“Có người lên đồng, bảo cung văn phải hát bài
Cây trúc xinh. Thấy vậy tôi dựng đàn đi luôn, không hát nữa. Bởi tôi hát phục
vụ thánh, chứ không phục vụ những yêu cầu nhố nhăng như thế”, cung văn lão
thành Lê Bá Cao khẳng khái.
Trong ngành hát văn, có lẽ cụ Lê Bá Cao là một trong những
người luôn nghiêm túc nhìn nhận và lên tiếng về những bất cập của giới nghề. Thẳng
thắn, bộc trực mà thâm thúy, không ít lần cụ Cao đã giúp lớp hậu nhân nghiệm ra
những giá trị của người xưa. Nghe cụ kể về chuyện nghề, chuyện đời đầy khẳng
khái, ít ai biết rằng cuộc hành trình với nghiệp hát văn của người nghệ nhân
sinh năm 1932 này cũng lắm nỗi gian truân.
Chìm nổi phận nghề
Hát văn, đi cúng vốn là nghiệp của gia đình nên cụ Cao đã
được bố cho đi phụ giúp từ năm 7 tuổi cũng là khi Hà Nội loạn lạc. “có hôm đi cúng về khuya quá giờ thiết quân
luật, thấy ô tô của Tây đỗ lại, chĩa súng vào thì ông cụ tôi vội giơ đàn mà nói
“xin xin bồ đà (đi lễ)” là cho đi. Ấy thế mà khi Tây nó đánh về đây, bố vẫn bị
bắt làm tù binh mất một năm. Năm 46 – 47, khi ông được thả về cũng là lúc tôi
bắt đầu học hát văn cùng bố và các thầy”, cụ Cao tâm sự.
Cụ Cao kể, ngày xưa trò phải tự mình hình dung lối hát mà
ứng tác vì thầy chỉ dạy các chiêu nghề cơ bản, song bù lại rất nghiêm khắc. “Tôi mà hát sai là bố giật luôn phách, phạn
vào đầu gối. Nước mắt chảy ròng ròng mà tôi vẫn phải gảy đàn, đánh nhịp. Đi hát
cho người ta lên đồng từ chập tối đến 1 – 2 giờ đêm phải ngồi đánh nhịp trường
canh cho thật vững, đánh xô đi là chết với ông”, cụ Cao nhớ lại.
Cụ Cao có một xoang giọng đặc biệt mà dân gian gọi là Thổ
đồng - trầm mà pha mầu kim loại (đồng) cùng với hơi ngân hạt lựu nên được nhiều
ông bà đồng ưa chuộng. Hai cha con người nghệ nhân vẫn tiếp tục lăn lộn cùng
nghề khắp nội ngoại thành Hà Nội đến năm 53 đành phải ngừng lại. “Ngày ấy ông cụ nhà tôi bị tố là “đi làm nghề
thầy cúng bóc lột nhân dân về nuôi vợ nuôi con”, người ta đòi về truy xét. Cũng
may ông đội ở làng là người linh động hỏi rõ tình hình nên mới thôi”, cụ
Cao trầm tư.
Bỏ nghề hát văn, cụ Cao nhận dạy học cho trường dân lập của
làng rồi chuyển sang làm kế toán cho Hợp tác xã. “Năm 71, bố tôi già quá rồi nên tôi đành bỏ việc tiếp quản nghề của cụ.
Giai đoạn ấy, cúng bái hát văn vẫn bị cấm cách nên toàn phải lên miền rừng núi
hát cho người ta”, cụ Cao cho biết.
Bị cấm đoán nên không ít lần cụ Cao “đụng” phải công an. Từ
bận bị bắt ngồi ở đồn công an Hoàn Kiếm (Hà Nội) đến cảnh đang đàn cho lên đồng
thì thấy công an đứng giữa đường bắn súng liên hồi cảnh cáo gần miền Hà Giang.
“Vì thế khi đi hát, tôi phải tháo đàn ra,
bầu riêng – dọc riêng cho vào túi xách, cảnh phách chẳng mang. Đến nhà đền mượn
cái đĩa nhôm, chiếc đũa với cặp chân cảnh là hát phục vụ người ta suốt”.
