Khuôn mặt rạng ngời,
râu tóc trắng, vóc dáng phương phi với giọng trầm vang hào sảng, ít ai nghĩ
được một cụ ông 90 tuổi lại có được thần thái tinh anh như thế. Trong giới
nghề, cụ Kha được coi là một trong những cung văn đại thụ, người nắm giữ không
ít tinh hoa chầu văn đất Hà Thành.
Giang hồ một thuở
“Tôi còn nhớ mãi câu
nói của bố - tôi dạy anh hát là tôi cho anh vàng bỏ vào túi, không chịu khó học
thì về sau anh khổ, vì đây là cái nghiệp của gia đình”, nghệ nhân hát văn
Hoàng Trọng Kha trầm ngâm nhớ lại, bắt đầu hồi về những dòng ký ức xa xưa.
Bắt đầu học hát từ năm 15 tuổi, cậu bé Kha đã có vốn chữ
nho, lại thêm mấy ngón đàn nguyệt cha luyện cho từ năm 10 tuổi, nên nắm bắt rất
nhanh. “Xưa nghiêm lắm, tôi phải luyện
giọng bằng cách hét vào cái chum cho đến
khi vỡ tiếng mới được bắt đầu học. Rồi đánh nhịp cho chắc rồi mới cho hát, hát
xong câu văn mới được luyện đàn. Cũng may tôi có khiếu, nên chỉ không đầy 1 năm
đã được bố cho đi theo”, cụ Kha nhớ lại.
Ngày ấy, đất Hà Thành lưu truyền tiếng vang về “ngũ hổ” gồm
5 cung văn trẻ tuổi tài cao trấn giữ các cửa đền năm cửa ô. “Cũng bởi anh em chúng tôi cũng hay dự thi
văn ở các đền nội thành nên các cụ tặng cho cái chức ấy. Mỗi kỳ thi văn, các cụ
lại bảo “Ngũ hổ nó đến đấy!”.
Các cuộc thi văn xưa ở mỗi đền một khác, khó nhất là nhớ từ
kiêng húy của từng nơi mà cải biến cho hợp. Giám khảo gồm 3 người, ai hát hay
là đánh trống, thưởng khuyên để tính điểm, từ ấy mà xếp hạng nhất – nhì – ba. Cung
văn đi thi phải biết chữ nho, đàn hát hay, hơi khỏe, phóng âm nhả chữ sao cho
đẹp và nội tâm mới đạt. “Hát mẫu thoải
đến đoạn bà bị đày, cung văn phải hát lối phú rầu sao cho lộ được nỗi uất ức.
Đấy chính là nội tâm khi hát, anh nào giỏi lắm mới thể hiện được ra ngoài”,
cụ Kha hồi tưởng.
Cụ Kha bảo, chỉ có cung văn Hà Nội đi thi chứ tỉnh khác về
rất ít. Không phải vì họ thua tài, mà bởi cung bậc hát văn ở Hà Thành có sắc
thái rất riêng. “Ở Hà Nội đàn hát có gần
hai chục lối. Phú rầu nghe buồn, phú chênh hơi man mác, phú nói thì chững chạc,
uy nghiêm…nhiều lắm tôi kể ra không hết! Ở Nam Định thì người ta chỉ hát ba,
bốn lối thôi”.
Anh tài trong giới thỉnh thoảng cũng chọe nghề nhau, khoe
những ngón đàn khó. Người nào không biết đành chịu ngồi im mà nghe. Nói vậy chứ
những người đồng hội cũng đùm bọc lắm. Xưa có lối đồng ca, hát đỡ nhau. Để làm
được, cung văn phải hiểu nhau, sao cho hai người hát như một. “Chỉ khác đi vài chữ hoặc chữ này nhả trước,
chữ kia nhả sau là không được. Như vậy sao gọi là đồng ca?”, cụ Kha nói.
