Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ: Mộng tơ đồng còn mãi



Đến thăm ông vào một buổi chiều muộn. Chập tối, cái nhập nhoạng, ủ rũ của miền quê những tưởng được thể tràn về, song tiếng đàn văng vẳng đâu đây lại khiến lòng người ấm lại. Hóa ra, nhấp hớp trà tráng miệng sau bữa cơm chiều, ông lại lần dở cây đàn đáy, gẩy vài đoạn thân thương để nhớ về một chút xa xưa hoài niệm trong quá khứ. Tiếc nuối về những cây đàn đã mất, nhưng ông có biết đâu, chính mình đã là hóa thân thành một cây đàn. Tinh hoa chất chứa trong con người nghệ nhân đã đưa ông đến trình độ xuất thần, để hễ chạm vào bất kỳ cây đàn đáy nào cũng hiện ra hồn cốt ca trù và cả cái thần cổ nhạc tinh túy. Ông là Nguyễn Phú Đẹ - danh cầm đàn đáy còn sót lại của thế kỷ trước.


Ông Đẹ nay đã gần 90 tuổi. Cái ngưỡng “thất thập cổ lai hi” ghi dấu thời gian bởi vẻ còm cõi và khuôn mặt hóp sâu vì sương gió. Nhưng đừng để vẻ bề ngoài đó đánh lừa, bởi ánh mắt ông luôn toát lên sự vui tươi, yêu đời đến lạ. Còn đôi bàn tay gầy guộc trông có vẻ yếu ớt kia nữa, chỉ cần động vào đàn thôi là bao nhiêu hứng thú của tuổi thanh xuân bỗng quay trở về khiến cho nó trở nên linh hoạt khác thường.
Thật lạ! Thần thái của ông khiến tôi nhớ ngay đến nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. Khuôn mặt bà nhăn nheo tưởng như héo hắt, ấy mà lúc nào gặp khách đến chơi hợp chuyện là “nhả thơ” rôm rả liên hồi. Ông Đẹ thì ý tứ hơn bà Cầu. Còn nhớ ở lễ hội đường phố đón nữ hoàng Đan Mạch tại Hồ Gươm cách đây khá lâu, hai ông bà lại có dịp hội ngộ. Người già cùng thế hệ, hợp nhau bởi tiếng đàn câu hát chẳng khác nào bạn thân lâu ngày gặp mặt. Nếu bà Cầu chọc ông bằng những lời đúng chất “xẩm” đến là mộc mạc, thì ông đáp lại bà bằng những câu đùa ý nhị song chẳng kém phần hóm hỉnh. Học trò của ông còn “chộp” được pô ảnh hai người nghệ nhân già khoác tay nhau cười sung sướng trong thang máy khách sạn. Nhìn gương mặt già nua nhưng đầy sức sống ấy, có ai biết đâu rằng, cuộc đời ông cũng trải qua lắm nỗi gian truân, gắn chặt với những biến cố thăng trầm của nghệ thuật ca trù.