Lăn lộn với nghề thêm mấy chục năm khắp các đền phủ, trông
nom 5 ngôi đền khu vực phía Nam Hà Nội, khi về già, ông lại trở về coi quản
ngôi chùa làng mình. “Tôi nghỉ hát văn
lâu rồi, giờ cầm đàn tay đã cứng, đánh sai cả nốt đây này! Hơi của mình không
cao như xưa được nữa, giờ chỉ “là là mặt đất” thôi!”, ông cười hỏm hỉnh.
Giờ, ngoài việc thỉnh thoảng có người mộ tài mời đi hát,
ông lại hàn huyên cùng những học trò hát văn của mình về biến đổi khôn lường
của hát văn thời nay.
“Đức thánh Trần là
khách không mời của Tứ phủ”
Đó là câu nói mà cụ Cao hay nhắc đến nhất trong những cuộc
đàm đạo của mình. “Tứ phủ trình đồng,
phát tấu xong thì thỉnh phật, chứ có trình gì nhà Trần đâu. Nhưng các bà đồng
bảo cứ lên một giá nhà Trần đề chứng đàn. Có người lên 5 giá đồng về nhà Trần
đều “lên đai thượng – thắt cổ” với xiên lình hết cả lượt! Đức thánh Trần là
khách không mời của Tứ phủ. Tôi mời Tứ phủ chứ có mời ông đâu? Thật không thể
chịu nổi!”, cụ Cao gay gắt.
Với cụ, không phê phán thì tín ngưỡng hầu đồng sẽ ngày càng
biến dạng. Chọn cách hài hước hóa câu chuyện tâm linh, cụ Cao kể, “Có bà đồng đòi lên 5 quan ngũ hổ (vốn chỉ
được mời khi thầy pháp sư có đồng trượng cúng trừ tà khí). Lên 5 ông rồi, lại
đòi lên thêm 1 ông hổ nữa. Cung văn mới trêu “5 ông tôi đã mời rồi, còn ông hổ
cái tôi mời ông lên”.
Với con mắt đã trải nghề mấy chục năm, cụ Cao kể ngày xưa
lên đồng rất chân phương, ngay cả từ trang phục. Năm áo – năm màu có thêu thì
thêu tản vân, lên các giá quan thì thay khăn xếp, lên giá trầu khăn vuông thêu
phượng có rua và thay đổi mạng, xà tích, dao quai…cho phù hợp. Hình thêu lưỡng
long chầu nguyệt, rồng ngũ chảo, tứ chảo (4 – 5 móng) hầu như không có, bởi đó
là biểu tượng vua chúa. “Ấy thế mà giờ
thì giá quan lớn nào cũng thêu đầy rồng chầu mặt nguyệt. Đúng là cuộc sống tân
tiến nên các quan cũng phải tân tiến theo. Cái này gọi là quan của thị trường
mà!”, cụ cười với vẻ thâm thúy.
Trong giới cung văn nhiều người đi học để làm tiền, chứ
không phải lấy cái nghề. “Thậm chí, các
anh còn kêu “bắt chúng con học thế này thì 4, 5 năm cũng chả kiếm được tiền”.
Tôi có biết một người, vốn là diễn viên cải lương đi học hát văn, được ít lâu
đi hát cho người ta hầu đồng toàn hát cải lương, không ra thể thống gì hết!”,
cụ Cao ngán ngẩm.
Tín ngưỡng Tứ phủ với những đổi thay chắc sẽ còn trải dài
trong những câu chuyện của cụ Cao. Hiện cụ đang giúp sức cho Câu lạc bộ bảo tồn
nghệ thuật Hát Văn truyền lại vốn cổ cho thế hệ sau. Theo cụ, trước tiên là
truyền lại cho những người đã có nghề các làn điệu và kỹ thuật hát văn chân
chính theo lối cổ. “Lớp này phải dạy ngay
chứ để họ hỏng thì đời sau này cũng hỏng hết, vì chúng tôi già rồi, toàn những
người 80 - 90 tuổi, mấy năm nữa đi hết thì lấy ai truyền dạy cho”, cụ Cao
chia sẻ.
Điệp Trần