Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2009

Tương lai nào cho các đào nương trẻ?

(TT&VH Cuối tuần) - Ca trù vừa cùng Quan họ trở thành Di sản văn hóa thế giới. Nếu như Quan họ được công nhận là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại, thì Ca trù được xếp vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Khẩn cấp - nhiều người biết như vậy, nhất là những ai đã “khăn gói” theo Ca trù từ nhiều năm nay. Nhưng tương lai nào cho các đào nương trẻ khi âm nhạc cổ truyền đang mất dần chỗ đứng trong lòng khán giả, nhất là giới trẻ?

Từ hơn một năm nay, CLB Ca trù Thăng Long cố gắng duy trì buổi diễn tái hiện lễ hát Cửa Đình diễn ra vào tối thứ Bảy đầu tiên hàng tháng tại đình Cống Vị. Trong đêm diễn, khán giả sẽ được thưởng lãm thức dàn Bát Âm múa Dồn Đại Thạch, Hát giai và Hát thẻ... vô cùng đặc sắc dành riêng cho thể thức hát Cửa Đình, hoàn toàn miễn phí. Những tưởng đây sẽ là một điểm thu hút sự quan tâm và yêu mến của nhiều người, thế nhưng thực tế tại mỗi buổi diễn, số khán giả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đáng buồn hơn, mới đây, ngay trong buổi lễ Hát thờ chào mừng sự kiện Ca trù vinh danh thế giới 4/10/2009, các nhà chức trách sở tại đã lập biên bản không cho CLB sinh hoạt ở đó nữa. Dù đã hoạt động liên tục ở đình Cống Vị một năm nay, nhưng lý do các nhà chức trách đưa ra là CLB Ca trù Thăng Long không có giấy phép biểu diễn...!

Cổ nhạc “ế khách”

Bấy lâu nay, các cuộc liên hoan dân ca toàn quốc, các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc, rồi việc lập hồ sơ di sản đệ trình UNESCO... đều là những hình thức quảng bá âm nhạc cổ truyền rất tốt. Tuy nhiên, mọi cố gắng quảng bá dường như chưa đem lại kết quả mong muốn. Trong bối cảnh đó, một nơi sinh hoạt thường xuyên như Ca trù Thăng Long xem ra là địa điểm hữu ích để truyền bá các giá trị tinh hoa của cổ nhạc. CLB đã tìm rất nhiều cách để quảng bá cho các buổi diễn trong khả năng của mình như gửi giấy mời trực tiếp hoặc qua email cho những người đã từng đến nghe hay thông báo tại các mạng xã hội trên internet v.v... nhưng các buổi sinh hoạt thường hiếm khi đông khách.

Theo Vũ Thùy Linh, đào nương trẻ của CLB, mặc dù các buổi biểu diễn được tổ chức quy củ và sinh động, lại diễn ra miễn phí trong không gian sống động là đình Cống Vị, song phần lớn khán giả chỉ đến xem một lần rồi đi, phải rất lâu sau mới quay trở lại. “Nhiều người cho rằng cổ nhạc xưa và lỗi thời nên không thích chăng?”, Linh thắc mắc. Một đào nương trẻ khác là Nguyễn Như Mai cho biết, khách đến xem đều nói rằng do không hiểu làn điệu nên họ thấy các bài ca đều giống nhau, thành thử cảm thấy khó yêu thích.

Chị Phạm Thị Huệ, chủ nhiệm CLB lại cho rằng: “Thu hút giới trẻ đến với âm nhạc cổ truyền là chuyện về lâu về dài. Việc giúp các nhóm bảo lưu cổ nhạc mới là chuyện trước mắt”. Theo chị, nếu các tổ chức hoặc công ty lữ hành liên hệ để giúp Ca trù Thăng Long trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa thì bài toán “vắng khách” sẽ được giải. Tuy nhiên, đó là việc nằm ngoài khả năng của nhóm nghệ nhân nếu không được sự chủ động giúp đỡ từ bên ngoài. “Từ giờ đến lúc đó, chúng tôi chỉ còn biết hi vọng và tự kiếm sống để giữ lấy nghề”, chị Huệ chia sẻ.

