Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

Đào nương Phạm Thị Huệ: “CA TRÙ ĐÃ ĐƯỢC TIẾP LỬA”


Ngay khi Ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được khẩn cấp ngày 1/10/2008, Văn hóa đã có cuộc trò chuyện với đào nương kiêm đào đàn Phạm Thị Huệ, chủ nhiệm CLB Ca trù Thăng Long, người cùng hai nghệ nhân lão thành Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ đã có những đóng góp không nhỏ vào việc lưu truyền và bảo tồn vốn cổ ca trù.

đào nương kiêm đào đàn Phạm Thị Huệ trong một buổi diễn (ảnh Công Khanh)

Tin vui tới tấp báo về, Ca trù nối tiếp Quan họ được UNESCO công nhận, ai cũng lấy làm khấp khởi và tự hào. Tôi bắt máy gọi ngay cho chị Phạm Thị Huệ để báo tin vui. Nghe giọng chị có thể cảm thấy nụ cười rạng rỡ bên kia đầu dây: “Tôi biết tin này từ trưa. Cả nhóm đã mong tin này từ lâu. Hồi được Hội đồng xây dựng hồ sơ ca trù mời tham gia cộng tác, ai nấy đều nuôi hi vọng. Giờ đã trở thành hiện thực rồi! Thật không biết tả sao cho hết niềm vui!”.

Câu lạc bộ (CLB) ca trù Thăng Long do chị Huệ cùng hai người thầy của mình là nghệ nhân lão cao niên Nguyễn Thị Chúc và Nguyễn Phú Đẹ thành lập cách đây hơn 3 năm, được nhiều người biết tiếng. Bởi lẽ, CLB là nơi đầu tiên phục dựng hình thức Hát cửa đình và đào tạo thành công nhóm ca nương trẻ rất triển vọng tại Hà Nội. Thành quả này không phải ai cũng đạt được.

Có lẽ trong làng ca trù Hà Nội, Ca trù Thăng Long là nhóm hoạt động năng nổ nhất. Bên cạnh lịch sinh hoạt, giới thiệu và dạy trống chầu cho những người yêu mến cổ nhạc mỗi tối thứ Sáu hàng tuần, cứ vào Thứ Bảy đầu tiên của tháng, nhóm lại biểu diễn ca trù theo lối Hát cửa đình miễn phí tại đình Cống Vị (Ngõ 518, Đội Cấn)[*].

- Từ trước tới nay, việc truyền dạy ca trù cho lớp trẻ đã được nhiều nơi thực hiện song không mấy thành công vì đây là một nghệ thuật rất khó. Nhưng ca trù Thăng Long đã làm được điều đó. Bí quyết của chị và hai bậc tiền bối Nguyễn Thị Chúc và Nguyễn Phú Đẹ là gì?

Theo tôi, bí quyết chính là ở thời gian và sự tâm huyết với nghề dưới sự dìu dắt của những người thầy giỏi. Ca trù Thăng Long may mắn có được những điều đó. Nhóm đào nương của chúng tôi tuy ít người nhưng đã theo ca trù trường kỳ được hai năm nên đều có cơ bản và bắt đầu đào luyện những kỹ thuật khó của ca trù. Ngoài ra, các em hoàn toàn được truyền dạy theo phương pháp truyền miệng từ những bậc thầy ca trù kỳ tài như nghệ nhân đào nương Nguyễn Thị Chúc và nghệ nhân kép đàn Nguyễn Phú Đẹ. Bản thân tôi đã từng có nhiều cơ hội học hỏi âm nhạc cổ truyền từ nghệ nhân, nên cũng rút ra phương pháp giúp các em bóc tách những kỹ thuật khó trong âm luật ca trù để dễ dàng nắm bắt thể loại âm nhạc rất phức tạp này.

- Việc giúp các đào nương trẻ tiếp cận ca trù đã khó, làm thế nào để họ giữ lấy nghiệp cầm ca trong tương lai (chứ không dừng lại ở mức phong trào) còn khó hơn. Chắc hẳn nhóm đã suy nghĩ về điều này?

Chúng tôi thực sự đã suy nghĩ rất nhiều. Trước mắt, do các em đều đang đi học nên tôi và các thầy của mình thường cố gắng dạy dỗ và truyền tâm huyết với vốn cổ cho đào nương trẻ để sau này các em sẽ yêu mến và giữ gìn ca trù như một sự nghiệp của đời mình. Tôi nghĩ, khi đã theo ca trù đến bây giờ, chắc hẳn các em cũng đã hiểu phần nào gian truân lẫn nhiệt huyết của nghiệp ca nương, kép đàn.

