Liên hoan sân khấu tuồng truyền thống toàn quốc 2011 vừa qua đã thành công tốt đẹp với 43 huy chương vàng, bạc, hầu hết đều dành cho những gương mặt trẻ. Đây là tín hiệu vui cho lớp kế cận của nghệ thuật tuồng. Để chia sẻ cùng độc giả thông tin trên, PV đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS.Lê Thị Hoài Phương, Trưởng ban Nghiên cứu Nghệ thuật, Viện VH- NT Việt Nam, người đã tham dự cuộc liên hoan lần này.
- Dưới con mắt của một nhà nghiên cứu, chị có nhìn ra được điểm hơn nào của liên hoan tuồng cổ truyền năm nay so với các năm trước không?
Liên hoan nghệ thuật Tuồng truyền thống đã được tổ chức 2 năm/lần bắt đầu từ năm 2008. Lần liên hoan trước, mặc dù Ban Tổ chức yêu cầu các vở tham gia phải là Tuồng truyền thống, nhưng do điều kiện một số nhà hát không chuẩn bị kịp nên đã mang vở Tuồng lịch sử, dã sử đi thi buộc Ban Tổ chức phải châm chước. Năm nay, tất cả các vở tuồng tham dự đều đạt tiêu chí truyền thống, nguyên bản. Đây là điều hết sức đáng mừng!
Liên hoan chỉ chấp nhận các vở tuồng cổ là rất đúng với từ khóa “truyền thống”, song như vậy có làm mất đi tính hấp dẫn nếu năm nào cũng chỉ lặp lại vài vở diễn quen thuộc?
Việc các nhà hát thay nhau diễn đi diễn lại những vở được cơi là mẫu mực của nghệ thuật Tuồng cổ là điều không tránh khỏi. Do đó, Ban tổ chức đã ra qui chế chỉ chấm diễn viên, không chấm tiết mục. Còn liệu Liên hoan có bị mất đi tính hấp dẫn không, theo tôi không đáng lo ngại. Bởi lẽ, từ xưa đến nay khán giả đến xem Tuồng, chèo cổ hay cải lương dù xem nhiều lần rồi vẫn muốn xem lại. Đó là vì họ đến để thưởng thức tài nghệ của diễn viên, xem người nghệ sĩ diễn tả xuất sắc như thế nào để trần thuật lại một câu chuyện mà khán giả không còn lạ lẫm gì nữa…
Chuyện đào tạo lớp kế cận tiếp nối truyền thống rất quan trọng. Trong liên hoan lần này, có xuất hiện những gương mặt trẻ nào tiêu biểu và xứng đáng không, thưa chị?
Có chứ! Bên cạnh ba gương mặt nghệ sĩ đoạt giải xuất sắc là Trần Văn Long (Nhà hát Tuồng Việt Nam), Minh Hải (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), và Thanh Trang (Nhà hát Nghệ thuật hát Bội thành phố Hồ Chí Minh), tôi thấy nghệ thuật Tuồng bắt đầu xuất hiện những “ngôi sao đang mọc” rất đáng chú ý như Thế Ngọc (nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh) và Thái Phiên (nhà hát Tuồng Đào Tấn). Ở độ tuổi 25, 26, tôi thấy ở họ toát lên sức trẻ đang lên, hé lộ tài năng trên đường phát triển. Nếu Thế Ngọc thực sự cuốn hút người xem với giọng nam cao vút mà mượt mà, thì Thái phiên với giọng hát vừa cao vừa mùi (tức là mùi mẫn, nói như dân “ghiền” Tuồng Bình Định), vóc dáng cao ráo, thư sinh, rất hợp với loại vai kép – vốn rất thiếu diễn viên đóng có chất lượng.
Thực trạng của hầu hết các liên hoan cổ nhạc là chỉ được biết đến trong giới nghề chứ ít thu hút được đông đảo quần chúng. Chị có gợi ý nào với các nhà tổ chức để nghệ thuật cổ truyền đến được với mọi người?
Dù ở tổ chức ở Quy Nhơn, cái nôi của Tuồng nhưng khán giả của Tuồng phần lớn là người lớn tuổi thuộc lứa ngoài 50 huống hồ là nơi khác. Tuy nhiên, trước khi bàn đến chuyện thu hút khán giả, bản thân người nghệ sĩ phải thay đổi cách biểu diễn của mình. Có một cái tôi gọi là “văn hoá không cần xem của ai”, có nghĩa là nhiều nghệ sỹ đến lượt thì diễn, xong rồi về, còn ai diễn thì cứ diễn. Theo tôi đây là vấn đề mà Ban tổ chức cần lưu tâm, tìm giải pháp cải thiện tình hình cho các kỳ liên hoan sau.
Để dựng lại một vở tuồng cổ mất rất nhiều công sức và tiền bạc, sẽ rất lãng phí nếu những vở diễn này chỉ được biểu diễn tại các liên hoan. Hiện, những vở tuồng cổ được phục dựng này có được đưa vào lịch diễn thường xuyên của các đoàn tuồng không, thưa chị?
Những vở tham dự Liên hoan vẫn được các đoàn, nhà hát diễn mỗi khi có dịp. Nếu đi diễn ở các tỉnh, diễn theo hợp đồng thì người dân vẫn thích xem cả vở; còn diễn ở rạp hát thành phố chủ yếu diễn trích đoạn, vì đối tượng phục vụ là dân thành thị, khách du lịch. Tôi cho cách làm này là hợp lý trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Chị có thể gợi ý cho độc giả muốn thưởng thức tuồng cổ một địa chỉ thích hợp?
Hiện tại Nhà hát Tuồng Việt Nam có 2 suất diễn cố định, vào thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần, tại rạp Hồng Hà, vào lúc 18 giờ - 19 giờ, chuyên diễn các trích đoạn Tuổng cổ tiêu biểu, nhằm phục vụ khách du lịch quốc tế và trong nước. Bắt đầu từ cuối tháng Năm này Nhà hát sẽ tổ chức diễn trọn vở Tuồng cổ vào các tối Chủ Nhật tại Rạp Hồng Hà (Hà Nội).
- Xin cám ơn chị vì những chia sẻ hữu ích./.
Liên hoan Nghệ thuật tuồng truyền thống toàn quốc 2011 diễn ra từ ngày 25/4 đến 30/4 với hơn 300 diễn viên đến từ 7 đoàn nghệ thuật trong cả nước. Các vở diễn đều là các tích tuồng cổ như “Sơn Hậu”, “Thất Hiền Quyến”, “Đào Phi Phụng”, “Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu”….
Liên hoan được tổ chức 2 năm một lần nhằm tìm kiếm lớp kế cận và góp phần bảo tồn, phát huy vốn cổ của nghệ thồng tuồng cổ truyền Việt Nam. Năm nay, Ban tổ chức đã trao 43 huy chương, gồm 22 huy chương vàng, 21 huy chương bạc. Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng đã trao giải thưởng cho 3 diễn viên xuất sắc.
|
Điệp Trần (thực hiện)