Nỗi lo của các đào nương


Là thế hệ thứ ba của Ca trù Thăng Long, nhóm đào nương trẻ gồm tám người đều được hai nghệ nhân dân gian lão thành Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ (đời thứ nhất) và đào nương, đào đàn Phạm Thị Huệ (đời thứ hai) trực tiếp rèn rũa. Mặc dù đang theo học tại Nhạc viện Hà Nội, song các em đều dành thời gian và tâm huyết rất lớn cho Ca trù. Thành quả này được thể hiện rõ qua sự khâm phục của khán thính giả đến xem nhóm biểu diễn.


Biểu diễn trong không gian Cửa Đình. Ảnh: Công Khanh
Do còn đi học, gánh nặng chi tiêu của các em được gia đình san sẻ nên việc biểu diễn ca trù miễn phí của nhóm chưa thành vấn đề lớn. Song, khi ra trường, trước mối lo cơm, áo, gạo, tiền, những đào nương trẻ này liệu có tránh khỏi đắn đo suy nghĩ?

“Lắm lúc em bi quan. Không có gì bạc hơn nghệ thuật. Những người ngoại tỉnh như em muốn tìm được một công việc tốt tại Hà Nội để từ đó trụ lại với nghề rất khó.”, Vũ Thùy Linh không giấu nỗi băn khoăn của mình. Đào nương trẻ Nguyễn Lệ Nhật ít lo lắng hơn, song vẫn thừa nhận: “Gia đình em đều làm nghề nông nên ai cũng muốn cô con gái lên Hà Nội học sau này có công việc ổn định”.

Trước đây Ca trù Thăng Long từng nhận được sự quan tâm của Qũy Ford (hiện Quỹ này đã đóng cửa văn phòng tại Việt Nam) nhưng giờ chủ yếu chỉ dựa vào sự hảo tâm của những người yêu Ca trù. Rất may, đình Cống Vị cho phép nhóm biểu diễn không thu tiền địa điểm nên đến nay sinh hoạt vẫn được duy trì. Tuy nhiên, để các đào nương đeo đuổi nghiệp Ca trù thì bấy nhiêu không đủ. Thành viên khác của nhóm là đào nương Kim Ngọc, con gái út của danh cầm cổ nhạc Kim Sinh tâm sự: “Mong ước thực sự của mình là được nối nghiệp cha đi theo cổ nhạc. Nhưng mọi người cứ quay lưng mãi thì bọn mình sẽ rất nản. Con ngựa chạy mãi cũng chồn chân”.

Trăn trở về điều này, chị Huệ, chủ nhiệm CLB luôn tìm cách đổi mới các tiết mục, năng liên hệ và quảng bá để tạo điều kiện cho nhóm đi biểu diễn ở nhiều nơi. Theo chị, trước mắt nhóm sẽ tập trung rèn luyện nâng cao ngón nghề vì ca trù là môn nghệ thuật rất khó. “Ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua và ngày mai sẽ hơn ngày hôm nay”, chị luôn tâm niệm lời dặn của GS. Trần Văn Khê trong bức thư gửi nhóm cách đây không lâu.

Hiện việc cố gắng duy trì canh hát Ca trù để trở thành sinh hoạt quen thuộc với người Hà Nội là nhiệm vụ hàng đầu của CLB. Tháng Mười này, Ca trù Thăng Long dự kiến sẽ tổ chức Lễ Mở xiêm áo cho các đào nương trẻ để khích lệ tinh thần, đồng thời thể hiện mong muốn lưu nghiệp Ca trù của các em. Nhưng không biết những cố gắng của các đào nương trẻ này sẽ còn kéo dài được tới ngày nào trên con đường bảo tồn cổ nhạc gian nan, nếu như đến một chỗ diễn bây giờ với họ cũng chưa biết sẽ về đâu, nếu như mọi quan tâm, những lời khẩn thiết vẫn mãi chỉ là “phi vật thể”...

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2009

Đình Mường cổ trước nguy cơ trở thành…phế tích

Ngói xô lệch, vỡ tung một bên mái. Hầu hết các thanh xà ngang đều mục ruỗng. Bốn hàng chân gồm 24 cột mốc meo và có dấu hiệu bị mối mọt, nghiêng ngả sẵn sàng sụp đổ nếu không nhờ đến những cây gỗ gá tạm chống đỡ.

