Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

GẶP LẠI MIRANDA ARANA, NGƯỜI PHỤ NỮ MỸ TỪNG “GÂY SỐC” Ở HÀ NỘI

Cách đây 16 năm, có một cô gái Mỹ làm “chấn động” giới âm nhạc Hà Nội khi đưa ra những phát biểu thẳng thắn về âm nhạc dân tộc cải biên của Việt Nam. Khi ấy, ý kiến của cô đã làm tổn thương những người bảo vệ dòng nhạc này khi cho rằng âm nhạc cổ truyền đích thực của Việt Nam không hề có trong môi trường kinh viện mà ở ngoài dân gian, thế giới của những nghệ nhân cổ nhạc thực thụ.

Giờ nhắc lại phản ứng này chắc chắn có người sẽ ngạc nhiên, bởi bấy lâu nay khái niệm di sản cổ nhạc Việt Nam với các nghệ nhân đã được mặc định như một lẽ tất yếu. Tuy nhiên, ít ai biết rằng cho đến thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nhiều người trong giới học giả và quần chúng nói chung đều ngộ nhận rằng âm nhạc dân tộc cải biên chính là âm nhạc cổ truyền của Việt Nam. Cô gái Mỹ mang cái tên Miranda Arana “gây sốc” cũng trong hoàn cảnh ấy!

Ngay sau cuộc hội thảo gây chấn động dư luận với nhiều ý kiến trái chiều trong giới chuyên môn, dù Báo Lao Động cũng đã lập tức lên tiếng bênh vực ý kiến của chị, tháng 6/1994, với một chút thoáng buồn, chị đã nói lời tạm biệt những người bạn Việt Nam thân thương và lên đường về nước. Trở về Mỹ, Miranda nhanh chóng đúc kết toàn bộ những nghiên cứu của mình, chuyển thành đề tài cho luận văn cao học tại trường đại học Wesleyan ở Connecticut. Công trình của chị đã được đánh giá xuất sắc và ngay sau đó được xuất bản thành cuốn sách “Nhạc dân tộc cải biên Việt Nam” (Neotraditional Music In Vietnam- 1999). Có thể coi đó là thành quả nghiên cứu lớn nhất của chị sau hành trình đến dải đất hình chữ S, một mảnh đất mà với chị chứa đựng biết bao điều quyến rũ về văn hóa cũng như con người. Tình yêu Việt Nam hẳn thể hiện một phần không nhỏ ở việc chọn lựa người bạn đời của chị - anh Quyền Aranna, một chàng trai Mỹ mang dòng máu Việt. Chị thường tự hào rằng trong gia đình, chị với mẹ chồng và dì ruột của chồng là 3 người đàn bà nói tiếng Việt Nam. Và, chị cũng là người dạy tiếng Việt cho chồng. Là con dâu của một người mẹ Việt Nam, Miranda tiếp tục trải nghiệm những cảm giác thân thương khi khoác lên mình chiếc áo dài Việt Nam trong dịp trọng đại nhất của cuộc đời – ngày cưới. Bắt gặp Miranda với áo dài và đàn tranh trong những lần biểu diễn mới thấy tình cảm của chị dành cho Việt Nam sâu đậm đến nhường nào.

Trò chuyện với chị để hiểu thêm tình cảm của một người bạn Mỹ về Hà Nội, thành phố mến yêu mà chị đã gắn bó suốt thời gian ở Việt Nam.

- Chị đã từng ở Việt Nam trong bao lâu?

Phải nói là Hà Nội chứ! Tôi ở đây từ năm 1992 – 1994 khi làm việc cùng các tình nguyện viên Châu Á, dạy tiếng Anh cho sinh viên một số trường đại học ở Hà Nội và nghiên cứu âm nhạc.

- Lần đầu đến Hà Nội, chị có ấn tượng thế nào về thành phố này?

- Với tôi, Hà Nội rất đẹp với rất nhiều hồ, kiến trúc Pháp cổ, những ngôi chùa, khu chợ và các con phố toàn xe đạp. Bạn biết đấy, thời điểm đó xe đạp là phương tiện di chuyển chủ yếu của người Hà Nội mà.

- Thế còn cuộc sống ở nơi đây thì sao?

- Hồi ấy, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp những cụ già và cháu bé xúng xính trong những bộ cánh rất cổ truyền. Rồi còn cách mọi người đi trên phố, làm thế nào mà họ có thể di chuyển được giữa một dòng xe cộ náo nhiệt và chật cứng đến vậy? Nhưng dạo chơi khắp phố phường bằng xe đạp thật thú vị, tôi có thể ghé vào một quán cà phê ven hồ và ngồi đó cả ngày ngắm nhìn mọi người đi lại. À, tôi còn rất thích những gánh hàng rong với đủ món ngon Hà Nội nữa!

