Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Chuyên đề: MỔ XẺ “MẦM BỆNH” TRONG TRÙNG TU DI TÍCH

“Làm chùa tô tượng đúc chuông, ba công đức ấy thập phương nên làm”, câu khẩu hiệu lớn ấy được chùa một ngôi chùa lớn trên đường Âu Cơ (Quận Tây Hồ, Hà Nội) đặt ở vị trí đẹp nhất, dễ dập vào mắt nhất để ai vào chùa cũng nhận ra thông điệp này. Chình ình hai bên khẩu hiệu là hai tượng sư tử cao tầm 2m đục bằng đá trắng oai vệ đặt chân lên một tảng đá tạc mấy chú sư tử bé hơn. Với phong cách hiện đại, tượng mang dáng vẻ uy phong chẳng khác nào chú sư tử trong phim bom tấn “Narnia” của Hollywood (!).

Lẽ thường khẩu hiệu trên ắt sẽ được nhiều người ủng hộ và trân trọng bởi sự quan tâm đến tình trạng của di tích. Song, đứng cạnh bức tượng sư tử kia, chẳng biết câu khẩu hiệu nên được hiểu như thế nào?
Cùng mổ xẻ những “mầm bệnh” khiến “đại dịch” hoành tráng – lai căng trong trùng tu di tích bùng phát. Qua đó cũng để thấy những điểm yếu cơ bản của ngành bảo tồn di tích hiện nay.

“DỊCH BỆNH” HOÀNH TRÁNG – LAI CĂNG GIẾT CHẾT KIẾN TRÚC CHÙA HÀ NỘI
Cửa tam quan hoành tráng nhiều tầng, đèn đá kiểu Nhật trang hoàng khắp sân, đèn lồng giăng cả dãy trong hành lang khu thờ tự hai tầng theo kiến trúc Tây – Ta lẫn lộn hay chiếu rồng bằng đá nguyên khối, sư tử đá “đa phong cách”…là những hình ảnh xuất hiện nhan nhản tại các chùa Hà Nội. Dù được cảnh báo đã lâu, nhưng đến nay “dịch bệnh” hoành tráng và lai căng của các công trình tôn giáo đất thủ đô không có dấu hiệu dừng lại.
Đã là bệnh thì có nhiều mức độ nặng, nhẹ với nhiều chỗ “phát bệnh” khác nhau. “Bệnh” từ cổng đến vườn, từ nhà thờ tự đến tường rào bao quanh.
Điểm mặt “bệnh tự”
Những ai đi qua đường Âu Cơ chắc hẳn sẽ không thể không ngước mắt lên nhìn chùa Tứ Liên lừng lững với cổng tam quan cao 3 tầng ngất ngưởng. “Công trình” đồ sộ này được xây chủ yếu bằng đá nguyên khối và gỗ với nhiều chi tiết rồng phượng cầu kỳ. Nhưng đáng chú ý nhất vẫn là cánh cổng vừa to, vừa dày với các thiết kế núm, giả hàng đinh cùng tay nắm cửa hình đầu sư tử khiến ai đi qua cũng phải ngoái lại nhìn vì trông “quen quen”. Cũng phải, bởi những hàng đinh này vốn để tượng trưng cho quyền lực, hay xuất hiện ở cửa quan ở Trung Quốc xưa, tay nắm cửa đầu thú cũng tạo cảm giác uy lực mà dân tình rất hay nhìn thấy trong phim cổ trang Trung Quốc trên tivi.
Đồng bệnh với ngôi chùa trên là chùa Thiên Phúc trên con phố Hai Bà Trưng đông đúc lắm người qua lại. Chắc sợ mọi người mải đi mà không chú ý đến mình, nên tam quan đã được chùa xây cao, to, lừng lững gần bằng tòa nhà 3 tầng. Không gian chùa vốn nhỏ, giờ thêm cái tam quan khổng lồ này lại càng trở nên chật hẹp.