Đó là hiện trạng của ngôi đình Mường cổ gần 500 năm tuổi tại xóm Ngòi, xã Sủ Ngòi (thị xã Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), ngôi đình hiếm hoi còn giữ lại những nét kiến trúc nguyên thủy của tộc người Mường tại Hòa Bình mà đoàn khảo sát đến từ Công ty CP Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt nhận thấy.

Đình Mường cổ đã bị dột nát quá nhiều

Các cột trụ nghiêng ngả chờ sập

Đình Ngòi thờ Tam vị Đại vương Thượng Đẳng thần Tản viên Sơn Thánh, một trong số đó là Thánh Tản Viên (người Mường ở Hòa Bình gọi là Thánh Đản), một trong tứ bất tử của người Việt cổ. Đây cũng là vị thần được tôn sùng tại các vùng Mường cổ quanh chân núi Tản. Ngoài ra, trong đình còn thờ Thành hoàng Làng và Sơn thần thổ địa.

Lúc đầu, đình vốn được dựng đơn sơ, tranh tre nứa lá, kèo cột đều bằng gỗ thường, mái lợp gianh. Theo các cụ trong làng kể lại, năm 1938, có ông Bá Nhất, một thương gia khá giả uy tín trong vùng đã đầu tư xây dựng lại ngôi đình. Từ đó, đình được dựng lại khang trang với nhiều cột trụ làm từ gỗ quí hiếm. Đình gồm 3 gian, hai chái, với bốn hàng chân cột với 8 cột cái, 16 cột quân. Cột cái cao 4,9m, đường kính 35cm, cột quân cao 3,35m, đường kính 30cm. Các cột đều được bào tròn, dưới chân kê đá tảng tạo hình hạ vuông thượng tròn, biểu trưng cho trời và đất. Hoạ tiết trang trí trên các thanh xà theo lối đục chạm bong kênh hình hoa lá, văn mây và hình đầu nghé. Các đầu dư chạm hình đầu rồng.

Trạm khắc đầu rồng trên xà ngang của đình

Điểm đặc trưng của đình Ngòi cũng như những đình Mường khác là các ban thờ lửng. Theo kể lại, chính giữa đình vốn có một ban thờ lửng cao 2m gọi là Cung Sở đặt 3 ngai thờ tam vị Thánh Tản Viên. Hai bên tả hữu đều có ban thờ dựng lửng, là nơi để bát hương vong thờ các ông chức sắc, chủ từ ở làng. Các ban thờ này đều mất tích cùng với sắc song, ngai rồng, kiệu, cờ súy lọng vàng trong thời kỳ loạn lạc. Sau đó, dân làng đã dựng lại một ban thời mới đặt ở gian giữa của đình. Hiện vật duy nhất còn sót lại của đình cổ là hòm đựng sắc phong mất nắp, dài 50cm, rộng 15cm.

Ông Nguyễn Hồng Minh, 72 tuổi, lão làng của Xóm Ngòi cho biết: “Trước đây, lễ hội xóm Ngòi to lắm, xuyên hai ngày mùng 8, mùng 9 hàng năm. Mùng 8 rước nước, mùng 9 rước vía lúa. Nhưng từ sau năm loạn lạc 1954 đến nay, làng không còn lễ hội nữa. Năm 1993, cũng có một đợt sửa sang lại đình, nhưng vì lễ hội không còn, cũng chẳng ai chăm nom nên đến giờ đình mục nát cả.”

Vị trí của các ban thờ lửng giờ chỉ là một khoảng trống

Gian thờ lửng tại đình Ngòi

Điều may mắn cho đình Ngòi là đến nay không gian của đình chưa bị xâm hại. Khu đất rộng 2000m2 thuộc đình vẫn còn nguyên. Tuy nhiên, đình Ngòi đã lâm vào tình trạng xập xệ. Mái ngói đã bị tróc, dột nát và sụp hẳn gian giữa và một bên mái. Đặc biệt, hiên trái của đình kèo đã hỏng và mục hẳn. Bề mặt ban thờ bị mối mọt ăn trở nên mục ruỗng. Ngay cả hiện vật cổ là hòm đựng sắc phong cũng long tróc.

