Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

“PR” cho cổ nhạc Cổ nhạc lên mạng xã hội (Bài 2)


“Hi, chị Huệ ơi, tuần này em có thể nghe hát vào hôm nào ạ?”, nickname Thành Thịnh hỏi thăm trên trang mạng facebook. Ít giờ sau đã thấy chị Huệ trả lời comment[2] về thời gian và địa điểm của buổi biểu diễn mới của nhóm. Xem ra, nhờ mạng xã hội, khoảng cách giữa người nghệ sĩ và khán giả đã được rút ngắn rất nhiều.
Mạng xã hội – kênh quảng bá hiệu quả
Số lượng bạn trong trang facebook[3] của nhóm ca trù Thăng Long dù đã lên tới hàng nghìn người nhưng chị Huệ vẫn quyết định mở thêm một trang mới của CLB để mở rộng mối quan hệ trên mạng xã hội này. “Đó là do ngày càng có nhiều người đăng ký kết bạn, nhưng tôi không thể chấp nhận vì mạng facebook chỉ cho phép mỗi cá nhân có tối đa 5000 bạn” Chị Huệ giải thích.
Thực tế, các buổi biểu diễn của Ca trù Thăng Long đã thu hút được một lượng không nhỏ thính giả thông qua facebook. “Bằng chứng là rất nhiều người đã hỏi tôi về lịch hoạt động cũng như địa điểm sinh hoạt của nhóm và khi đến nơi, họ cũng tự giới thiệu là đã “quen” tôi trên facebook. Bạn biết đấy, Số lượng khách đến xem ca trù không thể nhiều được nếu chỉ dựa đơn thuần vào khách vãng lai”, chị Huệ khẳng định.
Chị Huệ cho biết mỗi lần có hoạt động gì chị đều chia sẻ qua những video và hình ảnh lên mạng xã hội. Đáp lại chị là những câu thăm hỏi, động viên, hỏi han tình hình rất gần gũi, chân tình từ những người bạn trên mạng. “Những lời chia sẻ đó khiến tôi cảm thấy mình không cô đơn trên con đường đã chọn”, chị Huệ xúc động.
Mạng xã hội còn giúp ca trù Thăng Long liên kết với những người bạn ngoại quốc. Qua facebook, một giáo sư đàn piano người Singapore sang thăm Việt Nam đã chia sẻ đường link bài viết về cảm xúc của ông khi nghe nhóm ca trù của chị Huệ biểu diễn. Thậm chí, một người bạn ngoại quốc đã đặt mua CD ca trù mới phát hành của Huệ ngay trên trang nhà của chị.
Tương tự với trường hợp của ca trù Thăng Long, nhóm Tiếng hát quê hương của nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng cũng hoạt động khá hiệu quả trên mạng xã hội multiply[4] của mình. Nhiều nhất là các video, hình ảnh các buổi sinh hoạt đều được cập nhật đầy đủ. Tuy không sôi động như facebook, nhưng trang của Hải Phượng cũng thu hút được khá nhiều bạn. Những trao đổi về thông tin khóa học, học phí của nhóm đều được trao đổi tại đây. GS. Trần Văn Khê không ít lần vào đây comment, kéo theo ông là rất nhiều những người bạn hải ngoại yêu nhạc truyền thống Việt Nam. Thực tế, bên cạnh multiply, nhóm Tiếng hát quê hương đều có địa chỉ trao đổi trên facebook, youtube song hành cùng website chính của mình.
Cái khó của truyền thông qua mạng
Theo PGS.TS.Lương Hồng Quang, phó viện trưởng Viện Văn hóa – Nghệ thuật Việt Nam, trong xã hội hiện đại, mạng xã hội đóng một vai trò rất lớn trong phát triển quan hệ của các cá nhân, tạo các liên kết nhóm và lớn hơn nữa là giúp kết nối con người với các thế giới khác nhau. “Tuy nhiên, mạng xã hội cũng tạo ra những thách thức bởi quá nhiều thông tin nhiễu loạn, đa chiều mà những người kém bản lĩnh sẽ gặp khó khăn để giải quyết”, ông Quang cảnh báo.