Tiếng tơ đồng thủa trước

“Nếu nói là biết đến tiếng đàn thì tôi nhiễm từ trong bụng mẹ ý chứ. Bởi đi đâu cũng nằm trong bụng mẹ nghe tiếng hát, tiếng đàn còn gì?”, ông Đẹ cười và đùa vui vẻ. Nói là vậy, chứ kỳ thực, mười hai tuổi ông mới được cha cho động đến cây đàn. Ngày ấy, ban ngày cậu bé Đẹ tha hồ đi chơi đùa cùng chúng bạn, nhưng cứ đến tối phải học đàn. Ở cái thuở niên thiếu nào ai đã biết gì, nhưng đó là cái nghề của gia đình nên gắng mà theo. Những tiếng “tùng tếnh tùng tênh” gượng gạo ban đầu, sau 3 năm rèn giũa đã trở nên sống động. Đó cũng là lúc cậu thiếu niên Nguyễn Phú Đẹ được cha cho ứng thí ra nghề.
Hội đền ca công trong làng năm ấy dường như vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người nghệ nhân già. Đào kép đi đâu đúng dịp đó cũng phải tụ về đền. Một là dự hội, đóng góp tế lễ ăn uống, thứ nữa là để tổ chức khảo thí cho những đào, kép học nghề được ra hát. Khi ấy, thí sinh phải có một cơi trầu, một hoặc vài ba hào vào làm lễ thánh để xin phép rồi ngồi vào đàn hát trước một hội đồng gồm chủ khảo, thủ khoán, xã khoán, thư ký…Qua được kỳ khảo thí này, đào kép mới được ra nghề, không thì đành ngậm ngùi đợi đến năm sau.
Cây đàn đáy chính thức trở thành cái nghiệp của ông từ ngày ấy. Thời gian đầu, ông cùng gia đình đi hát ở các đình làng quanh vùng. Mỗi dịp tháng Chạp, tháng Giêng, cả nhà phải cắt cử nhau đi các cửa đình. Hát từ lúc chập tối khi dân làng xúm đông xúm đỏ đến giữa canh khuya, cho tới sáng, lúc cửa đình chỉ còn lác đác vài người. Người ta thì chè chén, mình hát mệt thì nghỉ, cứ thế thay nhau làm. Cái nghiệp cầm ca là vậy. Mang tiếng chẳng phải nhọc công đồng áng, nhưng khi vào việc, chưa biết ai khổ hơn ai?
Ông Đẹ kể, đàn đáy thời ông vẫn còn dùng dây tơ chứ không phải dây nilon như bây giờ. Cả nhà ông có ba cây đàn, đều treo trang trọng trên cột khuôn. Nhưng mỗi lần cả đoàn dắt díu cuốc bộ đi diễn ở tỉnh xa, cây đàn đáy lại được tháo ra thành từng phần cho gọn. Thùng thì tay xách, cần thì vác trên vai. Những chuyến đi dài đó chỉ là quãng đầu cho cuộc mưu sinh của người kép trẻ Nguyễn Phú Đẹ ở chiếng xứ Đông thuở nào.
Vùng Hải Dương, Hải Phòng đầu thế kỷ XX vẫn là một mảnh đất màu mỡ của ca trù. Những tay đàn trẻ như ông Đẹ thấy ai đàn hay thường mon men tiếp trà nước điếu đóm cho đến khi học kỳ được ngón đàn mới thôi. Giới nghề cũng lắm ganh đua. Họ dùng câu hát, tiếng đàn thay lời chào hỏi và cũng là để so tài khi hội ngộ. Ngón đàn hóc hiểm gặp người hát vững thì chẳng mấy mà quí mến lẫn nhau.
Kỹ thuật đàn đáy không quá khó, nhưng để thực hay thật lắm công phu. Tiếng đàn hay được giới nghề là đàn “mỡ”, nghe chín nục ngấm sâu vào lòng người. Muốn vậy, kỹ thuật nhất, chùn, rung, mổ….phải được luyện đến mức công phu. Ngón nhấn tạo âm sắc mềm mại, ngón chùn khiến âm thanh xuống thấp, ngon rung tạo độ ngân cho tiếng đàn khiến bài hát mềm đi và giàu tình cảm, ngón mổ tạo điểm nhấn có chút chất động giữa các sợi dây rung.
Ngày ấy, ở Hải phòng có đến 30 nhà hát mà chỉ có hơn 10 kép đàn, còn cô đầu chỉ dăm bảy người hát được. Vì thế, kép đàn “mảnh” như ông Đẹ chẳng mấy khi hết việc. Người ta gọi thì mình đi đàn, cứ chạy hết nhà này đến nhà khác. Nhà hát ăn hai đồng thì kép đàn được 5 hào, đào kép nếu được thướng riêng thì tự hưởng. Những bận đàn khuya mãi đến đêm mới ra phố, ông vẫn gặp nghệ nhân Kim Sinh đi làm về. Thuở ấy, nghệ nhân Kim Sinh cũng từng bôn ba xuống tận Hải Phòng để đàn hát kiếm ăn. Anh em cùng cảnh nên biết nhau cả. “Ngày ấy tôi sống bạt tử. Cứ đàn ở đâu thì đó là nhà”, ông Đẹ tủm tỉm nhớ về một thời xa vắng.