Nếu không có những cây gỗ chống đỡ này, đình Ngòi đã sụp đổ từ lâu

Mái ngói ở gian giữa đã bị sập hoàn toàn

Ban thờ mục ruỗng với hòm đựng sắc phong đã bị bong tróc hết

Ông Phạm Đức Hân, giám đốc Công ty CP Bảo tồn di sản Văn hóa Việt, trưởng đoàn khảo sát cho biết, “trước khi đến đây, chúng tôi đã được nghe qua về tình trạng của ngôi đình. Song, khi đến tận nơi, chúng tôi mới nhận thấy việc trùng tu lại di tích này khó khăn thế nào. Bởi lẽ, toàn bộ công trình hầu như đã quá sập xệ. Đề ra phương án trùng tu nào vừa giữ được nét cổ, lại vừa đảm bảo công trình có thể đứng vững trong hàng chục năm tới quả là một thách thức đối với đoàn khảo sát chúng tôi”

Đoàn khảo sát đang làm việc với dân xóm Ngòi

Ông Hân cho biết thêm, Đình Ngòi tuy đã bị hư hỏng gần như toàn bộ, song những dấu vết để lại như các hoa văn trạm gỗ, chân đá, cột trụ đều rất giá trị.

Năm 2009, Phòng Văn hóa Thể thao, Du lịch thị xã Hòa Bình đã bắt đầu triển khai kế hoạch xây dựng dự án trùng tu di tích đình Ngòi và cho phép Công ty CP Bảo tồn di sản Văn hóa Việt thực hiện những khảo sát bước đầu tại khu di tích này.

Điệp Trần

Ảnh: Viet C.H.P

(Nhân dân cuối tuần 2.09)

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

Đào nương Phạm Thị Huệ: “CA TRÙ ĐÃ ĐƯỢC TIẾP LỬA”


Ngay khi Ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được khẩn cấp ngày 1/10/2008, Văn hóa đã có cuộc trò chuyện với đào nương kiêm đào đàn Phạm Thị Huệ, chủ nhiệm CLB Ca trù Thăng Long, người cùng hai nghệ nhân lão thành Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ đã có những đóng góp không nhỏ vào việc lưu truyền và bảo tồn vốn cổ ca trù.

đào nương kiêm đào đàn Phạm Thị Huệ trong một buổi diễn (ảnh Công Khanh)

Tin vui tới tấp báo về, Ca trù nối tiếp Quan họ được UNESCO công nhận, ai cũng lấy làm khấp khởi và tự hào. Tôi bắt máy gọi ngay cho chị Phạm Thị Huệ để báo tin vui. Nghe giọng chị có thể cảm thấy nụ cười rạng rỡ bên kia đầu dây: “Tôi biết tin này từ trưa. Cả nhóm đã mong tin này từ lâu. Hồi được Hội đồng xây dựng hồ sơ ca trù mời tham gia cộng tác, ai nấy đều nuôi hi vọng. Giờ đã trở thành hiện thực rồi! Thật không biết tả sao cho hết niềm vui!”.

Câu lạc bộ (CLB) ca trù Thăng Long do chị Huệ cùng hai người thầy của mình là nghệ nhân lão cao niên Nguyễn Thị Chúc và Nguyễn Phú Đẹ thành lập cách đây hơn 3 năm, được nhiều người biết tiếng. Bởi lẽ, CLB là nơi đầu tiên phục dựng hình thức Hát cửa đình và đào tạo thành công nhóm ca nương trẻ rất triển vọng tại Hà Nội. Thành quả này không phải ai cũng đạt được.

Có lẽ trong làng ca trù Hà Nội, Ca trù Thăng Long là nhóm hoạt động năng nổ nhất. Bên cạnh lịch sinh hoạt, giới thiệu và dạy trống chầu cho những người yêu mến cổ nhạc mỗi tối thứ Sáu hàng tuần, cứ vào Thứ Bảy đầu tiên của tháng, nhóm lại biểu diễn ca trù theo lối Hát cửa đình miễn phí tại đình Cống Vị (Ngõ 518, Đội Cấn)[*].

- Từ trước tới nay, việc truyền dạy ca trù cho lớp trẻ đã được nhiều nơi thực hiện song không mấy thành công vì đây là một nghệ thuật rất khó. Nhưng ca trù Thăng Long đã làm được điều đó. Bí quyết của chị và hai bậc tiền bối Nguyễn Thị Chúc và Nguyễn Phú Đẹ là gì?