- Thế thì chắc là chị được thưởng thức nhiều đặc sản ở Hà Nội lắm nhỉ?

- Có thể bạn sẽ buồn cười, nhưng tôi thích nhất là quà vặt ăn sáng ở Hà Nội. Tào phớ với nước đường cho thêm chút gừng này, đủ các thứ xôi - xôi lạc, xôi đậu, xôi ngô..., lại còn phở nữa chứ!

- Thế còn người Hà Nội thì sao?

- Tôi rất thích sự nghị lực của con người Hà Nội. Ai cũng thân thiện và cầu tiến. Tôi có cảm giác lúc nào họ cũng hăng hái học và tiếp nhận những thứ mới, những thử thách mới để cải thiện cuộc sống sau nhiều năm vất vả. Những nghệ sĩ mà tôi từng gặp rất say mê loại nghệ thuật mà mình đeo đuổi, họ thực sự tự hào về lịch sử và văn hóa của nước mình.

- Chắc chị có bạn thân ở Hà Nội chứ nhỉ?

- Ồ, có chứ, nhiều là đằng khác. Những người bạn của tôi rất hay và thông minh, như Bùi Trọng Hiền chẳng hạn. Nhờ có anh ấy mà tôi biết nhiều hơn về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, điều mà thực sự nhiều người ngoại quốc rất mơ hồ. Anh đã truyền tình yêu với cổ nhạc Việt cho tôi và điều ấy đã khích lệ tôi rất nhiều để hiểu hơn về âm nhạc, lịch sử và văn hóa của quê hương anh.

- Tại sao chị lại chọn một đề tài rất “hóc” là nhạc dân tộc cải biên để làm luận văn thạc sĩ của mình?

- Chuyện kể ra cũng khá dài. Tôi từng có thời gian làm việc tại trại tị nạn của những người Indonesia tại Philippines. Ở đấy, tôi có cơ hội học tiếng Việt và tiếp xúc với một số gia đình nghệ nhân. Vì vậy tôi đã biết đến đàn tranh và lần đầu tiên được nghe những giai điệu của đất nước Việt Nam. Vì thế, khi đến Hà Nội, việc đầu tiên của tôi là tìm gặp các nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc. Nhưng sau mấy tháng vật lộn tìm hiểu nhiều nhóm biểu diễn nhạc dân tộc, tôi khá nản lòng vì nó không giống cái tôi cần tìm. Khi tôi gặp Giáo sư Tô Ngọc Thanh và anh Bùi trọng Hiền, mọi thứ đã thay đổi. Hai người giới thiệu tôi đến gặp những người có thể dạy tôi thứ âm nhạc mà tôi thực sự muốn học. Đó cũng là lúc tôi nhận ra ở đây có hai giới rất khác biệt: âm nhạc dân tộc của những người được đào tạo trong nhà trường và âm nhạc của những nghệ nhân dân gian. Điều đó đã thôi thúc tôi phải tìm hiểu.

- Chị có biết là quan điểm của chị vào những năm 1994 rất gây tranh cãi, nhưng đến giờ nó lại là một thực tế hiển nhiên được công nhận. Các nghệ nhân cổ nhạc bây giờ đã có một vị thế khác hẳn so với thời chị ở Hà Nội. Họ được trân trọng và tôn vinh hơn. Những nhạc sĩ nhạc dân tộc cải biên cũng không còn được coi là đại diện ưu tú cho nhạc dân tộc như trước nữa. Vào thời điểm đó bản tham luận của chị rất nổi tiếng trong dư luận âm nhạc Việt Nam. Hiện nay vẫn còn rất nhiều người nhắc đến chị và sự kiện hội thảo quốc tế năm 1994. Chị nghĩ sao về thông tin này?

- Tôi thực sự rất vui khi nghe tin này. Nhưng có sự thay đổi quan điểm như bây giờ chắc chắn không phải do tôi, bởi ở Việt Nam có rất nhiều người tâm huyết với cổ nhạc. Họ sẽ làm việc hết mình để tìm lại vị trí thực sự cho các nghệ nhân cổ nhạc. Tôi gây sốc chỉ vì ở thời đấy, quan điểm của một người ngoại quốc về âm nhạc Việt Nam sẽ bị nhìn nhận với con mắt nghiêm khắc, nhạy cảm và khiến nhiều người ủng hộ nhạc dân tộc cải biên tổn thương.