Tơ đàn dẫu đứt…

Bước ngoặt của lịch sử trong những ngày khởi nghĩa cũng đánh dấu ngã rẽ lớn của các đào kép. Mang tiếng “ăn chơi” nên chẳng lạ gì khi đời sống ca trù rơi vào cảnh tan đàn xẻ nghé. Thời cải cách ruộng đất, đào, kép dù tìm về cố hương kiếm kế mưu sinh nhưng cũng chẳng thoát nổi ánh nhìn nghi ngơ, dò xét và cũng chẳng ít lần bị qui là dân ăn bám. “Ông chú tôi biết chữ nho, dạy đàn, dạy hát, không có lấy một sào ruộng trong tay thế mà họ qui kết là địa chủ. Về sau được sửa sai, cụ chán đời bỏ đi tu ở vùng Cửa Ông rồi mất ở đấy”, ông Đẹ thở dài. Ngôi đền ca công xưa cũng nát hết, chỉ còn lại mỗi mật khám và bộ đỉnh con con. Buồn lắm!
Còn ít ruộng, đám con cái đào kép trong nhà đành gác lại đàn phách, tập quen với cái cuốc cái cày. Với ông Đẹ, cuộc mưu sinh cùng cây đàn thôi đành gác lại. Đôi bàn tay khéo léo vẫn thường nhấn nhá phím đàn, buộc phải trở nên thô ráp bởi những gian truân trên thửa ruộng cày.
Thời gian như cơn gió thoảng, ấy thế mà đã 50 năm dứt nghiệp cầm ca. Những tưởng tiếng đàn xưa đã trôi vào quên lãng, ngờ đâu ông lại có dịp trở về với những giai điệu thân thương thuở trước. Năm 1995, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) lên kế hoạch tìm các cụ cao niên còn lưu chút vốn cổ ca trù. Thật may, vẫn còn một cụ bà ngày xưa đi phục vụ ở quán hát phố Khâm Thiên và ông Đẹ. Từng ấy năm trôi qua, đàn phách chẳng còn. Nghiệp cầm ca đứt quãng, giờ đành bắt tay làm lại từ đầu.
Cây đàn đáy đầu tiên ông có được sau từng ấy quên lãng cũng thật giản dị. Huyện cho ông được 100 nghìn đi đóng đàn, nhưng dùng hết 80 chục thôi, vẫn còn thừa hai chục. Ông Đẹ kể mình phải mất 3 ngày liền ngồi hướng dẫn người thợ mộc từng chi tiết cây đàn. Đàn đáy xưa phải làm bằng gỗ cây ngô đồng, nhưng cây này đành làm bằng gỗ dán. Thợ mộc nào phải người chuyên làm đàn nên dù vẫn hình dạng ấy, âm thanh phát ra không sao hay được.
Vốn cổ trong ông ngủ yên trong chừng ấy năm chợt thức dậy. Ngón tay động lại vào đàn sao lạc lõng quá. Lúc đầu ông cũng hoảng và bỡ ngỡ như người mới làm quen với ca trù. Nhưng càng luyện càng ngấm, các ngón đàn mới dần dần hiện ra. Cứ mỗi lần động vào đàn, ông lại nhớ ra chút ít, gân đàn hồi lại, tiếng nghe cũng nắn nót như xưa. “Cây đàn thợ mộc” đã đồng hành cùng ông suốt 10 năm cho đến lúc ông có được một cây đàn đáy thực thụ vào năm 2005. Đó cũng là lúc những ngón nghề xưa cũ đã thực sự hồi sinh.

