Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

CHUYỆN VỀ NHỮNG LỄ HỘI “BẠO LỰC”


Đánh nhau, chen lấn gây náo loạn, dùng hung khí cố tình gây sát thương…là những hành động vốn không thể chấp nhận trong xã hội văn minh. Ấy thế mà ở một số lễ hội, những cảnh mất kỷ cương ấy lại từng bị làm ngơ, thậm chí hô hào cổ vũ. Mùa lễ hội 2011 mới ngấp nghé khởi động, song những cảnh đáng buồn ấy dường như vẫn lặp lại.
Đến hẹn lại…chen, đến hẹn lại…đánh
Đã mấy ngày trôi qua nhưng chắc hẳn nhiều người vẫn còn nguyên cảm giác hoảng hốt đến rùng mình khi nhớ lại cảnh chen lấn hỗn loạn trong đêm khai Ấn đền Trần (Nam Định) ngày 16/2 vừa rồi. Cũng phải thôi, bởi hàng năm, cứ đến đêm “Khai Ấn”, đền Trần lại rung lên bởi rừng người khổng lồ đổ về xin ấn. Tục truyền, đúng 14 tháng Giêng ÂL tại phủ Thiên Trường (Nam Định), vua Trần mở tiệc chiêu đãi tướng sĩ đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Đúng vào giờ Tý (từ 23 giờ ngày hôm trước đến 01 giờ sáng hôm sau), nhà vua chính thức khai ấn ban thưởng cho bá quan văn võ.
Năm 2010, gần 6 vạn người đã chen chân bằng được để vào đền xin ấn. Năm nay, con số ấy chắc còn nhiều hơn. Ban tổ chức đã huy động tới 2000 người giữ tìn trật tự, chia thành nhiều vòng để bảo vệ trong ngoài 75 điểm phát ấn nhưng vẫn bất lực trước dòng người kéo về như thác lũ. Chưa đến giờ phát ấn đã có vài chục người ngất xỉu vì chen lấn, dẫm đạp. Kẻ cắp lợi dụng móc túi, cướp đồ ngay trên đất thánh. Cổng rào bảo vệ bị đám đông hò nhau nhấc lên hất văng đi trong chớp mắt để chen đền vào trong cho kịp xin ấn đúng “giờ thiêng”. Nhiều người tóc tai rũ rượi, gào thét, ra không được vào cũng không xong. Giữa chốn linh thiêng mà chỉ nghe thấy những tiếng chửi mắng, quát nạt, hành hung lẫn tiếng tiếng hét thất thanh và hô hoán… Trăm sự cũng tại cái “giờ thiêng” Khai Ấn.
Những tưởng cả nước chỉ có “Khai ấn Đền Trần” mới có cảnh đau lòng đó, ai ngờ có nơi, đánh nhau ẩu đả còn được hò reo cổ vũ. Lễ “cướp phết” Hiền Quan (15/2) ở Phú Thọ là ví dụ điển hình. Năm ngoái, ở Hiền Quan, cậu thanh niên giành được quả phết hăm hở vui mừng trong khi tay vẫn cầm cục đá dùng để chiến đấu trước đó. Còn năm nay, nhiều cậu trai sẵn sàng lao vào nhau, dẫm đạp, phi thân lên đầu đám đông chen lấn như ở trốn không người. Cảnh cướp bông ở làng Sơn Đồng (Hà Nội 2) năm ngoái cũng “kinh dị” chẳng kém. Trong cuộc tranh cướp ấy, khi trai làng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, cấu véo, đè bẹp lẫn nhau để giành giật cành bông, thì ban tổ chức chỉ còn cách kêu gọi qua loa để “van xin” những người xem đừng đu lên mái nhà hay vắt vẻo trên tường bao của đình để hò hét, cổ vũ.
Tín ngưỡng bị lợi dụng
Không biết “cướp phết” có phải là trò đánh phết phổ biến ở Phú Thọ không, nhưng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương trong cuốn “Trò chơi dân gian và truyền thống”[1] từng viết, “Đánh phết là hình thức cầm một chiếc gậy mà đánh vào quả cầu để đưa đi,….bên nào giành được cầu đánh cho lọt vào cái hố của bên minh là được”, và ở Hiền Quan, trò này “… được tổ chức chơi 3 ván gọi là ba bàn với lệ khá nghiêm ngặt là lúc nào cũng phải giữ cho phết sệt đất, không được hất tung lên.” Xem ra, cuộc chơi với phết của các cụ không bạo lực như bây giờ.
Trong năm qua, chỉ riêng Lễ Khai Ấn đền Trần đã nổ ra một loạt tranh cãi: tục khai ấn đền Trần có thực không? Ấn đền Trần bị giả mạo? Hay gần đây, một tờ báo còn đề cập đến ý kiến có nên bỏ phát ấn ở Đền Trần? Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết, “Giờ, xin ấn Đền Trần đã biến tướng thành việc “mua quan bán tước”tưởng tượng, “cầu tài, cầu lộc, cầu danh, cầu lợi”. Dân tình thấy quan chức nườm nượp điều xe về đền Trần xin ấn nên cũng tìm cách chen nhau lấy được vận may của thánh. Sự cuồng tín đó đã nhanh chóng lan truyền biến Lễ Khai ấn năm nào cũng trở thành cuộc hành hương khủng khiếp!”.
Còn theo PGS.TS. Lương Hồng Quang, Viện VH – NT Việt Nam, sự tuyên truyền của các phương tiện truyền thông và sự gia tăng nhu cầu thưởng ngoạn, mức sống tăng hơn… khiến lễ hội làng trở thành một sự kiện liên làng, vùng, thậm chí quốc gia. Sự gia tăng số lượng người tham gia đã phá vỡ cấu trúc không gian của lễ hội truyền thống nên các hiện tượng tranh giành, chen chúc, ách tắc giao thông là không thể tránh khỏi.
Dù nguyên nhân như thế nào thì rõ ràng một lễ hội như ở Đền Trần đã đánh mất hình ảnh đẹp đẽ của chính mình.
Từ năm 2010, vấn đề bạo lực trong các lễ hội đã từng được một số đại biểu quốc đưa ra chất vấn và lấy ví dụ cụ thể như các lễ “chọi trâu”, “chém lợn”, “đâm trâu”... Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể Thao và Du Lịch Hoàng Tuấn Anh sau đó cũng đã khẳng định không đưa các lễ hội nêu trên vào hoạt động của Năm du lịch Quốc gia năm ngoái. Đó là những hành vi bạo lực đối với động vật, còn hành vi bạo lực giữa con người với nhau trong lễ hội phải giải quyết ra sao?
Hi vọng, ngày xuân năm nay sẽ ít thấy những cảnh người chết ngất, gẫy xương, đổ máu tàn bạo trên những trang báo. Bởi lẽ, đó không thể gọi là truyền thống, di sản đúng với những ý nghĩa cao đẹp của nó.
Điệp Trần
(đăng trên Thời Nay - nguồn ảnh: Dân trí - tuổi trẻ)



[1] Trung tâm Văn hóa TP. HCM xuất bản năm 2007