Khi
đời sống hiện đại phủ khắp Tây Nguyên cũng là lúc những nét văn hóa cổ truyền
của các tộc người nơi đây có phần lung lay và suy giảm. Hát nhạc mới thay vì
dân ca, chơi nhạc tây thay vì những nhạc cụ cổ truyền đơn sơ mộc mạc, giới trẻ
đã dần quên đi những nét đẹp và giá trị trường tồn của dân tộc mình. Di sản của
cha ông giờ chỉ còn được ít người tận tâm lưu giữ. Nghệ nhân chế tác nhạc cụ cổ
truyền người Jarai Rơchâm Ti’h là một trong số ấy. Để hiểu rõ hơn những tản mạn
về giá trị cổ nhạc của dân tộc Jarai, PV đã có cuộc trò chuyện cùng anh.
- Dưới con mắt của một người trong cuộc, theo anh, tại sao
giới trẻ trong làng lại ít quan tâm đến âm nhạc của cha ông mình?
Bây giờ cuộc
sống của giới trẻ Tây Nguyên gắn nhiều hơn với đám cưới, xe cộ, đánh trống,
đánh nhạc như người Tây chứ không phải là nhạc cha ông. Họ chê nhạc dân ca của
mình đơn sơ quá. Giọng của người Jarai rất khỏe, nhưng hát dân ca thì chỉ hát
trong làng thôi. Họ không có hứng. Họ thích được khen, được vỗ tay và nổi tiếng
như chị Siu Black hơn.
- Thế còn chuyện nhiều người theo tôn giáo du nhập có làm ảnh
hưởng đến việc giữ gìn văn hóa của tộc người mình không, thưa anh?
Tôi nghĩ là do
tùy từng đạo. Nếu theo đạo Tin lành, người ta sẽ không làm con của Giàng nữa.
Và để tuân theo những qui định của đạo đó, họ bỏ hết những truyền thống của dân
tộc mình. Ngược lại, đạo Thiên chúa trên Tây Nguyên lại khuyên mình giữ lại
những nét văn hóa của dân tộc. Vẫn cúng nhà rôông, vẫn ăn trâu như bình thường.
Các cha xứ vẫn tham gia lễ hội của làng. Làm lễ Tạ ơn của nhà thờ xong, cha
không can thiệp vào bất cứ nghi lễ gì của làng hết. Ở nhà thờ gần làng tôi, dàn
nhạc thánh ca đã gần như bỏ đàn organ, thay vào đó là các nhạc cụ dân tộc của
mình như cồng chiêng, đàn tinh ninh (đàn goong), T’rưng… Tất nhiên phải cải
tiến đi một chút để hợp với các nốt nhạc phương Tây. Chuyện này là do tự mình
chứ không phải do cha, và cũng khó tránh khỏi trong không gian nhà thờ Thiên
chúa.
- Nói vậy là chuyện nhạc cụ cổ truyền của dân tộc anh được
cải biên là khá phổ biến?
Chuyện nhạc cụ
cải biên bây giờ đúng là rất phổ biến, vì một số người thích biểu diễn theo các
nốt nhạc của phương Tây. Nhưng không vì thế mà ít người thích sử dụng nhạc cụ
cổ truyền. Họ nói, họ lên Tây Nguyên là để mua về giai điệu và tiết tấu của
chính Tây Nguyên chứ không phải của nơi khác. Đó là giai điệu xuất phát từ tre
nứa, phát ra âm điệu như nước chảy trên núi rất đặc trưng của người Jarai.
- Anh có thể nói rõ hơn về cái hay, cái đẹp của nhạc cụ
người Jarai được không ạ?
Người Jarai có
nhiều nhạc cụ như đàn T’rưng, Tinh ninh, Krong Put… Để nói hết được cái hay rất
khó nên tôi chỉ nói về đàn Tinh Ninh. Đàn có từ hồi chưa có chiêng. Ngày xưa,
người nghệ nhân đã sáng tạo ra để mô phỏng lại sự thăng trầm trong tiếng khóc của
người Jarai. Vì vậy, giai điệu Tinh ninh róc rách, ỉ ôi như tiếng nước chảy.
Để làm đàn nói
chung, nghệ nhân phải chọn tre nứa không quá ba tuổi, sau đó ngâm bùn trong 6 tháng rồi phơi trên dàn bếp
cho đến khi khô đanh lại. Lúc này, vót thấy tóe lửa là tre tốt. Những thanh nào
không dùng được sẽ bị nứt toác, số còn lại sẽ được lựa để vót ra âm thanh.
- Liệu sau anh, trong làng có ai còn giữ được những kỹ
thuật chế tác đàn cổ truyền của người Jarai nữa không?
Ngày xưa tôi
học làm đàn từ nghệ nhân rất tự nhiên vì cồng chiêng và dân ca đã ngấm vào tôi
từ bé xíu trong những sinh hoạt thường ngày. Thuở ấy, tôi hay lân la đến xem
các nghệ nhân trong làng làm đàn. Đến năm 12 tuổi là đã có thể làm được nhạc cụ
rồi, theo thời gian, kỹ thuật cứ ngấm dần trở nên trau chuốt hơn.
Nhưng bọn trẻ
bây giờ có nhiều thứ nhạc khác để quan tâm, rồi mải mê kiếm miếng cơm manh áo
nên chẳng thiết gì âm nhạc của ông bà. Cũng may là có một cháu 16 tuổi, tự
nhiên mê nhạc cụ đến tìm học nghề. Thấy cháu chăm chú, tôi rất quí.
- Anh có lời khuyên gì với giới trẻ Tây Nguyên về âm nhạc
của cha ông?
Người Jarai theo người
Tây, người Tàu sẽ không giống người Tây, người Tàu, theo người Kinh cũng không
thể nào giống người Kinh được. Cứ bập bênh giữa đường như vậy là không nên.
Chuyện âm nhạc cũng vậy.
Mình có hát gì nhạc của người Kinh cũng không bằng người Kinh được. Còn dân ca
của người Jarai mãi mãi ăn vào máu của người Jarai rồi nên dù người Kinh có học
dân ca, học đánh đàn goong (Tinh Ninh) thế nào cũng không thể nhanh bằng mình
được. Chuyện này rất tự hào, tại sao giới trẻ lại không làm?
Đó là lời khuyên của
tôi.
- Cám ơn anh về những chia sẻ tâm huyết./.
Điệp Trần (thực hiện)