Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

CỔ NHẠC VẮNG HỌC TRÒ “CHÂN TRUYỀN”

Nghệ nhân hát văn Đào Thị Sại nay đã gần trăm tuổi
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền từng đưa ra công thức n - 1,.., n -9, n -10…” để nói đến sự suy giảm của vốn cổ nhạc truyền lại sau mỗi lớp học trò hiện nay. Nếu ta chỉ đặt ra một chỉ tiêu ngắn mà không thực sự có học trò chân truyền, những người là mắt xích kế tục thế hệ trước thì tinh hoa cổ nhạc sẽ dần bị suy giảm, biến mất hoặc…biến thái.
Những học trò “ngắn hạn”
Thế nào là những học trò “ngắn hạn”? Đó là những người tham gia các khóa học do những nghệ nhân dân gian hướng dẫn tại một số học viện, viện âm nhạc, trường đại học. Nhưng đa phần các khóa học đều dừng lại ở mục đích: giới thiệu, quảng bá và tôn vinh nghệ thuật mà các cụ tinh thông.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu đã không ít lần đến giới thiệu nghệ thuật Xẩm tại nhạc viện hay viện âm nhạc trong thời gian ngắn. Danh cầm cổ nhạc Kim sinh cũng nằm trong số ấy. Cụ Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ từng tham gia giảng dạy khóa học ca trù tại Thái Bình trong 2 tháng…
Thực tế, cũng có những dự án truyền dạy nghiêm túc có tài trợ nhằm thu hút học viên, nhưng khi hết tiền thì việc truyền dạy cũng ngừng lại hoặc hoạt động cầm chừng. Dự án mở lớp truyền dạy của CLB Ca trù Thăng Long được Quĩ Ford tài trợ trong hai năm. Đến nay, các đào nương trẻ của nhóm vẫn hoạt động, song khi các em ra trường và bước vào đời, có ai dám chắc vốn ca trù các em có được đủ để theo nghề tổ? Còn CLB Quan họ Đặng Xá, sau khi hết tiền tài trợ, nhóm đành chuyển sang hình thức “học hè” miễn phí để thu hút lớp trẻ yêu quan họ. Hình thức “tự vận động” này phổ biến ở hầu hết các làng có lưu giữ vốn cổ nhạc như Ca trù Chanh Thôn, làng tuồng Dương Cốc (Hà Tây cũ), làng chèo An Phú (Thái Bình)…nhưng cũng chỉ ở mức phong trào.
Cũng bởi các hoạt động chỉ dừng lại ở mục đích “phổ cập” nên đến giờ các cụ vẫn chưa thực sự truyền nghề được cho ai. Nếu chỉ lưu truyền qua băng đĩa, liệu các ngón nghề và sự linh hoạt, biến đổi khôn lương của các kỹ nghệ cổ nhạc có còn nguyên vẹn. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền từng khẳng định, sự kế nghiệp của các nghệ nhân chỉ thành công khi có những “học trò chân truyền”.
Làm thế nào để có những học trò chân truyền?
Cũng theo anh Hiền, những lớp học trò có được khả năng kế cận nghệ nhân hiện nay đều do nỗ lực của bản thân họ. Hiện, ở một số nơi, khi thấy học trò mình đã đạt đến một trình độ nào đấy, người thầy sẽ chủ động đề xuất với họ để truyền thụ các ngón nghề. Tuy nhiên, người học trò lúc này phải lựa chọn giữa làm kinh tế và theo đuổi nghiệp cầm ca.
Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu đến nay vẫn không có truyền nhân
Thực tế, cũng có vài ý kiến đề xuất liên quan đến việc xây dựng đội ngũ kế cận cho cổ nhạc. PGS.TS. Vũ Nhật Thăng cho biết, hình thức truyền nghề cổ nhạc trong gia đình có vai trò quan trọng bậc nhất. Theo ông, “chính nhờ cách truyền nghề này mà cổ nhạc vẫn tồn tại tới ngày nay và còn giữ được các giá trị truyền thống”. Thậm chí, ý tưởng về một “Học viện ca trù” chuyên đào tạo chuyên sâu cho những người yêu cổ nhạc cũng được nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan ủng hộ. Tuy nhiên, học viện đó vẫn còn ở dạng ý tưởng.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng hiền lại cho rằng, vấn đề mấu chốt ở đây là đầu ra cho những người đi học. Họ có thấy tương lai sán lạn mới hứng thú theo nghề. Tuy nhiên, anh cũng khẳng định, tạo một môi trường cổ nhạc là một nhiệm vụ rất “vĩ mô”. Nếu như chỉ trích một khoản rất nhỏ từ tiền xây “nhà hát” hoặc “khu du lịch” văn hóa cổ truyền…để đầu tư thỏa đáng cho chính các “báu vật sống” và học trò của họ thì nguy cơ không có truyền nhân của cổ nhạc không đến nỗi bi đát như hiện nay.
Dù sao, chúng ta vẫn phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, đến nay rất ít học trò chân truyền. Chủ yếu là do họ tự học, tự yêu thích và đôi khi là tự hi sinh kinh tế để theo được những nghệ nhân này. Nhưng ai nói trước được rằng, khi sự canh tranh kinh tế ngày các khốc liệt, những đam mê sẽ dần mất đi?
Điệp Trần
Đăng trên Thời Nay ngày 16/12/2010