Ngược trở lại đường ven Hồ Tây ngắm chùa Vạn Niên. Đây là ngôi chùa theo phong cách phật giáo Tây Tạng đã đến gần ngàn năm tuổi. Bao quanh chùa là dãy hàng rào với những bức tranh thú bằng gỗ, có mái che, phía trên bày hàng loạt tủ kính để tượng phật, thánh, pháp bảo các loại... Có lẽ, nên liệt bức tường rào bằng gỗ này vào hạng “tổng hợp từ nhiều nguồn” chăng?
Gần đó, chùa Võng Thị (Tây Hồ) tuy nằm trong ngõ nhỏ nhưng bù lại là không gian thoáng đãng rộng rãi bên trong. Tận dụng lợi thế này, bên cạnh cổng tam quan hoành tráng 3 tầng cao vút, chùa còn đặt thêm một chiếu rồng bằng đá nguyên khối trải theo bậc thang vào gian thờ chính. Phía trên chiếu rồng đặt một bàn thờ bằng đá, phía dưới là chiếc lư hương (cũng bằng đá) khổng lồ với hai chiếc đèn đá to không kém đứng hai bên.
Về phía nam Hà Nội, chùa Tứ Kỳ (Hoàng Mai) nổi bật với kiến trúc hai tầng và khá… “hợp thời”. Ở điện chính, để tiện lợi cho khách thập phương, nhà chùa đã xây hẳn một cầu thang lớn dẫn tới khu thờ tự trên tầng 2. Từ đây nối sang các khu khác là cầu dẫn trên cao với phong cách thế kỷ XXI. Khu tiếp khách ở tầng 1 để hàng loạt ghế xi măng giả gỗ, từ đó có thể nhìn ra ngoài vườn được chiếu sáng bởi những cột đèn như trong công viên.
“Bệnh” nhẹ hơn là các chùa trưng tượng sư tử Trung Hoa ở cổng như Trung Kính Thượng, chùa Vân Hồ. Không được hoành tráng như những “bệnh tự” kia nhưng kiểu tượng sư tử uy phong đặt chân lên quả cầu lại tạo cảm giác khoa trương nơi cửa Phật. Vấn đề nằm ở chỗ, những con sư tử này vốn được gọi là Tỳ hưu, rất được các nhà buôn bên Trung Quốc chuộng để đặt trước cửa nhà mình. Đó là chưa tính đến “mô đen” làm vườn kiểu Nhật và lối đặt đèn đá phỏng theo mẫu đèn bốn góc lồng cong nhọn hay có mái ngói âm dương của người Trung Quốc. Chùa nào ít tiền thì đặt dăm ba cái, chùa nào giàu thì đặt đèn khắp sân. Ngoài ra không thể không kể đến kiểu đặt quần thể tượng ngoài khuôn viên được cho là ảnh hưởng từ phật giáo tiểu thừa, rất phổ biến ở Lào, Campuchia, Thái Lan lại được đặt trong một số ngôi chùa theo phái đại thừa.
“Bắt bệnh” cho ngành trùng tu

Đã qua rồi những ngày đói kém, giờ không ít chùa đều có của ăn của để. Nhà chùa không thể chấp nhận cảnh “giản dị” của nơi tu hành. Hệ quả của tâm lý thích “nhà cao cửa rộng” cộng với số tiền cúng tiến không nhỏ huy động được từ phật tử thập phương tất nhiên là những ngôi chùa hoành tráng, lai căng.
Chỉ riêng đợt chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vừa rồi, đã có hàng trăm di tích đề xướng trùng tu để hưởng ứng. Và cũng chỉ bởi chữ “nghìn năm” nên nhiều chùa thay vì phục hồi nguyên trạng, lại bị đập bỏ tính chuyện xây mới, mà vụ việc của chùa Phật Tích (tỉnh Bắc Ninh) là một ví dụ. Cần biết rằng, trùng tu là giữ bằng được sự nguyên vẹn của di tích chứ không phải đổ tiền vào là xong. Bởi hiện giờ, tiền nhiều luôn đi cùng với tâm lý hoành tráng, thứ “virut” đang giết chết các di tích cổ của cha ông.
Tuy nhiên, cần mổ xẻ “dịch bệnh” này trên nhiều mặt, mà trước hết là nền tảng pháp lý cho công tác trùng tu.
