Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

TRUYỀN THÔNG CHO LÀNG NGHỀ: KHÓ Ở ĐÂU?


Bạn cho mình xin số điện thoại và email để nếu làng nghề có tổ chức sự kiện gì mình còn liên lạc” – lời đề nghị của anh quản lý gian hàng làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng trong một lễ hội quảng bá làng nghề gần đây khiến tôi khá bất ngờ. Bởi lẽ, cách làm việc chuyên nghiệp này vốn chỉ xuất hiện ở các sự kiện có những công ty truyền thông khi muốn mở rộng liên lạc với cánh nhà báo.

“Ban truyền thông” của làng nghề
Người trò chuyện với tôi là anh Nguyễn Bỉnh Hiệp, phó chủ tịch hiệp hội làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, chuyên phụ trách mảng truyền thông và quảng bá phương hiệu cho làng. Hóa ra, anh vốn là một chủ doanh nghiệp chứ không phải người chuyên tổ chức sự kiện. “Mình năng động và ít tuổi nhất trong nhóm trong ban chấp hành nên được giao những việc này”, anh Hiệp chia sẻ. Thông thường hiệp hội chỉ có ba người, để tổ chức một sự kiện sẽ huy động tổng lực với 5 tiểu ban: nghi lễ, hậu cần, lễ tân, tổng hợp và điều phối, tài chính và chuyên môn. Đón tiếp khách và bố trí băng rôn, áp phích là do anh phụ trách.
Ngay gần đó, làng gốm Bát Tràng đã biết cách tự quảng cáo cho mình bằng gian hàng rất hoành tráng, trang trí đẹp mắt. Bát Tràng xưa nay vốn được coi là làng nghề “đại gia” và khá nhanh nhạy trong việc quảng bá thương hiệu. Trên internet, làng gốm Bát Tràng là một trong những đơn vị hiếm hoi có website riêng tổng hợp rất nhiều thông tin. Chưa hoàn thiện, song cũng đủ để người xem nhận biết được các dịch vụ tại đây.
Giữa năm 2010, nhận ra tầm quan trọng của công tác truyền thông, hiệp hội làng nghề Việt Nam cũng nhận ra tầm quan trọng của truyền thông đã kết hợp với một số đơn vị lập ra trang web “Cổng làng nghề Việt Nam” http://village.vn (link vào http://craftb2c.com) để làm đường dẫn đến các trang nhánh của từng làng nghề. Đến nay đã có một số trang web nhánh của các làng nghề nổi tiếng như Đông Hồ, làng gốm sứ Phù Lãng, Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc v.v.v…xuất hiện.
Tuy nhiên, câu chuyện truyền thông cho làng nghề không hề đơn giản.
Truyền thông cho làng: ai vác tù và hàng tổng?
Câu trả lời tất nhiên là hiệp hội của làng nghề. Song, đến nay có mấy làng nghề có hiệp hội của riêng mình? Trong tổng số hơn 2000 làng nghề tại nước ta, có rất ít làng có hiệp hội quản lý. Cách đây không lâu, báo chí còn đưa tin về việc làng gốm Phù Lãng tranh cãi nhau về việc thành lập hiệp hội. Bản chất tiểu nông “anh hùng nhất khoảnh” của làng xã dường như vẫn in đậm trong những làng nghề. Sự so đo về quyền lợi, không thống nhất kinh doanh của các hộ sản xuất khiến cho làng nghề không khác nào một túi khoai tây, mà khi đổ ra mỗi củ lăn một hướng.
