Đó là hiện trạng của ngôi đình Mường cổ gần 500 năm tuổi tại xóm Ngòi, xã Sủ Ngòi (thị xã Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), ngôi đình hiếm hoi còn giữ lại những nét kiến trúc nguyên thủy của tộc người Mường tại Hòa Bình mà đoàn khảo sát đến từ Công ty CP Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt nhận thấy.
Đình Mường cổ đã bị dột nát quá nhiều
Các cột trụ nghiêng ngả chờ sập
Đình Ngòi thờ Tam vị Đại vương Thượng Đẳng thần Tản viên Sơn Thánh, một trong số đó là Thánh Tản Viên (người Mường ở Hòa Bình gọi là Thánh Đản), một trong tứ bất tử của người Việt cổ. Đây cũng là vị thần được tôn sùng tại các vùng Mường cổ quanh chân núi Tản. Ngoài ra, trong đình còn thờ Thành hoàng Làng và Sơn thần thổ địa.
Lúc đầu, đình vốn được dựng đơn sơ, tranh tre nứa lá, kèo cột đều bằng gỗ thường, mái lợp gianh. Theo các cụ trong làng kể lại, năm 1938, có ông Bá Nhất, một thương gia khá giả uy tín trong vùng đã đầu tư xây dựng lại ngôi đình. Từ đó, đình được dựng lại khang trang với nhiều cột trụ làm từ gỗ quí hiếm. Đình gồm 3 gian, hai chái, với bốn hàng chân cột với 8 cột cái, 16 cột quân. Cột cái cao 4,9m, đường kính 35cm, cột quân cao 3,35m, đường kính 30cm. Các cột đều được bào tròn, dưới chân kê đá tảng tạo hình hạ vuông thượng tròn, biểu trưng cho trời và đất. Hoạ tiết trang trí trên các thanh xà theo lối đục chạm bong kênh hình hoa lá, văn mây và hình đầu nghé. Các đầu dư chạm hình đầu rồng.
Trạm khắc đầu rồng trên xà ngang của đình
Điểm đặc trưng của đình Ngòi cũng như những đình Mường khác là các ban thờ lửng. Theo kể lại, chính giữa đình vốn có một ban thờ lửng cao 2m gọi là Cung Sở đặt 3 ngai thờ tam vị Thánh Tản Viên. Hai bên tả hữu đều có ban thờ dựng lửng, là nơi để bát hương vong thờ các ông chức sắc, chủ từ ở làng. Các ban thờ này đều mất tích cùng với sắc song, ngai rồng, kiệu, cờ súy lọng vàng trong thời kỳ loạn lạc. Sau đó, dân làng đã dựng lại một ban thời mới đặt ở gian giữa của đình. Hiện vật duy nhất còn sót lại của đình cổ là hòm đựng sắc phong mất nắp, dài 50cm, rộng 15cm.
Ông Nguyễn Hồng Minh, 72 tuổi, lão làng của Xóm Ngòi cho biết: “Trước đây, lễ hội xóm Ngòi to lắm, xuyên hai ngày mùng 8, mùng 9 hàng năm. Mùng 8 rước nước, mùng 9 rước vía lúa. Nhưng từ sau năm loạn lạc 1954 đến nay, làng không còn lễ hội nữa. Năm 1993, cũng có một đợt sửa sang lại đình, nhưng vì lễ hội không còn, cũng chẳng ai chăm nom nên đến giờ đình mục nát cả.”
Vị trí của các ban thờ lửng giờ chỉ là một khoảng trống
Gian thờ lửng tại đình Ngòi
Điều may mắn cho đình Ngòi là đến nay không gian của đình chưa bị xâm hại. Khu đất rộng 2000m2 thuộc đình vẫn còn nguyên. Tuy nhiên, đình Ngòi đã lâm vào tình trạng xập xệ. Mái ngói đã bị tróc, dột nát và sụp hẳn gian giữa và một bên mái. Đặc biệt, hiên trái của đình kèo đã hỏng và mục hẳn. Bề mặt ban thờ bị mối mọt ăn trở nên mục ruỗng. Ngay cả hiện vật cổ là hòm đựng sắc phong cũng long tróc.
Nếu không có những cây gỗ chống đỡ này, đình Ngòi đã sụp đổ từ lâu
Mái ngói ở gian giữa đã bị sập hoàn toàn
Ban thờ mục ruỗng với hòm đựng sắc phong đã bị bong tróc hết
Ông Phạm Đức Hân, giám đốc Công ty CP Bảo tồn di sản Văn hóa Việt, trưởng đoàn khảo sát cho biết, “trước khi đến đây, chúng tôi đã được nghe qua về tình trạng của ngôi đình. Song, khi đến tận nơi, chúng tôi mới nhận thấy việc trùng tu lại di tích này khó khăn thế nào. Bởi lẽ, toàn bộ công trình hầu như đã quá sập xệ. Đề ra phương án trùng tu nào vừa giữ được nét cổ, lại vừa đảm bảo công trình có thể đứng vững trong hàng chục năm tới quả là một thách thức đối với đoàn khảo sát chúng tôi”
Đoàn khảo sát đang làm việc với dân xóm Ngòi
Ông Hân cho biết thêm, Đình Ngòi tuy đã bị hư hỏng gần như toàn bộ, song những dấu vết để lại như các hoa văn trạm gỗ, chân đá, cột trụ đều rất giá trị.
Năm 2009, Phòng Văn hóa Thể thao, Du lịch thị xã Hòa Bình đã bắt đầu triển khai kế hoạch xây dựng dự án trùng tu di tích đình Ngòi và cho phép Công ty CP Bảo tồn di sản Văn hóa Việt thực hiện những khảo sát bước đầu tại khu di tích này.
Điệp Trần
Ảnh: Viet C.H.P
(Nhân dân cuối tuần 2.09)