Tiếng lành về một nghệ nhân đàn đáy cao niên còn sót lại vang xa đến đất Hà thành. Từ những buổi biểu diễn tại địa phương, ông đã được các đào nương Hà Nội mời về biểu diễn. Nghệ sĩ Bạch Vân, những nghệ sĩ của nhóm ca trù Thái Hà đều đã từng gặp ông học hỏi. Năm 2005, ông Đẹ giành được huy chương vàng “Liên hoan ca trù toàn quốc” và năm 2006, ông chính thức được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng là Nghệ nhân dân gian. Đây cũng là năm ông và nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc cùng học trò Phạm Thị Huệ thành lập câu lạc bộ Ca trù Thăng Long.
Cụ Nguyễn Phú Đẹ cùng học trò Phạm Đình Hoằng
Người đến xin học đàn của ông cũng ngót nghét con số 30, nhưng có lẽ theo được đến cùng chỉ có 1 đôi người. Giờ, người học trò mà ông ưng ý nhất là kép đàn Phạm Đình Hoằng. Bởi hiếm có người nào lại theo ông lâu như vậy. Suốt từ năm 2006 đến nay, hai thầy trò vẫn đều đặn gặp nhau trong những buổi học đàn. “Quả thực, ở tuổi này tôi không tiếc gì nữa ngoài các ngón đàn bao công rèn luyện. Nhưng may mắn quá, tiếng đàn giờ đã chọn được người có tâm để mình trao gửi. Giờ chỉ cần luyện cho chín nục, gân đàn vững, lưu loát nữa thôi. Rồi thời gian sẽ trả lời. Còn với tôi, âu đó cũng là một điều mãn nguyện”, đôi mắt ông hấp háy một chút vui tươi.
Quả vậy, người có tâm với cổ nhạc bây giờ hiếm lắm! Người ta đi học đàn của ông có khi chỉ được vài ngày là bỏ. Có người ở xa tìm đến trụ được dăm buổi rồi đành cáo lui, nhưng khi về cũng tự nhận là học trò nghệ nhân. Học đàn vài bữa nửa tháng thì được mỗi mấy ngón đàn, chứ muốn thành nghề phải chịu khó rèn rũa 3,4 năm mới gọi là tạm ổn.
Giờ người theo học ít hơn, ông lại mở lớp dạy đàn miễn phí cho con cháu trong làng. Ông bảo, ở Hà Nội học đàn còn biểu diễn nọ kia kiếm tí chút, chứ nhà quê hát cho ai nghe mà đàn cho ai nghe, thành ra bọn trẻ không ham lắm. Ấy thế mà trong làng vẫn tụ đủ dăm cháu thỉnh thoảng lại đến chơi với ông rồi học mót tí món nghề.  
Sau bao năm xa cách, giờ cây đàn đã trở về với người nghệ sĩ xưa. Ngắm ông khoan thai nhấn nhá từng phím, lòng sao nhẹ bẫng. Cổ nhạc Việt Nam thật lạ, tựa như gừng càng già càng cay. Cũng như tiếng hát của ả đào, tiếng đàn chín nục, khi khoan, khi nhặt, lúc lưu loát, lúc lại gằn gọc thế kia chỉ có thể do đôi bàn tay của người nghệ nhân đã trải cả đời mình cùng tiếng tơ đồng.
Biết tuổi già là héo hắt, nhưng ông Đẹ vẫn tự cho mình còn may mắn lắm khi đôi tay nắn phím đàn vẫn tốt. Đừng bảo thời gian trôi sẽ cuốn đi tất cả. Sau 50 năm, tình yêu xưa cũ trở về vào những tháng xuân tàn đã giúp hoa kia tươi trở lại, tựa như bài thơ “Thỏa nỗi ước mong” ông đã làm để tặng chính mình:
Bao năm ôm ấp tiếng tơ đồng
Ngày ngóng, đêm mong vẫn lạnh lùng
Giờ đây gió mới hoa đua nở
Thỏa nguyện lòng ta những ước mong

Giá gì tuổi mình còn xuân nhỉ?
Vui với ngày xuân tận hưởng xuân…

 Điệp Trần