Ngay cả những làng nghề có hiệp hội quản lý, việc phân bố công việc và cả kinh phí hoạt động cũng là vấn đề. Theo PGS.TS. Bùi Quang Thắng, viện VH – NT Việt Nam, nếu nhìn ở góc độ văn hóa, những người làm ở hiệp hội chẳng khác nào “vác tù và hàng tổng” cho làng. Tuy nhiên, ông Thắng khuyến cáo rằng một làng nghề không thể hoạt động hiệu quả nếu thiếu tính đoàn kết và chế độ đãi ngộ với các chuyên gia lo việc làng, mà công tác truyền thông là một phần quan trọng. “Người ta làm việc cho làng thì không cần thù lao cao như một công ty, nhưng dứt khoát phải có kinh phí để hoạt động để nuôi những người marketing vất vả cho làng. Làm marketing từ việc lên kết hoạch, phương án truyền thông, liên hệ chăm sóc khách hàng đều rất tốn trí tuệ, thời gian và công sức. Có yêu làng đến mấy vẫn phải kiếm ăn chứ!”, ông Thắng nói.
Hầu hết những người thuộc Ban chấp hành hiệp hội làng nghề đều là các chủ doanh nghiệp nên có lẽ họ chưa bận tậm đến chuyện tiền nong. Song, về lâu về dài vẫn phải có một hệ thống quản lý rõ ràng và chuyên nghiệp. “Cộng đồng nên tự họp nhau để bàn cách để hỗ trợ bởi không có công đoạn đấy thì trong môi trường cạnh tranh khốc liệt này, anh sẽ rất thiệt thòi”, ông Thắng đề xuất.
Trao cần câu hay trao mồi câu cá?
Được biết, nhiệm vụ của Hiệp hội làng nghề Việt Nam hiện nay gồm 10 đầu mục khá cụ thể, trong đó có đề cập đến việc cùng nhau tạo lập thương hiệu, tổ chức triển lãm hội chợ để trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp v.v.v….Thực tế, đến nay rất nhiều hội chợ đã diễn ra với mục đích xúc tiến trao đổi thương mại, tạo điều kiện tiếp xúc khách hàng cho các làng nghề. Vẫn theo PGS.TS. Bùi Quang Thắng, cách hỗ trợ kiểu tổ chức hội chợ không mang lại hiệu quả. Theo ông Thắng, “những hỗ trợ của nhà nước cho làng nghề nên ở các khâu hỗ trợ truyền thông. Hội chợ là điều kiện để người ta có thể quảng cáo được thương hiệu của họ, nhưng cái đó lợi nhiều hơn cho nhà tổ chức chứ không phải lợi cho các nhà sản xuất làng nghề.”.
Quay trở lại trường hợp của làng nghề Sơn Đồng, anh Nguyễn Bỉnh Hiệp cũng phải tự nhận rằng mô hình quản lý mới cũng như triển khai công việc truyền thông đều là do hội làng nghề “tự nghĩ ra”. Anh tâm sự, “để quản lý phải có cách tổ chức ít và hiệu quả mình cũng phải tự nghe ngóng học hỏi theo thời gian, của nhiều lớp người.”
Anh Hiệp dẫn sự khác biệt trong khâu tổ chức của Sơn Đồng tại lễ hội làng nghề 2009 và 2011 làm ví dụ. Nếu năm 2009, việc sắp xếp và bố trí sản phẩm rất ngẫu nhiên, lại bị động trong việc truyền thông, thì năm 2011, việc bố trí không gian như gian để tượng Tam Bảo, chư phật, tượng mẫu, các đồ thờ tư gia đều được đầu tư kỹ càng. “Bên mình đã in panel áp phích và trao dọc từ đầu cổng lễ hội vào tận gian hàng để cho mọi người biết. Ngoài ra còn dựng thêm bảng thông tin giới thiệu chi tiết về làng nghề”, anh Hiệp cho biết.
Chốt lại cho cậu chuyện truyền thông cho làng nghề, ông Thắng gợi ý, “Nhà nước nên hỗ trợ vào tập huấn, đầu tư và đào tạo sâu hơn nữa về nghiệp vụ cho những người làm marketing tại làng nghề. Bởi Trên thế giới, nếu ai nắm được công nghệ và kiến thức truyền thông thì người ấy sẽ vượt lên được người khác.”
Điệp Trần
Đăng trên Thời nay số 145 (thì phải)