Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Danh cầm Kim Sinh: DÒNG ĐỜI LÀ NHỮNG CUỘC HỘI NGỘ


Có lẽ, trong âm nhạc cổ truyền, ít ai có khả năng điêu luyện nhiều loại nhạc cụ như danh cầm Kim Sinh.  Với ông, cuộc đời không hẳn là đạt được thành tựu này, thành công nọ mà còn là những mối thâm tình thú vị với những tri kỷ có cùng tình yêu với cổ nhạc Việt.

Bà Phúc, bà Hồ, tôi đều gọi là mẹ nuôi cả!
 “Hồi 3 tháng tuổi, tôi bị y tá nhỏ nhầm thuốc nên mắt sưng vù rồi bị hỏng. Bố tôi bảo gửi tôi cho nhà thờ nuôi, nhưng mẹ không chịu. Bà bảo, tôi sinh nó ra, nó sống, chết, mù lòa gì kệ tôi. Ông chán cảnh này thì đi đâu thì đi. Thế là bố tôi bỏ đi Sài Gòn luôn. Âu đó cũng là số phận của tôi rồi. Từ ấy, tôi lớn lên trong vòng tay bao bọc của ông ngoại và mẹ”, danh cầm Kim Sinh bắt đầu câu chuyện bằng một giọng nhẹ nhàng.
Niềm cảm mến với âm nhạc đã đến với Kim Sinh từ thuở nhỏ, qua tiếng nhạc phát ra từ máy hát nhà hàng xóm. Muốn tự mình gảy ra những âm thanh tuyệt mỹ kia, Kim Sinh lần mò làm lấy một cây đàn bằng hộp kem đánh giày. “Cây đàn thực sự của tôi có được cũng thật tình cờ. Lần ấy, tôi được mẹ cho tiền mua đôi giày, thấy anh Hùng người quen có cây đàn Tứ, tôi thích quá bảo, em đổi đôi giày này lấy cái đàn của anh nhé. Tôi vẫn nhớ cây đàn đó còn không có lá đề. Lớn lên một chút, tôi lại xin cây đàn nguyệt của một người quen. Đến năm 7,8 tuổi tôi đã đánh đàn rất thạo rồi”.
Kim Sinh là người tình cảm. Bốn người vợ, dù đã từng yêu thương hay oán trách, nhưng ai cũng nặng tình với ông cả. Nếu mắt không mù lòa, thì với vẻ ngoài kia, hồi trẻ chắc ông cũng đẹp trai, sáng láng lắm! Nghệ danh Kim Sinh cũng là từ ghép của tên ông với cô Kim, mối tình đầu của ông mà ra.  Một con người hội tụ cả vẻ bề ngoài thư sinh, cộng với lối nói chuyện nhẹ nhàng đầy thiện ý và hơn hết là tài năng thiên phú với âm nhạc, Kim Sinh được nhiều người yêu mến âu cũng dễ hiểu.
Mẹ nuôi tôi là bà Nguyễn Thị Hoàn có một nhà hát ca trù ở phố Vạn Thái. Bà Phúc, bà Hồ tôi đều gọi là mẹ nuôi cả”. Kim Sinh kể, ông còn nhớ mãi buổi đến nhà đào nương Nguyễn Thị Phúc để xin bà xem giúp cho một điệu Xẩm huê tình đệm bằng đàn ghi ta hawaii để đi thi. “Hội diễn khi ấy chỉ cho mỗi người tối đa 3 phút biểu diễn. Nhưng không ngờ khán giả thích quá, đàn xong rồi họ lại bảo đàn lại, khiến cho 3 phút kéo dài thành 30 phút. Lần ấy tôi được huy chương vàng”. Sau bận ấy, Kim Sinh và cô Nguyễn Thị Tuyết, con gái bà Phúc thân thiết như anh em. Mỗi lần cô Tuyết đi ngâm thơ biểu diễn đều gọi Kim Sinh theo.
Là con nuôi bà chủ nhà hát cô đầu song Kim Sinh lại không chuộng cây đàn đáy, nhưng không vì thế mà ông ít trổ tài với các đào nương tài danh. “Có lần tôi bảo mẹ Hồ là mẹ ngâm thơ đi để con đàn hầu mẹ, thì bà bảo “đàn thế thì con hầu mẹ hay mẹ hầu con đây”. Bà Hồ nói vậy là vì lúc đó tôi chỉ đệm ngâm thơ cho các cụ bằng đàn nguyệt ba dây thôi, chứ tôi không thích đàn đáy!”, Kim Sinh nhớ lại.
Dù không gắn bó với ca trù nhưng với giới đào kép, cái tên Kim Sinh đều được yêu mến. Ấy thế mà trong những tháng năm đầu quyết định gắn tình yêu đời mình với cải lương, cậu bé Sinh lại gặp lắm nỗi đắng cay. “Thằng bé mười mấy tuổi đầu như tôi, thấy gánh hát Huỳnh Lan dựng rạp ở gần cũng mon men đến quạt hầu hạ ông bà chủ gánh những mong học được ít nghề. Hồi ấy tôi khổ lắm, vất vả hầu hạ họ, ghẻ lở khắp người, nhưng mấy người ở gánh đều hắt hủi và giấu nghề. Nhưng tôi chẳng oán ai gây khổ cho mình, bởi qua đó tôi học được nhiều điều”, người nghệ nhân già cười buồn.
