Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Nghệ sĩ ưu tú Đoàn Thanh Bình: KHI CUỘC ĐỜI LÀ NHỮNG “CHUYẾN ĐI”!


Khởi nghiệp bằng Tuồng, thành danh ở Chèo, lúc luống tuổi lại thử thách với Ca trù. Với NSƯT Đoàn Thanh Bình, cuộc đời luôn là sự vận động, giống như những “chuyến đi” để trải nghiệm mong thỏa mãn nỗi đam mê và gắn bó với âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Người nghệ sĩ Chèo với giọng hát “trời cho”

Là con gái trong một gia đình nghệ thuật, Đoàn Thanh Bình đã được tiếp xúc với cổ nhạc từ nhỏ. Sớm bộc lộ năng khiếu và chất giọng có màu “trời cho”, cô bé Bình đã được bà nội là NSND Cả Tam – cây đại thụ của làng chèo Việt Nam lúc bấy giờ dạy cho những làn điệu đầu tiên. “Cũng may tôi kịp học bà hai làn điệu chèo cổ. Tiếc là năm 15 tuổi tôi lại theo bố mẹ đi vào ngành Tuồng”, Thanh Bình bắt đầu câu chuyện.
Khởi nghiệp với Tuồng, nhưng cơ duyên lại dẫn Thanh Bình đến với sân khấu Chèo. “Bà nội tôi vẫn tiếc vì trong nhà chẳng có ai theo nghề cụ. Duyên thế nào, hôm bà mất, nghệ sĩ Trần Bảng giám đốc nhà hát Chèo đến viếng, gặp tôi thì bảo: “thôi cho con bé này về với đoàn”. Ngã rẽ sang Chèo của tôi bắt đầu từ ấy!”. Chị Bình kể, hồi nhỏ chị chọn Tuồng là vì thấy diễn viên ăn vận sặc sỡ đẹp mắt, còn Chèo giản dị quá nên thôi. Khi lớn đã biết nghe, biết cảm nhận, Thanh Bình bị Chèo thu hút. “Một lần được xem đoàn Chèo trung ương diễn các vở “Lọ nước thần”, “Súy Vân giả dại” và “Quan âm Thị Kính” hay quá, tôi mê ngay lập tức! Thế là đồng ý học Chèo luôn!”, chị Bình cười nhớ lại.
Năm 1975 về nhà hát Chèo Trung ương, Thanh Bình đã gây ấn tượng bằng vai Thị Kính kinh điển. Với giọng hát nổi trội, kỹ thuật nhả chữ điêu luyện, chị đã để lại nhiều vai diễn đáng nhớ. Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc luôn có dấu ấn của Thanh Bình: 1985, Huy chương Vàng (HCV) cho vai chị Chúc trong vở “Sông Trà Khúc”; HCV cho vai mẹ Từ Thức (1990); HCV cho vai Lã Thị (1995) và đặc biệt là HCV và bằng khen cho giọng hát hay nhất cuộc thi giọng ca Chèo toàn quốc năm 1992.  “Tôi may mắn được học hỏi những tài năng lớn trong nghề như các nghệ sĩ Minh Lý, Lệ Hiền, chú Bùi Trọng Đang ….Như cây ươm trong đất tốt, tôi mới có cơ hội để thành công cùng Chèo”, chị Bình tâm sự.
Với Thanh Bình niềm ham mê học hỏi đã ăn sâu vào máu. Sẵn sàng bỏ Tuồng chuyển sang Chèo vì niềm yêu thích, rồi khi luống tuổi chị quyết định gác lại 30 năm gắn bó với Chèo để bén duyên Ca trù. Có người bảo chị liều lĩnh khi học lại từ đầu lúc tuổi đã 52. Chị chỉ cười, “vì đó là đam mê và cũng là cái nghiệp của mình rồi! Ca trù hay quá mà mình không học thì thật là phí.

Với ca trù không bao giờ là muộn!

Thanh Bình và đào nương lão thành Kim Đức kỳ thực đã có duyên từ trước khi hai người diễn cùng nhau. Cô hát ca trù, cháu hát chèo. Dần dà, tay phách điêu luyện của cụ Đức đã hút hồn chị lúc nào không hay. “Cụ Đức muốn dạy ai là phải xem cả tài lẫn tính nết. Cụ bảo học ca trù phải kiên trì chứ không đơn giản đâu. Nhưng một khi cụ đã nhận ai thì sẽ cố sức truyền từng tí một”, chị Bình nói.
Nghệ sĩ Đoàn Thanh Bình (ngoài cùng bên phải) cùng nghệ nhân Phó Thị Kim Đức 
Sáu năm theo Ca trù nhưng Thanh Bình vẫn tự nhận mình “tạm được thôi”. Chèo bay bổng, ca trù lại tinh sảo với những cái rung con kiến thoát ra từ “thổ tận can tràng” nên người nghệ sĩ chèo phải mất một thời gian dài mới định hình được giọng ca. “Hát ca trù phải hát và đánh phách cùng lúc. Thời gian đầu, tôi hát được hỏng phách, phách được lại hỏng hát. Phải mất 3 năm tôi mới gõ được thuần thục đấy, chứ trước đó thì ngớ ngẩn lắm!”
Khiêm tốn vậy thôi, chứ kỳ thực những ai đã nghe chị hát đều gật đầu tâm đắc. Vẫn những lối hát khuôn khổ, nhưng ngắt hơi, nhả chữ muốn điêu luyện phải nhờ thời gian rèn giũa, nhịp phách muốn sống động phải luyện tập đêm ngày. Nghe Thanh Bình nhấn nhá lời ca, người biết nghe ca trù cũng vui lây vì cụ Kim Đức đã tìm được truyền nhân kế tục.

Cổ nhạc Việt là vậy. Tưởng đơn giản đấy, nhưng muốn hay phải theo đuổi ròng rã. Thử hỏi người trẻ liệu có kiên nhẫn theo được? “Mười ba năm tôi đi dạy ở các trường nghệ thuật mà vẫn chưa thấy em nào ưng ý. Bởi các em đều đặt mục đích kiếm tiền lên trên hết, nhưng mình hiểu, bởi xã hội bây giờ là thế mà!”, chị Bình cười buồn. Chị kể, nhiều em giọng rất hay, nhưng diễn nhiều sô quá nên tơ thanh đới hỏng hết cả. Người nghệ sĩ phải biết giữ giọng và luyện tiếng hát sâu, phát ra từ bụng thì mới truyền cảm được. 
Niềm vui với ca trù của Thanh Bình càng được nhân đôi khi chồng chị, NSƯT Vũ Ngọc đã sát cánh cùng vợ. “Vợ học hát, chồng học đánh trống. Tôi cũng dạy lại cho anh 5 khổ phách rồi. Giờ, chồng là quan viên kiêm “xe ôm” cho vợ”, chị Bình cười với ánh mắt vui tươi mãn nguyện.
Cuối năm 2012 này, chị đang lên kế hoạch ra mắt một album ca trù với các lối hát khuôn khổ của mình. Hi vọng đứa con tinh thần này sẽ là động lực giúp Thanh Bình gắn bó bền lâu với thể loại cổ nhạc đặc sắc bậc nhất: Ca trù.
Điệp Trần