- Trong các thể loại âm nhạc cổ truyền Việt Nam, chị thích loại nào nhất?

- Tôi thích nhạc Tài tử- Cải lương bởi nó có thang âm và giai điệu rất đẹp, hay nhất là tính ngẫu hứng ứng tác đầy cảm xúc. Ca trù với tôi nghe rất lạ nhưng lại gây ấn tượng mạnh. Đấy là lý do khiến tôi rất hay lui tới câu lạc bộ ca trù ở Hà Nội để nghe hát. Tôi còn rất thích nghe bà Hà Thị Cầu hát Xẩm nữa.

- Ngoài đàn tranh, chị còn biết chơi nhạc cụ nào của Việt Nam nữa?

- Tôi có thể thổi sáo trúc. Nhưng tôi muốn kể thêm về việc tại sao mình học đàn tranh. Ý định này đến với tôi khi bắt gặp một cây đàn tranh được bán cùng mấy mớ rau và vài bộ quần áo cũ ở khu chợ Philippines gần trại tị nạn. Lúc đầu tôi chỉ biết chút thôi, nhưng khi đến Việt Nam, tôi đã được những người thầy nghệ nhân ở đây hướng dẫn rất nhiều. Họ coi tôi như con trong gia đình vậy. Có thể vì thế mà đến giờ tôi vẫn không thể nào quên những kỷ niệm thân thương gắn liền với cây đàn tranh và những người thầy của mình.

- Nghe nói chồng chị là người mang trong mình nửa dòng máu Việt Nam?

- Đúng vậy, anh ấy tuy sinh ở Việt Nam nhưng lại lớn lên ở Oklahoma nên không rành về văn hóa Việt Nam và không biết nói tiếng Việt. Trong khi tôi, một cô gái Mỹ lại làm được điều ấy. Vì thế, khi đến với anh và gặp mẹ anh, một người Việt Nam, tôi thực sự rất vui. Hai mẹ con tôi rất hợp nhau và tôi hiểu bà đã hạnh phúc thế nào khi con dâu của mình có một chút liên hệ với văn hóa quê hương bà.

- Hình như trong đám cưới chị chú rể mặc áo the khăn xếp, còn cô dâu thì mặc áo dài Việt Nam. Tại sao chị lại chọn trang phục này trong đám cưới của mình vậy?

- Bởi áo dài Việt Nam thực sự rất đẹp! Lễ cưới của chúng tôi diễn ra tại một ngôi chùa thay vì nhà thờ. Mùi hương trầm, tiếng chuông chùa và giọng tụng kinh của các vị sư luôn khiến cho tôi cảm thấy thanh thản.

- Cô con gái yêu của chị có được mẹ truyền cho một chút âm nhạc Việt Nam nào không?

- Con bé đã xem tôi biểu diễn rất nhiều loại nhạc cụ và nghe nhạc nhẹ Việt Nam khi ở với bà. Tôi còn từng biểu diễn đàn tranh và sáo trúc rất nhiều lần ở trường cháu nữa. Nhưng giờ con bé học piano vì được bà ngoại tặng cho một cái rất đẹp.

- Hiện đang làm giảng viên tại đại học Oklahoma, chị có lớp học nào dạy về âm nhạc Việt Nam cho sinh viên không?

- Tôi có dạy một khóa giới thiệu về âm nhạc các dân tộc trên thế giới. Đôi khi, xen kẽ các bài giảng tôi có nói đến Việt Nam. Tuy nhiên, tôi có cảm giác rằng mình đã dành quá nhiều thời gian vào nghiên cứu nhạc dân tộc cải biên Việt Nam nên chưa trang bị đủ kiến thức để dạy về âm nhạc cổ truyền của đất Việt. Tuy nhiên, cổ nhạc Việt Nam thực sự cho tôi rất nhiều cảm xúc và chỉ muốn giữ nó cho riêng mình.

- Chị sẽ quay lại Việt Nam trong thời gian tới chứ?

- Có chứ, tôi thực sự muốn quay trở lại việt nam cùng gia đình mình. Đó là mơ ước của tôi.

- Cám ơn chị về những chia sẻ đầy cảm xúc này!./.

Điệp Trần (thực hiện)

Bài đăng trên Nhân dân điện tử 21.9.2010

Chú thích ảnh:

Ảnh 1: Hai vợ chồng Miranda đã chọn mặc áo dài trong đám cưới của mình

Ảnh 2: Hòa tấu cổ nhạc cùng nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (1993) (ảnh: Bùi Trọng Hiền cung cấp)

Ảnh 3: Cây đàn tranh vẫn gắn bó với Miranda cho đến tận bây giờ