Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Đầu tư cho tôn tạo di tích: CẨN THẬN KẺO “TIỀN MẤT TẬT MANG”!

Trong tổng số 15.400 tỷ mà Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch đề xuất trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011 – 2015 thì 11.000 tỷ là dành cho việc tu bổ, tôn tạo di tích. Nhìn vào số tiền lớn ấy, có người mừng, có người lo. Mừng vì nhà nước quan tâm, lo là trong trào lưu “mới hóa” di tích như hiện nay, số tiền ấy sẽ được tiêu thế nào.
Chương trình nghìn tỷ
Theo đề xuất trên, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 6.500 tỷ đồng, 2.500 tỷ từ ngân sách địa phương, 2000 tỷ còn lại sẽ huy động từ các nguồn vốn khác. Với số tiền ấy, dự kiến mỗi năm nước ta sẽ tu bổ tổng thể 50 – 60 di tích, hỗ trợ chống xuống cấp 100 – 150 di tích. Đó là đề xuất, còn việc đưa số tiền ấy có được duyệt thế nào và đưa vào cuộc sống ra sao sẽ phụ thuộc vào nhiều cấp khác nhau cũng như tính linh hoạt của tình hình thực tế.
Ai cũng đồng ý rằng đầu tư tôn tạo một công trình di tích rất tốn kém và phức tạp. Nếu áp theo những bước và qui chuẩn do Bộ Văn hóa Thể thao du lịch đề ra trong Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích Lịch sử văn hóa – danh lam thắng cảnh số 05/2003/QĐ-BVHTT thì con số 11.000 tỷ là xứng đáng.
Cách đây vài năm, dự án tôn tạo đình Chu Quyến được nêu ra như một thực nghiệm thành công khi tuân theo những chuẩn mực trong công tác trùng tu di tích với mục đích để áp dụng với các di tích khác. Hãy nhìn lại công trình này. Thời gian thực hiện công trình kéo dài gần 3 năm. Chỉ riêng việc khảo sát đã mất 1 năm rưỡi. Bản thân KTS. Nguyễn Thành Vinh, viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích, chủ dự án đình Chu Quyến không ít lần khẳng định rằng để trùng tu một di tích theo đúng qui chuẩn phải hết sức cẩn trọng, nghiêm ngặt và tuyệt đối không được vội vã.
Tuy nhiên, với quân số quá mỏng của các đơn vị chuyên về trùng tu như hiện nay, có gì đảm bảo tất cả số lượng di tích nêu trong chương trình mục tiêu quốc gia trên sẽ được trùng tu “đúng chuẩn”? Bộ VH,TT và DL có dám chắc rằng để đảm bảo giải ngân số tiền được giao, một số đơn vị thực hiện tu bổ, chống xuống cấp sẵn sàng làm ẩu, bôi vẽ đầu việc để làm hỏng di tích? Trước vấn nạn “làm mới” di tích như hiện nay, tương lai gần về một lượng lớn di tích sẽ bị sửa chữa ồ ạt, chất lượng kém đang tới rất gần..
Vẫn biết 11.000 tỷ kia được đề xuất với nhiều nhiệm vụ liên quan đến di sản vật thể, song rõ ràng, cần xác định rõ những mục tiêu sát thực tế hơn mà tiêu biểu là cải biến ngay chính ý thức của những người làm trùng tu. Số tiền lớn, nhưng tiêu không khéo, chẳng mấy chốc sẽ kéo các di tích vào tình trạng “tiền mất tật mang”.
Đầu tư cho “nhân sự”
KTS. Nguyễn Thành Vinh, viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích từng nói, việc trùng tu đòi hỏi sự hiểu biết, nhận thức và kỹ năng của người thực hiện, nói ngắn gọn là đòi hỏi tính chuyên nghiệp của người trùng tu. Có được điều đó cần nhiều yếu tố mà quan trọng nhất là nhân sự.
Cách đây không lâu, KTS. Hoàng Đạo Kính đã khẳng định trên một bài báo rằng, đầu tư lớn cho di tích đòi hỏi phải có lực lượng nhân sự là nhà khoa học và nghệ nhân. Không thể tính bằng giá thành vật liệu mà phải bắt đầu từ đào tạo đội ngũ. Nếu không, công trình sẽ chỉ còn là xây dựng cơ bản theo ý nghĩa kinh tế thuần túy.
Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cho biết bản thân viện Mỹ thuật nơi anh làm việc có chức năng nghiên cứu và không ít người có chuyên môn cao về mỹ thuật cổ, nhưng ít khi bộ Văn hóa kêu gọi viện cùng vào cuộc trong lĩnh vực trùng tu di tích. Vì vậy, đến nay viện chủ yếu nghiên cứu và cho ra các sản phẩm sách, dù nhiều nhưng hầu như chỉ để cho sinh viên và những người quan tâm tham khảo. “Dường như Bộ đã quên đi vai trò quan trọng nhất của một viên nghiên cứu là áp dụng các công trình nghiên cứu vào thực tiễn”, anh Bình tỏ vẻ tiếc nuối.
Song có lẽ, đầu tư để liên kết các nhà nghiên cứu với đơn vị thực hiện dự án tu bổ chỉ là một phần nhỏ trong qui trình trùng tu. Vai trò lớn nhất vẫn là ở những người quản lý dự án, các đơn vị thi công và bản thân người quản lý trực tiếp di tích. Vậy, đầu tư tiền cho những “nhân sự” này thì nên ở đâu?
