Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

QUAN HỌ “CHÁY LIỀN ANH”


Cặp liền anh Hiển – Ninh hiếm hoi trong canh hát cổ của làng Đặng

Trước khi tin vui di sản Quan họ được UNESCO công nhận bay về ngày 30/9/2009, ở Bắc Ninh đã xuất hiện phong trào phục hồi canh hát quan họ cổ. Tuy nhiên, một vấn đề bỗng nảy sinh: Hình như Quan họ đang… “cháy liền anh”.


“cháy liền anh”…

Còn nhớ Bắc Ninh mùa lễ hội, bên cạnh những tiết mục quan họ sân khấu ngoài trời, du khách còn có cơ hội thưởng thức những canh quan họ cổ. Khác với Quan họ Đoàn, Canh hát cổ có nghĩa là phải hát đối đáp giao duyên theo từng cặp liền anh, liền chị tương xứng.

Canh hát đón chúng tôi bằng một “không gian diễn xướng” kiểu mới với đèn tuýp sáng choang, tủ búp phê, tivi, tủ lạnh và đặc biệt là một bộ trang âm hoành tráng. Giữa phòng là 1 tốp các liền chị già trẻ đủ cả ngồi la liệt và vài ba liền anh có vẻ khá khiêm nhường. Lúc đầu, các liền anh, liền chị hát bằng míc nên nghe giọng vang, lọc trong đâu ra đấy, nhưng được vài tiết mục thì khách nghe yêu cầu bỏ míc hát “chay”. Thế là giọng thật của họ lộ diện. Các liền chị hát khá tốt. Nhiều người đã cao tuổi nhưng vẫn giữ được kỹ thuật ém hơi, nhả hạt điêu luyện, sang sảng luyến láy. Ngược lại, giọng ca của các liền anh hơi đáng buồn, yếu ớt và có phần thô. Có anh vì phải “đối đáp” với nhiều liền chị quá nên hát lạc cả giọng.

Đến bài “năm liệu, bảy lo”, cặp liền anh vừa yếu ớt dừng câu hát, tức thì, trong đám liền chị đông đảo cất lên giọng hát sang sảng của một cặp cụ bà, vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa xướng: “Anh Hai buông áo em ra, để em đi chợ kẻo đà chợ trưa”…Chẳng biết ngày xưa thế nào, chứ thời nay nhìn thấy cảnh các liền chị đáng tuổi bà tuổi mẹ hát giao duyên đối đáp, xưng “em”, đáp “chàng” với các liền anh tuổi con mình thì thực buồn cười lắm!

Có thể vì quá ít liền anh nên trong một số lễ hội người ta đã cố tình đưa những người nam có chất giọng bình thường mới tập quan họ vào canh hát cho đủ đội hình. Tại Hội Lim, bên cạnh 4 lều quan họ ngoài trời thu hút rất nhiều liền anh liền chị, ở mỗi làng đều có những canh quan họ cổ. Nghe nói, 10 làng quan họ quanh khu vực lễ hội đều có các canh hát kiểu này.

Thử tưởng tượng, với số lượng canh hát lớn như vậy thì có tập hợp hết các liền anh hát được trong vùng cũng không đủ lấp hết 3 nhóm hát. Ấy vậy mà người ta vẫn thấy các liền anh xôm tụ tại hầu hết các điểm, tuy không hùng hậu bằng các liền chị. Có lẽ do “rổ rế cạp lại” nên canh hát khiến nhiều thính giả thất vọng.

… do đâu?

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền, “Trong thời gian dài quan họ được coi là một hình thức biểu diễn, trong đó các liền anh, liền chị là những ca sĩ, diễn viên. Thực ra, quan họ chính là sinh hoạt nghệ thuật cho lứa đôi tỏ tình bằng lối hát giao duyên trai gái của các bọn quan họ kết nghĩa. Đáng tiếc, trong những năm 1960, vì nhiều lý do, bọn quan họ đã chấm dứt cuộc chơi của mình.

Bởi từ lâu Quan họ đơn thuần chỉ là một hình thức biểu diễn nên vai trò của nam giới bị mờ nhạt. Dần dà, cánh đàn ông trong làng không hứng thú với việc tập hát vì cho rằng đó là chuyện của chị em, họa hoằn lắm mới có một vài người lên làm liền anh trong tiết mục song ca. Chị Nguyễn Thị Kim Quýnh, chủ nhiệm nhóm Quan họ Đặng Xá (huyên Yên Ninh, Bắc Ninh) cho biết: “Trong làng, nhiều chị em phụ nữ vẫn có dịp tụ họp với nhau để luyện tập quan họ, còn cánh đàn ông do phải gánh vác kinh tế gia đình nên rất ít người tham gia.” Cách đây không lâu, Làng Đặng Xá có tổ chức một canh quan họ cổ với lề lối nghiêm ngặt. Trong số 4 liền anh tham gia canh hát lần ấy, chỉ 1 cặp là có thể hát đối lại các liền chị.

Cái khó còn ở chỗ, các cặp hát đối phải đồng giọng và “hợp cạ” với nhau, người hát dẫn, người lát luồn. Ngày nay, khi một liền anh mất “cạ”, không sao tìm được người đối ứng với mình. Cũng tại Đặng Xá có cặp liền anh Trường – Xuân nức tiếng một thời. Không may, anh Xuân ngã bệnh mất đi, từ đó anh Trường không hát nữa. Phần vì tiếc thương cho người bạn cũ, phần vì không còn ai có thể hát cặp cùng anh. Anh Trường bỏ hát, giờ làng Đặng chỉ còn mỗi cặp liền anh thế hệ đàn em Ninh – Hiển là hát được.

Chắc chắn, khi Quan họ Bắc Ninh được UNESCO tôn vinh, người ta sẽ càng quan tâm hơn nữa đến việc phục dựng các Canh quan họ cổ. Nhưng với tình trạng khan hiếm liền anh như hiện nay, bài toán giúp người quan họ quay lại với các giá trị cổ truyền dường như rất nan giải. Hơn 50 năm đứt đoạn, thú chơi quan họ chỉ còn là những mảnh vụn trong trí nhớ nhạt nhòa của các nghệ nhân gần đất xa trời. Nếu không kịp thời khắc phục, trong tương lai, hình ảnh của Canh quan họ cổ sẽ xa dần giá trị cũ và trở thành một thể biến thái giống quan họ xập xình trước đây.

Điệp Trần