Được mệnh danh là “đệ nhất danh cầm” với 70 năm gắn bó với cây đàn đáy, ở tuổi 85, cụ Đẹ vẫn miệt mài tìm cách truyền thụ tinh hoa cổ nhạc cho thế hệ trẻ từ nhiều năm nay. Học trò của cụ dễ phải đến hàng chục, nhưng theo đến nơi đến chốn chẳng là bao. Thế là, dù cố gắng, đến giờ người nghệ nhân già vẫn phải cặm cụi “đốt đuốc tìm học trò”. Ai cũng bảo nghề này khó mà quên đi cái nhẽ thường “vạn sự khởi đầu nan”. Khó ở đâu, khó cái gì và khó như thế nào, có lẽ chỉ người trong cuộc như cụ Đẹ mới cảm thấy rõ nhất.
- Thưa cụ, đáng ra ở cái tuổi “cổ lai hi” người ta phải nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, tại sao cụ cứ phải trăn trở tìm học trò vậy?
Vì tôi tiếc. Công mình hun đúc tiếng đàn bao nhiêu năm trời mà không trao được cho ai thì phí lắm!
- Nhưng rốt cuộc chẳng mấy ai theo được đến nơi đến chốn...
Học đàn phải từ 3 đến 4 năm mới tạm ổn nghề, chứ nhiều người học chỉ được 20 ngày hay tham gia khóa học vài tháng mà mỗi tuần 2 buổi rưỡi thì làm sao theo nổi.
- ..và vì thế đến giờ cụ vẫn chưa có truyền nhân?
Có chứ, tôi có vài học trò tâm huyết. Như chị Phạm Thị Huệ và Phạm Đình Hoằng. Nhất là cậu Hoằng, cứ từ Hà Nội về đây học suốt. Năm cậu Hoằng mới học tôi tưởng thấy khó quá mà chán, ai ngờ về sau học được lại mê, đến nay là gần 4,5 năm rồi đấy, bây giờ tay đàn đã khá lắm rồi.
- Mất nhiều năm như vậy mới thành nghề, ắt hẳn học đàn đáy rất khó?
Kỹ thuật đàn đáy không khó. Cái khó là phải tự học hỏi và cọ sát. Ngày xưa tôi học mất 5 năm mới ra đàn, ấy mà vẫn phải đi các nơi nghe ngóng học lỏm, thấy ai đàn hay thì chịu khó rót nước điếu đóm, người ta mới chỉ cho mình. Dần dà tai mình sẽ biết nghe, tay mình biết nắn thế nào cho ra tiếng trùng, tiếng vê, tiếng vẩy...để nghe chín nục mới hay.
- Nhưng ngày nay chẳng có mấy cơ hội được cọ sát như vậy bởi những người theo ca trù rất ít?
Tuy ít nhưng giờ học lại có băng đài, ghi âm hỗ trợ chứ không phải tự nhớ trong đầu như chúng tôi ngày xưa. Thuở nhỏ, tôi phải tự lần mò học mót, nhưng giờ gặp học trò nào tận tâm, kiên trì thì có bao nhiêu vốn liếng tôi sẽ dạy chỉ tay, chỉ ngón cho bằng hết.
- Nghe nói cụ có mở lớp dạy đàn trong làng?
Có, nhưng kinh tế không có lấy gì cho tụi nó học nên các cháu không ham lắm. Ở nhà quê hát cho ai nghe, đàn cho ai nghe? Thỉnh thoảng tôi buồn thì gọi chúng đến dạy. Ở nhà tôi cũng dạy đứa cháu gái học hát, cũng được kha khá đấy, nhưng giờ nó đi làm thợ may, dăm bữa nó về hai ông cháu lại đàn hát với nhau.
- Hình như trước đây cụ có đề xuất với sở văn hóa tài trợ tiền để mở lớp dạy đàn ở làng nhưng không được?
Tôi xin mấy triệu để cháu nào có học đàn thì mỗi ngày cho nó 5 nghìn thôi cũng được. Tôi cũng đề nghị may cho mỗi cháu một bộ áo dài để đi đâu diễn đỡ phải thuê. Ấy thế mà họ chả cho xu nào, lại cho phông màn với loa đài nghe đâu trị giá vài chục triệu có chết không. Tất cả tôi trả lại xã, họ làm gì thì làm.
- Cụ nghĩ sao về quan niệm chỉ truyền dạy ca trù trong khuôn khổ gia đình?
Không nên bó khuôn trong gia đình. Truyền lại được càng nhiều học trò càng tốt, bởi mình sống được bao lâu nữa mà giữ. Muốn cho cái nghề của ông cha mình trở lại thì phải phổ biến ra, chẳng được trọn vẹn được thì cũng còn đôi chút.
- Khi ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cụ cảm thấy thế nào?
Tôi thấy bình thường vì tương lai phát đạt của ca trù còn lâu lắm. Ai học? Lấy gì mà học? Thầy ăn bằng cái gì mà dạy? Mà rồi học được thì hát cho ai nghe, đàn cho ai nghe? Phải có người thưởng thức, người biết nghe, chịu mất tiền để mà nghe thì nó mới nên được.
Đợt nắng nóng ở miền Bắc vừa qua cụ Nguyễn Phú Đẹ đã phải đi viện tiêm 19 mũi, toàn thuốc dưỡng não và thuốc bổ. Nghe tin ấy không ít người nao lòng, bởi lẽ, những người như cụ đều là những báu vật quốc gia. Trong khi các nhà chức trách đang bàn thảo qui chế thì hồi chuông báo động di sản từng ngày vẫn rầu rĩ cất lên.
Điệp Trần (thực hiện)
Đăng trên Thời Nay ngày 2/9/2010