Lăn lộn và thành danh trong nghề, song niềm yêu thích thật
sự của người cung văn lại là cải lương. Thời loạn chẳng tha ai, đến năm 1946,
gia đình cụ Kha phải sơ tán về quê. Gặp gánh hát cải lương tản cư, cụ xin gia
nhập rồi đi luôn với họ, mãi đến năm 1951 mới quay về Hà Nội, trụ ở đoàn Chuông
Vàng. Cuộc đồng hành cùng hương sắc cổ nhạc xứ Nam kéo dài gần 40 năm với những
thăm trầm, niềm vui và cả nỗi buồn. “Hồi
ấy cán bộ khắt khe về đồng bóng. Tôi theo cải lương rồi nên không bị cấm đoán,
nhưng người quen đều bị tra hỏi. Chúng tôi vốn nghèo khổ, lấy cái nghề đàn hát
để sinh sống chứ nào có mục đích gì. Mọi chuyện cũng vãn đi, có điều sau đó
không ai dám hát văn nữa”.
Chút tài lưu lại cho
đời
Tháng 4/2012, nhóm sưu tầm vốn cổ hát văn của CLB Bảo tồn
nghệ thuật Chầu Văn Việt Nam
đã tìm gặp cụ Kha những mong được lưu lại vài ngón đàn khuôn khổ của hát văn
xưa. Cụ Kha cười bảo, “tôi muốn truyền
lại nghề, nhưng đã dạy thì phải thị phạm, mà tôi 90 rồi, mệt lắm! Hát thể hiện
thì được, nhớ đến đâu thì tâu đến đấy thôi nhé!”.
Nói vậy, chứ khi cầm lại cây đàn nguyệt, người nghệ nhân
già như bừng tỉnh lại. Phú rầu, phú bình, phú chênh, phú nói…những điệu hát cứ
lần lượt cất lên với âm vực sâu tựa như thoát từ tận tâm can. Cũng chẳng lạ,
tuy mấy chục nắm gắn bó với cải lương, nhưng khi ở tuổi hưu cụ lại được dịp
quay trở về nghề hát văn xưa. “Có người
bạn bảo tôi – người ta học mấy năm không được bằng chú, quay về mà xin lộc
thánh đi. Thế là mình về. Đó là vào những năm 86 – 87”. Kỹ thuật đàn, hát
bao năm ngủ yên song vẫn như cuốn sổ đã in vào óc, không thể quên lề lối. Chỉ
một thời gian ngắn cụ đã dần hồi lại vốn xưa.
Đời sống hát văn thưở trước cũng ngặt nghèo. Phải là người
có tiền mới dám ra đồng. Cung văn giữ cửa đền muốn kéo được bà đồng đến hầu
phải hát hay, đàn ngọt. Ông bà đồng xưa cũng rất sành, họ lên đồng đấy, nhưng
tai vẫn lắng nghe văn, câu nào lạ mà không “thượng tùy hạ tiếp”- trên nào dưới
vậy là bắt lỗi ngay.
Hát văn giờ cũng khác xưa nhiều. Những lối hát chân phương
mà lề lối, kỹ thuật mà vẫn gửi gắm tâm tư sao hiếm vậy? Cụ Kha thở dài, “Cố gắng dùng cái gì cổ từ ngày xưa, có phát
triển nhưng chỉ nên ở mức nào đó thôi, tước bỏ những gì nhảm nhí. Bởi tôi hát
thờ ngài, chứ không nịnh “ghế” ngài. Tuy nghịch nhĩ, nhưng các chú cùng suy xét
nhé!”
Ở tuổi 90, song cụ Kha vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt
động của CLB bảo tồn nghệ thuật Chầu văn Việt Nam . Lời khuyên của người nghệ nhân
già cho lớp hậu nhân chẳng có gì nhiều, “anh
ngâm thơ thế nào được bằng các nhà thơ, anh hát chèo sao sánh nổi với nghệ nhân
chèo. Thế nên, anh cứ cố giữ gìn lấy cái vốn hát văn của mình sao cho chín, như
vậy chẳng ai bằng anh đâu!”.
Box: Tháng 3/2012, cung văn lão thành Hoàng
Trọng Kha đã chính thức được hội văn nghệ dân gian trao tặng bằng công nhận
danh hiệu nghệ nhân dân gian. Trước đó, ông từng nhận nhiều bằng khen về những
đóng góp cho ngành cải lương Việt Nam
Điệp Trần