điệp về sự đi trước đón đầu, thể hiện qua những phương tiện tối tân mà gã sử dụng. “Thương hiệu là tất cả”, gã đã không ngần ngại tuyên bố điều đó.
Chưa dừng lại, Richard đang tìm cách thực hiện những điều ước xa xỉ hơn bằng các kế hoạch kinh doanh thần kỳ. Tàu SpaceShipTwo, đứa con tinh thần giúp biến giấc mơ đưa con người du lịch khoảng không vũ trụ của Richard đã trở thành hiện thực. Dự án này đang trong giai đoạn hoàn tất, hứa hẹn sẽ khởi động vào năm 2009.
Dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, Virgin của Branson cũng tìm cách khai thác mọi khoái cảm của con người và đánh trúng vào tâm lý đó để kiếm tiền. Nó ấn tượng đến mức nhiều người quên mất Virgin là một thương hiệu. Đối với họ, đó là một “người” chịu chơi, sành điệu nhưng thân thiện và rất ổn để bắt đầu một tình bạn. “Con người” đó giống hệt Richard Branson.
Điệp Trần
Box:
Có hai mẩu chuyện về Branson như thế này:
Câu chuyện thứ nhất: Khi Branson còn trẻ, gã đã được người bà 99 tuổi của mình khuyên đọc “A brief story of time” của Stenphen Hawking để suy nghĩ về cuộc sống. Cuốn sách bàn về hố đen nhưng bên trong ẩn chứa nhiều điều hơn thế. Đó là thông điệp về giá trị cuộc sống: “bạn chỉ có một cuộc đời, hãy tận dụng nó tốt nhất”. Câu nói này đã thay đổi cuộc đời Branson và đến tận bây giờ, gã vẫn “tận dụng” cuộc đời của mình một cách hoàn hảo.
Câu chuyện thứ hai: Lúc mới thành lập Virgin Atlantic Airlines, Frieddie Laker – người chủ đầu tiên của hãng hàng không giá rẻ Laker Airlines đã nói với Branson: “Cậu chưa bao giờ đủ lực để đánh đu với British Airways về quảng cáo. Vì vậy, hãy lăn xả và sử dụng chính mình làm vũ khí”. Biết Frieddie từng bị British Airways cài bẫy và làm cho phá sản, Branson rất hiểu điều đó. Nghe theo lời khuyên của bạn, gã đã làm ra vẻ ngu ngốc, sống phớt đời và lấy chính mình để quảng bá cho Virgin Atlantic.
Thật ra, những mẩu chuyện kia đều được báo chí viện dẫn để lý giải lối sống của Branson. Nhưng xét cho cùng, độ chính xác của chúng đến mức nào không ai biết rõ. Người cả tin thì nghĩ đó là sự thật, nhưng những người hiểu Branson biết rõ gã là ai. Một kẻ dám nghĩ, dám làm và nổi loạn ngay từ trong trứng nước như gã liệu có thay đổi cuộc đời chỉ bằng một cuốn sách? Một kẻ sẵn tính chịu chơi, liều lĩnh và quá nhạy cảm liệu có đợi đến lúc nhận lời khuyên từ một người bạn mới nhìn ra lối sống phiêu lưu sẽ quảng bá cho thương hiệu của mình? Nhưng dù đúng hay sai, gã vẫn để những câu chuyện đó tồn tại. Bởi lẽ, những kỷ lục, những cú sốc hay những câu chuyện truyền tai nhau….tất cả sẽ vẽ nên bức chân dung về gã.