Liên hoan dân ca Việt Nam 2011 đã kết thúc giai đoạn đầu ở khu vực miền Bắc với đêm chung kết hôm 20.3 vừa qua. Đây là hoạt động lớn mang tầm quốc gia định kỳ 2 năm/lần do Đài THVN và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phối hợp tổ chức. Mục đích của liên hoan là tìm kiếm và phát hiện các làn điệu dân ca nguyên thể, mang tính đặc trưng của vùng miền cùng những giọng hát dân ca đặc sắc.
Liên hoan diễn ra trên 6 khu vực: Đồng Bằng và Trung du Bắc Bộ; Vùng núi Phía Bắc; Tây Nguyên; Bắc Trung Bộ; Nam Trung Bộ; Nam Bộ. Sau 3 kỳ tổ chức, đến nay liên hoan ngày càng được nhiều người biết đến. Song, so với mặt bằng chung, nó dường như vẫn chỉ gói gọn trong nhóm những người yêu âm nhạc cổ truyền, vốn đã rất ít ỏi.
PV đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, thành viên của Hội đồng nghệ thuật trong liên hoan dân ca khu vực phía Bắc để biết thêm về điều này.
Phóng viên (PV): Thưa ông, trong hai cuộc liên hoan diễn ra tại phía Bắc vừa qua ông và Hội Đồng nghệ thuật (HĐNT) có phát hiện ra giọng hát dân ca tiêu biểu nào như một trong những mục đích bấy lâu nay mà liên hoan vẫn theo đuổi không?
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan (NCC Đặng Hoành Loan): So với những năm trước, chỉ tính riêng ở miền Bắc, liên hoan dân ca lần này đã xuất hiện nhiều giọng ca trẻ hơn. Đây là điều rất quan trọng, bởi lẽ nó thể hiện rằng, nghệ thuật dân gian đang được giới trẻ tiếp nhận. Mặt khác, những gương mặt trẻ này đều rất triển vọng. Thí dụ như một giọng chầu văn trẻ rất hay của một em ở Nam Định, hay giọng hát ca trù trẻ khá thanh cao đến từ Hà Nội.
PV: Hiện nay, cơ chế của cuộc liên hoan vẫn qui định đối tượng thí sinh bao gồm cả người dân lẫn nghệ sĩ thuộc đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhưng điều đáng nói là việc lựa chọn hoàn toàn do địa phương tiến cử. Liệu cơ chế này có ảnh hưởng đến cơ hội tham gia liên hoan của người dân yêu cổ nhạc?
(NCC Đặng Hoành Loan): Cơ chế này đã có từ lâu. Có lẽ, do những khó khăn nhất định như thời gian xây dựng chương trình cũng như thời lượng chương trình trên sóng cũng quá ngắn nên ban tổ chức chưa có điều kiện mở rộng liên hoan.
Những người làm công tác dân ca như chúng tôi đều mong muốn cuộc thi được mở rộng để ai cũng có thể đăng ký tham gia, qua đó sẽ thúc đẩy mạnh hơn phong trào ca hát dân ca. Khi tự nguyện tham gia liên hoan, những người yêu cổ nhạc sẽ nỗ lực hết mình chứng minh khả năng ca hát của bản thân, đồng thời đem đến những sáng tạo cá nhân hoặc những lời ca nguyên bản của dân tộc mình mà không bị áp lực do một tổ chức nhất định cử họ đi.
PV: Hiện nay, thành phần thí sinh đến từ các đoàn chuyên nghiệp liệu có làm ảnh hưởng tới mục đích phát hiện và tôn vinh các làn điệu dân ca “nguyên gốc” của liên hoan không, thưa ông?
(NCC Đặng Hoành Loan): Tôi thấy động thái này của Đài Truyền hình khá hay vì tạo điều kiện cho nghệ sĩ của các đoàn chuyên nghiệp cơ hội tiếp cận với những người ca hát dân gian. Giữa hai giới này đã có một thời xa nhau, nên đây là cơ hội để những nghệ sĩ biết mình đã xa cái dân gian nguyên gốc bao nhiêu để tìm cách kéo lại gần loại dân ca đó. Bên cạnh đó, những nghệ nhân dân gian cũng rất tự tin vào các làn điệu dân ca đích thực của mình trong liên hoan lần này.
Điều khó khăn chỉ là với ban giám khảo khi nhận định về một giọng hát chuyên nghiệp với một giọng ca của dân gian khi họ cùng đứng trên một sân khấu để thi với nhau. Cá nhân tôi sẽ chỉ so giọng chuyên nghiệp với làng chuyên nghiệp và ngược lại. Với một Hội đồng nghệ thuật tinh tường, tôi tin các giọng ca dân gian sẽ không bị lép vế.
PV: Đây là cuộc thi rất ý nghĩa nhưng số lượng người quan tâm đến cuộc thi lại không nhiều. Theo ông, tại sao lại có hiện tượng này?
(NCC Đặng Hoành Loan): Tính được số lượng người quan tâm nhiều hay ít rất khó bởi không có bất cứ một thống kê chính xác hay phản hồi báo chí mạnh hay yếu đến đâu. Nhưng rõ ràng, sau 4 lần tổ chức liên hoan, đã có những tác động xã hội tích cực mà sự xuất hiện của các khuôn mặt trẻ là một minh chứng. Ta có thể kỳ vọng đến một hiệu quả xã hội cao hơn trong tương lai.
PV: Theo ông, liên hoan nên tự hoàn thiện mình theo những hướng nào để tăng sức thu hút?
(NCC Đặng Hoành Loan): Theo tôi, để hoàn thiện cần 3 điều kiện: Một là, nên có sự vào cuộc sâu hơn của ngành văn hóa, những người đang nắm giữ toàn bộ di sản này hơn là coi việc tổ chức liên hoan chỉ là nhiệm vụ của Đài Truyền hình. Hai là, nên cho mọi người dân tự đăng ký tham gia nhằm xã hội hóa cuộc thi. Ba là, nên nới rộng giải thưởng. Bởi càng nhiều giải thưởng càng khích lệ nhiều người tham gia. Cơ chế giải thưởng hiện nay là quá hẹp so với tình hình thực tiễn. Hơn nữa, hiện nay liên hoan mới chỉ dừng lại ở mức tìm ra một giọng ca hay chứ không phải dân ca hay. Mỗi dân ca của một dân tộc có những chất liệu, cách tiếp cận và cách nghe khác nhau, do đó, nhiều giải thưởng sẽ thỏa đáng và khích lệ người tham gia hợp lý hơn với khung giải hiện nay.
PV: xin cám ơn ông về những nhận định rất hữu ích trên./.
Điệp Trần (thực hiện)