Luật – dày nhưng thiếu, đội ngũ trùng tu – nhiều nhưng yếu
Hiện, hầu hết các dự án tôn tạo di tích đều dựa trên cơ sở Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích Lịch sử văn hóa – danh lam thắng cảnh số 05/2003/QĐ-BVHTT và Quyết định 13/2004/QĐ-BVHTT về việc ban hành định mức dự toán bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Hai văn bản này qui định kỹ càng từ các điều kiện để lập dự án bảo quản, tu bổ di tích, lập thiết kế kỹ thuật đến định mức cho từng chi tiết nhỏ theo các mục như hạ giải, tu bổ phục hồi kết cấu bằng gạch, đá, gỗ, các hiện vật sơn thếp….của công trình cổ.
Tuy nhiên, vấn đề lại ở chỗ, người lập dự án tôn tạo di tích còn phải vận dụng quyết định 957/QĐ-BXD về định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình và tham khảo thêm văn bản QCVN 03: 2009/BXD về phân loại, phân cấp công trình xây dựng. Theo đó, ngoại trừ các di tích thuộc hàng quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh, số còn lại chỉ được xếp hạng là các công trình dân dụng.
Thạc sĩ Phạm Đức Hân, giám đốc công ty CP Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt là người hiểu rõ vấn đề này bởi anh không ít lần đau đầu khi tính dự toán dựa trên hệ thống luật “nhiều nhưng thiếu” như hiện nay. “…Nếu theo quyết định 957/QĐ-BXD thì chi phí tư vấn thiết kế tu bổ tôn tạo một di tích đang được qui định bằng chi phí tư vấn thiết kế cho một công trình xây dựng…. nhà cấp ba, cấp bốn ”, anh Hân tỏ ra bức xúc.
Hãy làm phép so sánh. Để xây dựng một ngôi nhà bình thường, người tư vấn thiết kế chỉ việc khảo sát qua tình trạng của ngôi nhà rồi lập dự án. Trong khi, để lập một dự của công trình trùng tu di tích phải trải qua nhiều quá trình như khảo sát thu thập thông tin, đánh giá giá trị và thực trạng công trình, khảo cổ học, thậm chí một số nơi phải lập cả hội thảo về di tích rồi mới đưa ra phương án thiết kế tu bổ… Với từng ấy đầu việc, tỷ lệ tiền dành cho tư vấn thiết kế công trình cổ phải cao hơn so với các công trình dân dụng nói chung rất nhiều mới đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Đó là chưa kể đến một số thiếu sót của quyết định 13/2004/QĐ-BVHTT khi tính toán định mức về công cho tu bổ chi tiết công trình. Ví dụ, để phụ hồi một chi tiết rồng, giao, phượng kích thước ≤ 0,8x0,1 cần rất nhiều công phu mà chỉ tính có 6 công là quá ít. “Giá như 05/2003/QĐ-BVHTT và 13/2004/QĐ-BVHTT không dừng ở mức “qui chế” và “quyết định” mà đưa lên thành luật kèm theo đó là văn bản hướng dẫn phù hợp, chi tiết thì những công trình thuộc dạng đặc biệt như các di tích cổ sẽ không bị trùng tu một cách cẩu thả như hiện nay”, anh Hân đề xuất.