PGS.TS.Lương Hồng Quang, viện Văn hóa – nghệ thuật Việt Nam quả quyết rằng, vấn đề ở đây không phải là “tiền” mà là ở “nhận thức”. Ông Quang phân tích, “nếu có tiền, người ta chẳng ngại gì không làm hoành tráng hay khuếch trương lên. Thay vì vẽ một, lại vẽ hai. Bản thân công ty tư vấn cũng muốn làm điều đó vì như thế phí tư vấn của họ sẽ cao lên. Vì vậy, anh nào chẳng muốn nở ra. Cộng thêm nữa là hiện nay lòng tham của con người rất mạnh”.
Thông thường, chỉ bất khả kháng mới chạm lại các mảng chạm cổ. Một số người trùng tu di tích toàn “nhân tiện” mà bỏ luôn những cấu kiện có thể chắp ghép lại được. Cứ trùng tu xong một cái là y như rằng sẽ thấy các vật liệu cũ vị vứt thành một đống. Họ không biết rằng đó đều là những di sản rất quí”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình minh họa thêm cho ý kiến trên.
Anh Bình kể rằng mình đã khá ngạc nghiên khi trong lần làm việc với một giám đốc sở văn hóa tỉnh nọ, khi biết thông tin về đề xuất 11.000 tỷ đồng cho trùng tu di tích, đã nói ngay với mọi người rằng hãy tập trung tập huấn cho anh em quản lý di tích để cho họ có ý thức về việc tu bổ, sửa chữa. “Tôi nghĩ đây là một trong những người hiếm hoi đấy. Bởi họ chưa nghĩ đến việc lựa chọn di tích nào để trùng tu, mà đã nghĩ ngay đến việc “trùng tu” kiến thức về di sản cho cán bộ rồi”, anh Bình nhận xét.
Vẫn là một chữ “tâm” trong bảo tồn di tích cổ, ông Lương Hồng Quang dẫn dụ về mô hình mình đã gặp trong chuyến đi công tác tại trung tâm bảo tồn di sản của vùng Wallonia (Bỉ). “Ở đó có một nghệ nhân mộc chuyên tập huấn cho các thợ mộc khác cách ứng xử với một di sản gỗ khác với một di sản gỗ khác với một vật thể gỗ thông thường như thế nào. Đối với di sản, họ sẽ làm thận trọng hơn, hoặc lựa chọn chất liệu gỗ cho di sản một cách hợp lý, có giá trị tương đương mà không làm hư hại đến giá trị tinh thần của các di sản vật thể. Về mặt kỹ thuật không khác nhau, nhưng đây là về ứng xử”, ông Quang kể.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho rằng, dù là “vật thể” hay “phi vật thể”, một trong những nhân tố quan trọng nhất là nghệ nhân. “Họ chính là những người nắm giữ cái hồn của di sản. Đối với nghệ nhân cổ nhạc, đó là các ngón đàn. Còn những nghệ nhân mỹ nghệ cổ, đó là các kỹ thuật đục, đẽo, sơn v.v…. Nếu họ mất đi, lấy ai kế tục những kỹ năng đó của họ bây giờ? Nên chăng, đầu tư vào việc đào tạo các thế hệ kế cận nghệ nhân để giữ lại ngón nghề của họ là điều cần làm ngay”, anh Hiền băn khoăn.
Anh Bình cho biết, hiện trường đại học Mỹ thuật Việt Nam đang có kế hoạch tăng số tiết học về mỹ thuật cổ cho sinh viên, đồng thời cố gắng mời các nghệ nhân về dạy tại trường. Tuy nhiên, anh không dám chắc rằng hiện nay số lượng nghệ nhân có tay nghề cao trong trùng tu di tích có còn đủ để đáp ứng nhu cầu đào tạo lẫn tôn tạo, tu bổ như hiện tại.
Những lần đi khảo sát, anh gặp không ít các đội thợ chuyên đi đóng giường tủ sắn tay buông những nhát đục thô bạo vào các mản chạm vốn là di sản của cha ông mà không có người giám sát. “Họ nói, tiền ít mà chạm được như thế là tốt lắm rồi. Cũng dễ hiểu thôi, bởi với trình độ như thế, có nhiều tiền hơn nữa họ cũng không làm được. Bởi họ không phải là người chuyên nghiệp. Hôm nay họ làm, mai họ về gặt lúa”, anh Bình ngán ngẩm.
Do đó, anh đề xuất phương án kết hợp giữa các nhà nghiên cứu và nghệ nhân tại các làng nghề. “Cái đó làm được chứ! Họ có tay nghề rồi nên không lo”, anh Bình khẳng định. “Vấn đề là giờ trang bị kiến thức cho họ về mặt lịch sử, mỹ thuật. Ví dụ, họ chạm một bức chạm thế này, mô phỏng lại cái kia, thì mình sẽ giảng giải cho họ cách hiểu ý nghĩa của mảng chạm ấy, tại sao nó có hoa văn khác với các mảng chạm khác, phong cách nghệ thuật của bức chạm này khác bức kia thế nào. Khi đã có ý thức đó, thì họ có làm dối cũng không làm được, bởi vì họ đã có ý thức trong đầu rồi”.
Điệp Trần