Theo tôi, bí quyết chính là ở thời gian và sự tâm huyết với nghề dưới sự dìu dắt của những người thầy giỏi. Ca trù Thăng Long may mắn có được những điều đó. Nhóm đào nương của chúng tôi tuy ít người nhưng đã theo ca trù trường kỳ được hai năm nên đều có cơ bản và bắt đầu đào luyện những kỹ thuật khó của ca trù. Ngoài ra, các em hoàn toàn được truyền dạy theo phương pháp truyền miệng từ những bậc thầy ca trù kỳ tài như nghệ nhân đào nương Nguyễn Thị Chúc và nghệ nhân kép đàn Nguyễn Phú Đẹ. Bản thân tôi đã từng có nhiều cơ hội học hỏi âm nhạc cổ truyền từ nghệ nhân, nên cũng rút ra phương pháp giúp các em bóc tách những kỹ thuật khó trong âm luật ca trù để dễ dàng nắm bắt thể loại âm nhạc rất phức tạp này.

- Việc giúp các đào nương trẻ tiếp cận ca trù đã khó, làm thế nào để họ giữ lấy nghiệp cầm ca trong tương lai (chứ không dừng lại ở mức phong trào) còn khó hơn. Chắc hẳn nhóm đã suy nghĩ về điều này?

Chúng tôi thực sự đã suy nghĩ rất nhiều. Trước mắt, do các em đều đang đi học nên tôi và các thầy của mình thường cố gắng dạy dỗ và truyền tâm huyết với vốn cổ cho đào nương trẻ để sau này các em sẽ yêu mến và giữ gìn ca trù như một sự nghiệp của đời mình. Tôi nghĩ, khi đã theo ca trù đến bây giờ, chắc hẳn các em cũng đã hiểu phần nào gian truân lẫn nhiệt huyết của nghiệp ca nương, kép đàn.

Tái dựng nghi thức hát cửa đình của CLB Ca trù Thăng Long (ảnh: Công Khanh)

- Là nhóm ca trù đầu tiên phục dựng hình thức Hát cửa đình lại sinh hoạt miễn phí, chị có quyết tâm duy trì thành quả của mình hay sẽ tìm hướng thương mại hóa?

Cổ nhạc không thể bảo tồn bằng hô hào, ca nương, kép đàn không thể chỉ hít thở không khí để lưu nghiệp ca trù. Nếu sau này vì cuộc sống mà họ phải làm nghề khác thì uổng lắm. Vì thế, tôi nghĩ nếu ca trù được đưa vào tuyến du lịch văn hóa của thủ đô sẽ là một tín hiệu rất tốt. Đó sẽ làm tiền đề giúp chúng tôi thực hiện nhiệm vụ hàng đầu của mình là lưu truyền và bảo tồn ca trù Hà Nội.

Tuy nhiên, dù theo hướng nào thì mục đích ban đầu của CLB sẽ không thay đổi. Đó là biểu diễn miễn phí định kỳ hàng tháng và tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ tái dựng nghi thức hát thờ ở cửa đình.

- Ca trù Thăng Long đã hoạt động được 3 năm nhưng ngoài quĩ Ford và một số nhà hảo tâm, dường như nhóm chưa nhận được sự hỗ trợ nào về mặt kinh tế?

Cũng gần như vậy. Ngoài quĩ Ford (đã tài trợ năm 2007 - 2008) còn có học bổng Odon Vallet của Pháp dành cho những bạn trẻ bảo tồn truyền thống mỗi năm một lần. Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình nhưng thầm lặng của các cá nhân yêu cổ nhạc trong suốt thời gian qua. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới Hội văn nghệ dân gian Việt Nam đã công nhận Ca trù Thăng Long là địa chỉ văn hóa tại Hà Nội. Rất mong trong tương lai, những nhóm ca trù như chúng tôi sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan có chức năng.

- Ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp không chỉ là tin vui của cả nước mà còn là mang đến hi vọng mới cho các nhóm như Ca Trù Thăng Long. Điều chị và nhóm mong mỏi nhất bây giờ là gì?