Cơ chế cho phép comment không kiểm soát từ đầu vào một mặt khiến cho tốc độ trao đổi thông tin nhanh, hiệu quả, song mặt khác người chủ trang mạng xã hội phải chấp nhận cả những tranh luận và ý kiến trái chiều về hoạt động của mình. Thực tế, ca trù Thăng Long cũng vấp phải một số tranh luận ngay trên trang nhà của mình. Tuy nhiên, đối với chị Huệ việc góp ý sẽ giúp bản thân trưởng thành. “kênh facebook chấp nhận những phản hồi của thính giả về chất lượng và hoạt động của ca trù Thăng Long mà qua đó bản thân nhóm sẽ trưởng thành”, chị Huệ cho biết.
Ở cách nhìn khác, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền lại cho rằng việc truyền thông trên mạng xã hội chỉ thực sự hiệu quả nếu bản thân chủ thể sở hữu cổ nhạc là những người năng động và có kiến thức cơ bản về internet. “Cái khó là đa số nghệ nhân cổ nhạc đều là những người lớn tuổi chỉ quen với việc cầm ca và không hề biết đến cái gọi là “kỹ năng truyền thông””. Theo anh Hiền, các nhóm cổ nhạc dù có cố gắng tự thân vận động đến mấy vẫn khó có thể tồn tại và sống tốt nếu không có sự hỗ trợ về mọi mặt, mà trong đó truyền thông, quảng bá chiếm một phần không nhỏ.
Ông Quang cũng phải cho rằng, hiệu quả trong truyền thông của Ca trù Thăng Long là bởi bản thân đào nương Phạm Thị Huệ không chỉ là người nghệ sĩ mà còn là một nhà quản lý.
Cần sự hỗ trợ từ Nhà nước
Thực tế, chuyện tự quảng bá cho mình qua mạng xã hội chỉ là một phần nhỏ tạo nên bức tranh phức tạp và phong phú của các loại hình truyền thông. Ông Quang cho biết, ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Canada, người ta đã xây dựng hẳn một nền công nghiệp văn hóa. “Thương mại hóa các giá trị văn hóa truyền thống đã biến nghệ thuật trở thành một sản phẩm mà thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm đó, công chúng đã hiểu được nội dung nghệ thuật muốn truyền tải. Điều này đã giúp nghệ thuật truyền thống đi vào lòng công chúng”, ông Quang nhận định.
Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền lại cho rằng, truyền thông là khâu quan trọng để tạo “đầu ra” cho lớp kế cận của cổ nhạc. Bởi lẽ, khi được truyền thông hiệu quả, cổ nhạc trở thành một loại “hàng hóa tinh thần” được nhiều người mến mộ, nhu cầu hưởng thụ âm nhạc cổ truyền tăng lên, “cầu” sẽ tạo tiền đề cho “cung” phát triển. Lúc ấy, nhiều người sẽ nhận ra khả năng kinh tế nếu họ đi theo con đường âm nhạc truyền thống. Tuy nhiên, “để quảng bá hình ảnh thực sự có hiệu quả sâu rộng, cần sự hỗ trợ rất lớn từ Nhà nước hoặc các mạnh thường quân, ví như các tổ chức phi chính phủ hay các công ty chuyên về truyền thông”, anh Hiền nhấn mạnh.
Rốt cuộc, từ nay đến lúc Nhà nước thực hiện được các chính sách bảo tồn vẫn còn một chặng đường dài. Nhiều nhà nghiên cứu trên đều đồng tình, bên cạnh những hỗ trợ tài chính cho các nghệ nhân truyền lại vốn cổ cho lớp kế cận, Nhà nước cần chú tâm đến việc hỗ trợ các nhóm cổ nhạc theo chiều sâu như bảo trợ báo chí, hướng dẫn những căn bản về marketing, truyền thông hơn là năm thì mười họa mới cho các nghệ nhân đi diễn một lần.
Điệp Trần

[1] Mạng xã hội, hay gọi là mạng xã hội ảo, (tiếng Anh: social network) là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên Internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian.
[2] Comment: cho ý kiến, góp ý kiến
[3] Facebook hiện là mạng xã hội lớn nhất thế giới.
[4] Multiply: tên của một mạng xã hội