Cần biết rằng, số đơn vị, công ty chuyên về trùng tu di tích hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó cũng chỉ có một vài cái tên quen thuộc được nhiều người biết đến như Công ty Tu bổ di tích và thiết bị văn hóa trung ương, Công ty Mỹ thuật trung ương, Viện Bảo tồn di tích…Song, kể từ khi Nhà nước cho phép tôn tạo di tích bằng nguồn tiền “xã hội hóa” thì phong trào tôn tạo di tích nở rộ. Các công ty xây dựng cơ bản nào có đăng ký thêm lĩnh vực tu bổ, tôn tạo công trình văn hóa đều sắn tay vào trùng tu công trình cổ như một nghề “tay trái” kiếm thêm. “Hiện trong nước chỉ có khoảng 30 – 35% các công ty nhận nhiệm vụ trùng tu là có chuyên môn thực sự về di tích cổ. Còn lại, rơi vào tay những công ty xây dựng nói chung”, anh Hân phỏng đoán.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, Viện Mỹ thuật Việt Nam cũng đồng tình với nhận định trên. “Giám sát cho một công trình trùng tu di tích phải là một người làm khoa học, khác với người chuyên về làm xây dựng”, anh Bình phân tích. “Ví dụ như trước đây có một nhà nghiên cứu người Ý trùng tu tháp chăm. Người ta nghiên cứu cách người Chăm làm gạch như thế nào? Sau khi nghiên cứu xong rồi người ta mới thực nghiệm rồi đưa ra cách trùng tu. Nhà nghiên cứu kiêm luôn giám sát thợ, đôi khi phải làm thay cả anh thợ. Còn ở Việt Nam, người tư vấn về trùng tu có nghiên cứu, nhưng họ lại không giám sát. Người giám sát công trình chả nghiên cứu gì sất! Họ chỉ có kiến thức về kết cấu thôi, chứ về chuyên môn làm sao họ có thể thay thế được người nghiên cứu được?
Di tích bị “giết” bởi chủ đầu tư
Trong một bài viết, TS. Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng cục Di sản văn hóa đã cảnh báo về những kiểu “yêu mến” di tích một cách thiếu hiểu biết của các chủ đầu tư. Ông đưa ra ví dụ về một người sẵn sàng cùng tiến hàng trăm triệu để sửa lại gác chuông có niên đại thế kỷ XVI bằng bê tông cốt thép. Theo ông Hùng, những yêu cầu kiểu đó nguy hiểm chẳng kém gì hành động lấn chiếm, vi phạm di tích.
Anh Hân đưa ra câu chuyện buồn cho một di tích đã bị hủy hoại. Trước đây, công ty anh được giới thiệu đến khảo sát tại một ngôi chùa nọ. Đây là một ngôi chùa đẹp với kiến trúc thời Nguyễn muộn và được xây dựng bê tông cốt thép thời kỳ đầu thế kỷ XX. Do phát triển đô thị, nền chùa bị thấp hơn so với khu vực nên bị ngập úng. Khi đến làm việc, sư trụ trì nhất quyết yêu cầu phá bỏ di tích gốc và “xây cho tôi một cái chùa hai tầng ở đó” với lý do chùa quá bé so với nhu cầu sử dụng. “Tôi nhận thấy chùa chưa bị hư hại đến mức xây lại nên đưa ra giải pháp xử lý để công trình không bị ngập úng và vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ nhưng nhà chùa không chấp nhận, nhất nhất muốn xây hai tầng to và hoành tráng. Kết cục, phương án bị hủy và nhà chùa đã thuê một đơn vị tư vấn khác. Giờ, chùa đã có dáng vẻ của một…quán ăn Trung Hoa với cả ngói âm dương và vô số thứ lòe loẹt khác”, anh Hân chua xót.
Trong trùng tu di tích cho phép một số hạng mục phù hợp với hiện đại như nơi ở, công trình phụ, song mảng kiến trúc tâm linh lại khác hoàn toàn. Về nguyên tắc, việc tự ý xây dựng làm mới công trình chẳng khác nào vi phạm pháp luật. Đặc biệt, di tích đã được xếp hạng quốc gia muốn tôn tạo phải được sự cho phép thông qua Sở Văn hóa, Cục di sản văn hóa và các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, đa số trường hợp trùng tu trái phép đều lách luật hoặc dựa vào các mối quan hệ cá nhân để tự ý phá hoại di tích. “Nếu tính đó là vi phạm luật phải có chế tài xử lý kèm theo, nhưng đến giờ chế tài này vẫn chưa rõ ràng. Ở những ngôi chùa tại thành phố lớn, người ta thấy hiện tượng trái phép quá rõ ràng thì cho đình chỉ công trình, chứ ở vùng nông thôn xa xôi, thấy vi phạm đấy mà không thể xử lý nổi. Hậu quả là quĩ di sản của cha ông để lại ngày càng mai một”, anh Hân cám cảnh.
Điệp Trần
hai