Được UNESCO công nhận nghĩa là ca trù đã được tiếp lửa bởi lẽ, được tôn vinh nghĩa là được để tâm. Tôi rất mong nhà nước sẽ quan tâm đặc biệt tới những người đã có nghề, như các nghệ nhân lão thành hay những người trẻ đang đeo đuổi cổ nhạc như chúng tôi. Trước mắt phải giữ được cái gốc rồi từ đó mới giúp ca trù lan tỏa.

Ngoài ra, nếu ở Việt Nam xuất hiện một học viện ca trù có chức năng gần giống với giáo phường xưa là bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy và biểu diễn thì mọi chuyện sẽ khá hơn. Ở không gian đó, di sản diễn xướng sẽ được lắng đọng trong những kỹ sảo, vốn nghề của các nghệ nhân lão thành truyền lại cho con cháu hoàn toàn theo phương pháp truyền miệng. Những người trẻ muốn tìm hiểu hoặc nghe ca trù cũng có thể tìm đến đây. Tuy nhiên, mô hình lớn như vậy chỉ có nhà nước hoặc tổ chức lớn mới gánh vác được. Hi vọng, ước mơ này sẽ thành hiện thực trước khi các nghệ nhân lão thành cuối cùng khuất núi.

Sắp tới, nếu ổn định, chúng tôi rất mong có thể tổ chức lễ mở xiêm y cho các đào nương trẻ để các em có thể “ra nghề” theo đúng nghi thức của ông cha ta. Lúc ấy, 3 thế hệ của Ca trù Thăng Long ít nhiều sẽ được hưởng chút ít không khí giáo phường xưa.

- Xin cám ơn chị!

Điệp Trần (thực hiện)


[*] Rất tiếc, khi bài viết vừa được hoàn thành, đình Cống Vị đã không cho phép CLB sinh hoạt với lý do chưa xin phép UBND Phường. Mặc dù cách đây 1 năm, khi bắt đầu hoạt động, CLB đã có giấy phép đệ trình đầy đủ, bao gồm cả giấy chứng nhận địa chỉ văn hóa của Hội Văn hóa nghệ thuật dân gian. CLB tạm thời rút về hoạt động tại số 40 ngõ 32 Khương Trung, chi tiết xin xem www.catruthanglong.com

QUAN HỌ “CHÁY LIỀN ANH”


Cặp liền anh Hiển – Ninh hiếm hoi trong canh hát cổ của làng Đặng

Trước khi tin vui di sản Quan họ được UNESCO công nhận bay về ngày 30/9/2009, ở Bắc Ninh đã xuất hiện phong trào phục hồi canh hát quan họ cổ. Tuy nhiên, một vấn đề bỗng nảy sinh: Hình như Quan họ đang… “cháy liền anh”.


“cháy liền anh”…

Còn nhớ Bắc Ninh mùa lễ hội, bên cạnh những tiết mục quan họ sân khấu ngoài trời, du khách còn có cơ hội thưởng thức những canh quan họ cổ. Khác với Quan họ Đoàn, Canh hát cổ có nghĩa là phải hát đối đáp giao duyên theo từng cặp liền anh, liền chị tương xứng.

Canh hát đón chúng tôi bằng một “không gian diễn xướng” kiểu mới với đèn tuýp sáng choang, tủ búp phê, tivi, tủ lạnh và đặc biệt là một bộ trang âm hoành tráng. Giữa phòng là 1 tốp các liền chị già trẻ đủ cả ngồi la liệt và vài ba liền anh có vẻ khá khiêm nhường. Lúc đầu, các liền anh, liền chị hát bằng míc nên nghe giọng vang, lọc trong đâu ra đấy, nhưng được vài tiết mục thì khách nghe yêu cầu bỏ míc hát “chay”. Thế là giọng thật của họ lộ diện. Các liền chị hát khá tốt. Nhiều người đã cao tuổi nhưng vẫn giữ được kỹ thuật ém hơi, nhả hạt điêu luyện, sang sảng luyến láy. Ngược lại, giọng ca của các liền anh hơi đáng buồn, yếu ớt và có phần thô. Có anh vì phải “đối đáp” với nhiều liền chị quá nên hát lạc cả giọng.

