Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

Chủ nhiệm CLB Quan họ Đặng Xá Nguyễn Thị Kim Quýnh: “CHÚNG TÔI KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG VIẾT DỰ ÁN XIN TÀI TRỢ”

Chị Nguyễn Thị Kim Quýnh (bên phải) và chị Nguyễn Thị Y là
hai liền chị trụ cột của làng Đặng Xá

Quan họ Đặng Xá là một trong số ít những làng có phong trào lưu giữ phục hồi quan họ cổ được đánh giá cao tại tỉnh Bắc Ninh. Đây cũng là nhóm nghệ nhân hiếm hoi từng được Quỹ Ford tài trợ cho dự án truyền dạy quan họ cổ cho lớp trẻ trong làng. Đến 9/2009, Quĩ Ford tạm biệt Hà Nội về Mỹ. Dù vẫn cam kết vẫn tiếp tục tài trợ cho các hoạt động khoa học, xã hội và nhân đạo tại Việt Nam nhưng cánh cửa để các nghệ nhân tiếp cận nguồn hỗ trợ dường như đã đóng lại.
Không còn tài trợ, thời gian qua quan họ Đặng Xá đã duy trì hoạt động của lớp truyền dạy ra sao? Tương lai của việc truyền dạy này sẽ như thế nào? Những thắc mắc sẽ được giải đáp qua cuộc trò chuyện cùng chủ nhiệm CLB Quan họ Đặng Xá Nguyễn Thị Kim Quýnh.
- Thưa chị, được biết thời gian trước, quan họ làng Đặng đã được quĩ Ford tài trợ cho một dự án truyền dạy quan họ cổ cho lớp trẻ. Chị có thể cho biết thông tin về dự án này?
- Dự án này được thực hiện nhằm thu hút các cháu nhỏ trong làng quan tâm hơn đến quan họ và từ đó xây dựng thế hệ kế cận cho các liền anh, liền chị nay tuổi đã lớn. Khóa học của chúng tôi lúc đầu có 40 cháu, sau loại dần còn 20 cháu để tập trung truyền dạy. Theo cam kết tài trợ, dự án này đã kéo dài từ năm 2008 đến 2009.
- Theo chị tiêu chí nào để đánh giá một khóa học truyền dạy là thành công?
- Quan họ Đặng Xá luôn xác định hướng hoạt động là bảo tồn nguyên vẹn quan họ cổ nhiều nhất có thể. Vì vậy, đối với chúng tôi, một khóa học thành công là các cháu biết cách ứng xử quan họ, lối chơi quan họ, yêu thích và say xưa học quan họ nguyên gốc của cha ông. Cái thứ nữa là thuộc một số bài quan họ cổ dưới sự dẫn dắt của các nghệ nhân.
- Đến nay, tài trợ đã hết. Liệu còn sức hút nào kéo các em tới lớp truyền dạy quan họ?
- Không có tài trợ thì mình đành tự dạy, tự học. Cứ đến hè, lớp lại mở. Thường thì chúng tôi phải đi tìm các cháu, nhưng nhiều cháu biết có mở lớp là chúng lại đến đăng ký học ngay. Con cháu trong nhà của các liền anh, liền chị cũng được vận động theo học.
- Sau lớp truyền dạy của Quỹ Ford, quan họ làng Đặng có thêm những mầm non quan họ nào không, thưa chị?
- Sau khóa học, chúng tôi có được 3 thành viên nhỏ, hát quan họ khá tốt. Nhưng giờ các cháu đều phải đi học xa nên không có điều kiện hoạt động thường xuyên. Để hát được như các liền anh, liền chị hiện nay, các cháu cần phải được đào tạo chuyên sâu hơn nữa. Trước mắt, chúng tôi đang dạy chính con cháu trong nhà. Như con dâu tôi đã hát vững từ lâu và nay đang truyền lại cho con gái mình.
- Ngoài các khóa học hè truyền dạy, CLB làng Đặng sinh hoạt quan họ thế nào?
- Chúng tôi không có lịch hoạt động cụ thể mà sinh hoạt theo tính dân gian, không theo nguyên tắc. Các anh hai, chị hai cứ nhàn rỗi lại tập trung tại nhà tôi để học và ôn luyện với nhau về kỹ thuật hát. Có lúc, hầu như ngày nào cũng sinh hoạt hát quan họ. Hiện, chúng tôi còn có ý tưởng dạy quan họ cho hội phụ nữ và đoàn thanh niên nhưng chưa biết có cơ sở nào giúp đỡ về kinh phí để mở lớp.
- Chị đã xin được dự án của Quỹ Ford, chắc chắn sẽ có kinh nghiệm để xin dự án từ những nguồn khác
- Đợt tài trợ lần rồi, do có một số nhà nghiên cứu đề xuất xin quỹ Ford nên chúng tôi phải nhờ đơn vị kết nghĩa là công ty CP Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt viết hồ sơ giúp. Mình làm một việc để giữ quan họ thì không tiếc công, tiếc sức, nhưng để viết được thành dự án xin chỗ nọ chỗ kia cũng khó. Chúng tôi không có khả năng viết dự án xin tài trợ và cũng không biết xin ở đâu?
- Từ khi Quan họ được UNESCO công nhận, quan họ làng Đặng đã được hỗ trợ gì chưa, thưa chị?
- Chúng tôi có nhận được giấy khen của UBND tỉnh công nhận những đóng góp trong bảo tồn quan họ. Từ bấy đến nay chưa thấy có hỗ trợ gì. Chúng tôi nhận sự quan tâm chủ yếu là từ chính quyền tại thôn. Trưởng thôn, bí thư rất chú trọng và quan tâm đến hoạt động của CLB.
- Hay là tại vì người ta đang tập trung xây nhà hát quan họ.
- Tôi không dám đánh giá vấn đề này. Có thể vì tỉnh muốn lấy Đoàn Quan họ làm chủ công cho quan họ Bắc Ninh nên tập trung đầu tư vào nhà hát. Theo quan điểm của tôi, xây dựng nhà hát có thể là nhu cầu cần thiết, nhưng rõ ràng, trong dân thiếu một nền móng và những lớp kế cận bảo tồn quan họ. Phong trào quan họ vốn là từ trong lòng dân, nền móng từ dân mà ra.
- Xin cám ơn chị./.
Điệp Trần (thực hiện)
Đăng trên Thời Nay ngày 12/12/2010