Tái dựng nghi thức hát cửa đình của CLB Ca trù Thăng Long (ảnh: Công Khanh)

- Là nhóm ca trù đầu tiên phục dựng hình thức Hát cửa đình lại sinh hoạt miễn phí, chị có quyết tâm duy trì thành quả của mình hay sẽ tìm hướng thương mại hóa?

Cổ nhạc không thể bảo tồn bằng hô hào, ca nương, kép đàn không thể chỉ hít thở không khí để lưu nghiệp ca trù. Nếu sau này vì cuộc sống mà họ phải làm nghề khác thì uổng lắm. Vì thế, tôi nghĩ nếu ca trù được đưa vào tuyến du lịch văn hóa của thủ đô sẽ là một tín hiệu rất tốt. Đó sẽ làm tiền đề giúp chúng tôi thực hiện nhiệm vụ hàng đầu của mình là lưu truyền và bảo tồn ca trù Hà Nội.

Tuy nhiên, dù theo hướng nào thì mục đích ban đầu của CLB sẽ không thay đổi. Đó là biểu diễn miễn phí định kỳ hàng tháng và tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ tái dựng nghi thức hát thờ ở cửa đình.

- Ca trù Thăng Long đã hoạt động được 3 năm nhưng ngoài quĩ Ford và một số nhà hảo tâm, dường như nhóm chưa nhận được sự hỗ trợ nào về mặt kinh tế?

Cũng gần như vậy. Ngoài quĩ Ford (đã tài trợ năm 2007 - 2008) còn có học bổng Odon Vallet của Pháp dành cho những bạn trẻ bảo tồn truyền thống mỗi năm một lần. Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình nhưng thầm lặng của các cá nhân yêu cổ nhạc trong suốt thời gian qua. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới Hội văn nghệ dân gian Việt Nam đã công nhận Ca trù Thăng Long là địa chỉ văn hóa tại Hà Nội. Rất mong trong tương lai, những nhóm ca trù như chúng tôi sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan có chức năng.

- Ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp không chỉ là tin vui của cả nước mà còn là mang đến hi vọng mới cho các nhóm như Ca Trù Thăng Long. Điều chị và nhóm mong mỏi nhất bây giờ là gì?

Được UNESCO công nhận nghĩa là ca trù đã được tiếp lửa bởi lẽ, được tôn vinh nghĩa là được để tâm. Tôi rất mong nhà nước sẽ quan tâm đặc biệt tới những người đã có nghề, như các nghệ nhân lão thành hay những người trẻ đang đeo đuổi cổ nhạc như chúng tôi. Trước mắt phải giữ được cái gốc rồi từ đó mới giúp ca trù lan tỏa.

Ngoài ra, nếu ở Việt Nam xuất hiện một học viện ca trù có chức năng gần giống với giáo phường xưa là bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy và biểu diễn thì mọi chuyện sẽ khá hơn. Ở không gian đó, di sản diễn xướng sẽ được lắng đọng trong những kỹ sảo, vốn nghề của các nghệ nhân lão thành truyền lại cho con cháu hoàn toàn theo phương pháp truyền miệng. Những người trẻ muốn tìm hiểu hoặc nghe ca trù cũng có thể tìm đến đây. Tuy nhiên, mô hình lớn như vậy chỉ có nhà nước hoặc tổ chức lớn mới gánh vác được. Hi vọng, ước mơ này sẽ thành hiện thực trước khi các nghệ nhân lão thành cuối cùng khuất núi.

Sắp tới, nếu ổn định, chúng tôi rất mong có thể tổ chức lễ mở xiêm y cho các đào nương trẻ để các em có thể “ra nghề” theo đúng nghi thức của ông cha ta. Lúc ấy, 3 thế hệ của Ca trù Thăng Long ít nhiều sẽ được hưởng chút ít không khí giáo phường xưa.

- Xin cám ơn chị!

Điệp Trần (thực hiện)


[*] Rất tiếc, khi bài viết vừa được hoàn thành, đình Cống Vị đã không cho phép CLB sinh hoạt với lý do chưa xin phép UBND Phường. Mặc dù cách đây 1 năm, khi bắt đầu hoạt động, CLB đã có giấy phép đệ trình đầy đủ, bao gồm cả giấy chứng nhận địa chỉ văn hóa của Hội Văn hóa nghệ thuật dân gian. CLB tạm thời rút về hoạt động tại số 40 ngõ 32 Khương Trung, chi tiết xin xem www.catruthanglong.com