Đến bài “năm liệu, bảy lo”, cặp liền anh vừa yếu ớt dừng câu hát, tức thì, trong đám liền chị đông đảo cất lên giọng hát sang sảng của một cặp cụ bà, vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa xướng: “Anh Hai buông áo em ra, để em đi chợ kẻo đà chợ trưa”…Chẳng biết ngày xưa thế nào, chứ thời nay nhìn thấy cảnh các liền chị đáng tuổi bà tuổi mẹ hát giao duyên đối đáp, xưng “em”, đáp “chàng” với các liền anh tuổi con mình thì thực buồn cười lắm!

Có thể vì quá ít liền anh nên trong một số lễ hội người ta đã cố tình đưa những người nam có chất giọng bình thường mới tập quan họ vào canh hát cho đủ đội hình. Tại Hội Lim, bên cạnh 4 lều quan họ ngoài trời thu hút rất nhiều liền anh liền chị, ở mỗi làng đều có những canh quan họ cổ. Nghe nói, 10 làng quan họ quanh khu vực lễ hội đều có các canh hát kiểu này.

Thử tưởng tượng, với số lượng canh hát lớn như vậy thì có tập hợp hết các liền anh hát được trong vùng cũng không đủ lấp hết 3 nhóm hát. Ấy vậy mà người ta vẫn thấy các liền anh xôm tụ tại hầu hết các điểm, tuy không hùng hậu bằng các liền chị. Có lẽ do “rổ rế cạp lại” nên canh hát khiến nhiều thính giả thất vọng.

… do đâu?

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền, “Trong thời gian dài quan họ được coi là một hình thức biểu diễn, trong đó các liền anh, liền chị là những ca sĩ, diễn viên. Thực ra, quan họ chính là sinh hoạt nghệ thuật cho lứa đôi tỏ tình bằng lối hát giao duyên trai gái của các bọn quan họ kết nghĩa. Đáng tiếc, trong những năm 1960, vì nhiều lý do, bọn quan họ đã chấm dứt cuộc chơi của mình.

Bởi từ lâu Quan họ đơn thuần chỉ là một hình thức biểu diễn nên vai trò của nam giới bị mờ nhạt. Dần dà, cánh đàn ông trong làng không hứng thú với việc tập hát vì cho rằng đó là chuyện của chị em, họa hoằn lắm mới có một vài người lên làm liền anh trong tiết mục song ca. Chị Nguyễn Thị Kim Quýnh, chủ nhiệm nhóm Quan họ Đặng Xá (huyên Yên Ninh, Bắc Ninh) cho biết: “Trong làng, nhiều chị em phụ nữ vẫn có dịp tụ họp với nhau để luyện tập quan họ, còn cánh đàn ông do phải gánh vác kinh tế gia đình nên rất ít người tham gia.” Cách đây không lâu, Làng Đặng Xá có tổ chức một canh quan họ cổ với lề lối nghiêm ngặt. Trong số 4 liền anh tham gia canh hát lần ấy, chỉ 1 cặp là có thể hát đối lại các liền chị.

Cái khó còn ở chỗ, các cặp hát đối phải đồng giọng và “hợp cạ” với nhau, người hát dẫn, người lát luồn. Ngày nay, khi một liền anh mất “cạ”, không sao tìm được người đối ứng với mình. Cũng tại Đặng Xá có cặp liền anh Trường – Xuân nức tiếng một thời. Không may, anh Xuân ngã bệnh mất đi, từ đó anh Trường không hát nữa. Phần vì tiếc thương cho người bạn cũ, phần vì không còn ai có thể hát cặp cùng anh. Anh Trường bỏ hát, giờ làng Đặng chỉ còn mỗi cặp liền anh thế hệ đàn em Ninh – Hiển là hát được.

Chắc chắn, khi Quan họ Bắc Ninh được UNESCO tôn vinh, người ta sẽ càng quan tâm hơn nữa đến việc phục dựng các Canh quan họ cổ. Nhưng với tình trạng khan hiếm liền anh như hiện nay, bài toán giúp người quan họ quay lại với các giá trị cổ truyền dường như rất nan giải. Hơn 50 năm đứt đoạn, thú chơi quan họ chỉ còn là những mảnh vụn trong trí nhớ nhạt nhòa của các nghệ nhân gần đất xa trời. Nếu không kịp thời khắc phục, trong tương lai, hình ảnh của Canh quan họ cổ sẽ xa dần giá trị cũ và trở thành một thể biến thái giống quan họ xập xình trước đây.

Điệp Trần