Khi đã thành danh
Bước sang tuổi trưởng thành cũng là lúc tài nghệ được thăng hoa. Kim Sinh lại được kết thân với nhiều bậc tài danh khác trong làng cổ nhạc với những kỷ niệm khó quên. Từ công việc đầu tiên là nhạc công cho đài phát thanh huyện Khoái Châu, sau này Kim Sinh lại cùng các đoàn cải lương bôn ba khắp các vùng tản cư.
Nghệ nhân Hoàng Trọng Kha vẫn còn nhớ như in kỷ niệm với Kim Sinh những ngày di tản ấy. “Hai anh em dắt nhau ra cánh đồng, gió thì mát, vừa đi vừa vỗ vào vai Kim Sinh đánh nhịp. Tôi dạy Sinh câu hát văn “bóng trăng loan mẫu đơn một đóa, gió lay mành nhang xạ thoảng đưa…”. Cậu ấy học rất nhanh mà đàn rất tốt, như thể rất nhạy bén về âm nhạc vậy!” cụ Kha tâm sự về người bạn xưa của mình.
Thật vậy, mỗi lần hội ngộ người có tài, Kim Sinh lại tìm cách “bắt chước” cho bằng được. “Tôi nghe nhạc rất nhập tâm, rồi học lại. Ngày xưa hàng xóm mở đĩa, mình cố tập rồi đánh ra còn thấy hay hơn trong đĩa. Bởi âm nhạc đã “hấp” qua ngón tay tài hoa thì bao giờ cũng hay hơn rất nhiều”.
Năm 1954, Kim Sinh về làm việc tại đoàn cải lương Chuông Vàng. Ông là tay đàn chủ chốt, đồng thời cũng là thầy dạy cho nhiều thế hệ nhạc công, nghệ sĩ của đoàn. Nhiều người trong đó đã thành danh trong ngành cải lương xứ Bắc.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền kể lại một giai thoại mà anh không thể nào quên. “Thời kháng chiến chống Mỹ, Bố Sinh tôi thường biểu diễn trên đài phát thanh Giải phóng (đài B). Bỗng một ngày nọ, trên đài phát thanh Tự do (của chế độ Sài Gòn cũ) vang lên giọng nói: “Này tên Việt Cộng Kim Sinh, hãy nghe đây!”. Cùng lúc đó là tiếng đàn ghi ta phím lõm của danh cầm Văn Vĩ cất lên với chuỗi 6 câu Vọng Cổ danh bất hư truyền. Mấy hôm sau, bố Sinh lên sóng đàn lại 6 câu đối đáp. Dù câu chuyện “khiêu chiến” trên đài Tự do là do có người sắp đặt chứ thực tình chú Văn Vĩ không biết, song mối giao tình của hai người nghệ nhân lại hoàn toàn có thật ”. Anh Hiền kể, đôi bạn Kim Sinh – Văn Vĩ tuy đến từ hai miền đất nước, song mối đồng cảm của những người khiếm thị có cùng tình yêu với cổ nhạc đã giúp họ kết nghĩa anh em.
Vẫn còn đó những hội ngộ dành cho những người bạn ngoại quốc cảm mến tài năng của danh cầm Kim Sinh. “Tôi còn nhớ năm 96, khi sang Nhật biểu diễn, có ông người Nhật nói với tôi: Cách đây không lâu, trong số băng ghi âm của rất nhiều nghệ sĩ cổ nhạc Việt, chúng tôi mạn phép in riêng một cái đĩa chỉ có tiếng đàn của Kim Sinh. Đáng nhẽ phải được phép của ngài mới in ra, nhưng chúng tôi lại chưa làm việc đó. Vì vậy, rất xin ngài lượng thứ. Tôi bảo, tôi như một thứ hàng tồn kho bị mất chìa khóa, giờ phá được khóa nên làm hết sức mình là tốt lắm rồi. Chuyện đó tôi không oán mà cám ơn các bạn rất nhiều”.
Kim Sinh là vậy, với những ai ông thực lòng quí mến thì dốc hết tâm can. Tình cảm ông dành cho ai cũng chan chứa. Có phải vì vậy mà người nghệ nhân đã trải qua 4 lần đò?
Giờ, tuổi đã cao, nhưng ông vẫn cảm thấy thanh thản bởi cuộc đời lại cho ông cơ may hội ngộ cùng người con gái Kim Ngọc. “Bà Lê (người vợ thứ ba của ông) có công nuôi cái Ngọc đến hết lớp 12. Không có bà nuôi nấng, làm sao tôi có cơ hội gặp và ở cùng con gái như hiện giờ!”. Giờ, cuộc đời ông gắn chặt với “bà ba” và vợ chồng người con gái hết mực yêu thương. Với ông, cuộc sống dù nghèo khó, nhưng như vậy đã mãn nguyện lắm rồi!
Điệp Trần